ISSN-2815-5823

"Nằm lòng" 4 bí quyết giúp Gen Z quản lý tài chính cá nhân hiệu quả

(KDPT) - Quản lý tài chính cá nhân là một việc làm cần thiết để bạn có thể hướng tới mục tiêu tự do tài chính. Hãy cùng “bỏ túi” 4 bí quyết sau đây để có thể quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả và linh hoạt.

Với mức lương 10 triệu đồng/tháng, anh Ninh (26 tuổi, trú tại Hà Nội) dù còn độc thân nhưng đã chủ động xây dựng kế hoạch tài chính cho riêng mình. Tuy nhiên, thay vì tiết kiệm “tích tiểu thành đại” thì anh lại chọn đầu tư để kiếm lãi. Hiện tại Ninh phải ôm khoản nợ gần 100 triệu đồng vì đầu tư ngoài khả năng tài chính vốn có.

Hay với Yến Trang (trú tại Hà Nội) - sinh viên năm cuối tại Hà Nội, chia sẻ về thói quen thường xuyên mua sắm trên sàn thương mại điện tử. Dù có đi làm thêm, cộng với được hỗ trợ tiền học từ gia đình và học bổng nhưng Trang vẫn phải vay thêm bạn bè để chi tiêu. 

Gần đây, các sàn thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, các nhà bán lẻ rơi vào xu thế cạnh tranh, hàng hóa được giảm giá kịch sàn để kích cầu tiêu dùng, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của các công ty tài chính với một loạt phương thức thanh toán thuận tiện, giới trẻ càng có thêm cơ hội “vung tiền quá trán”. Hậu quả là không ít bạn trẻ rơi vào cảnh nợ nần, nợ tín dụng, nợ ví trả sau… không có bất kỳ khoản tiết kiệm nào dù đã đi làm vài năm.

Giới trẻ đang có thói quen chi tiêu trong vô thức
Giới trẻ đang có thói quen chi tiêu trong vô thức

Theo nhận định từ chuyên gia, giới trẻ Việt Nam đang rất thiếu kỹ năng quản lý tài chính, dẫn tới tình trạng mất kiểm soát chi tiêu, đầu tư sai mục đích, mua sắm vô tội vạ. Thế nên, ngay khi có lương, mỗi bạn trẻ cần trích ra từng khoản riêng biệt cho việc chi tiêu hàng ngày, quan hệ xã hội, du lịch, gửi tiết kiệm, đầu tư… Khi đã có một khoản tích lũy nhỏ thì sẽ hình thành thói quen tiết kiệm, kiểm soát và làm chủ được chi tiêu.

Để tạo được nền móng vững chắc cho tương lai, việc đầu tiên phải làm là kiểm soát chi tiêu tài chính cá nhân. Hãy chủ động ngay bây giờ và kiên trì thực hiện trong những năm tháng tuổi trẻ của mình, bởi lúc này bạn còn sức khỏe và thời gian. 

Dưới đây là 4 bí quyết quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả mà Gen Z nên hướng tới để có thể đạt được mục tiêu tự do tài chính trong tương lai.

Kiên trì thực hiện kế hoạch tài chính đã đặt ra

Gen Z là các bạn trẻ sinh năm 1997 đến 2012. Ở thời điểm hiện tại, hơn một nửa trong số các bạn thuộc thế hệ này bắt đầu đi làm và có những khoản thu nhập cho bản thân. Phần lớn Gen Z đang theo đuổi lối sống YOLO - tận hưởng cuộc sống theo hướng tích cực, vì vậy mà nhiều bạn trẻ rơi vào cảnh chi tiêu quá đà và thường xuyên “rỗng túi”.

Các chuyên gia tài chính cho hay, việc lập kế hoạch tài chính rõ ràng là điều rất cần thiết đối với bất kỳ ai. Điều này giúp Gen Z dễ dàng theo dõi, phân chia tỷ lệ các khoản thu chi, xác định ngân sách hàng tháng, hàng ngày cho các hoạt động một cách chính xác.

Việc lập kế hoạch tài chính rõ ràng là điều rất cần thiết đối với bất kỳ ai
Việc lập kế hoạch tài chính rõ ràng là điều rất cần thiết đối với bất kỳ ai

Cùng với đó, ngoài việc xây dựng một kế hoạch tài chính rõ ràng, phù hợp với bản thân thì bắt buộc mỗi người phải kiên trì và kỷ luật khi thực hiện quản lý tài chính. Đây cũng là yếu tố cốt lõi dẫn tới sự thành công của việc lập kế hoạch tài chính cá nhân. Để rèn luyện tính kiên trì thực hiện mục tiêu tài chính, Gen Z phải thật nghiêm túc, luôn hướng tới mục tiêu cuối cùng là tự do tài chính.

Lập quỹ khẩn cấp

Quỹ khẩn cấp là khoản tiền dự trữ khẩn cấp được dùng cho các mục đích có tính cấp thiết xảy ra một cách khách quan trong cuộc sống như chi phí khám chữa bệnh, khoản tiền dự trữ nếu chẳng may thất nghiệp… Đây là một khoản tiết kiệm riêng biệt bắt buộc có trong danh sách các khoản tiết kiệm của bạn. 

Hiện nay, Gen Z đang ở độ tuổi được đánh giá là phải chịu nhiều ảnh hưởng từ biến động kinh tế như tài chính suy thoái, dịch bệnh, chiến tranh, xung đột… Vì vậy, việc lập một quỹ dự phòng khẩn cấp lại càng trở nên cấp thiết.

Theo các chuyên gia, quỹ khẩn cấp được hình thành bởi thói quen tiết kiệm sớm. Sau khi đã lập quỹ này, Gen Z có thể tự tin tham gia các lĩnh vực đầu tư mới, tìm cho mình những cơ hội để tạo ra giá trị mới cho bản thân.

Theo dõi sát sao các khoản thu chi và tiết kiệm

Một thống kê của EVERFI - Tổ chức chuyên về giáo dục ở Mỹ về Gen Z, cho thấy có đến 90% số người có tài khoản ngân hàng được khảo sát, nhưng có 60% trong đó là tài khoản cá nhân, 30% là tài khoản chung hoặc tài khoản của người giám hộ. Có khoảng 59% người được khảo sát cho biết, họ thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản, nhưng chỉ 40% số này biết sử dụng và tạo ngân sách.

Việc tạo ngân sách, theo dõi các khoản thu chi và tiết kiệm hàng tháng kết hợp với công nghệ của ứng dụng cần được áp dụng phổ biến hơn trong việc quản lý chi tiêu. Điều này giúp Gen Z tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.

Việc này có thể mất nhiều thời gian ban đầu, nhưng nhìn về dài hạn, việc làm này sẽ ăn sâu vào tiềm thức mỗi người và tạo thành thói quen tích cực.

Hạn chế mua sắm ngẫu hứng

Phương thức mua sắm trực tuyến đang bùng nổ trong giai đoạn này ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này và Gen Z đang ngày càng mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Việc mua sắm một cách dễ dàng mọi nơi mọi lúc đã làm gia tăng sự bốc đồng trong mua sắm của giới trẻ. 

Hạn chế thanh toán bằng thẻ tín dụng, ví trả sau khi mua sắm
Hạn chế thanh toán bằng thẻ tín dụng, ví trả sau khi mua sắm

Vì vậy, Gen Z cần rèn luyện thói quen thận trọng khi mua hàng hóa, tìm hiểu kỹ về món đồ cần mua để tránh tiêu tiền hoang phí vào những món đồ vô bổ.

Hơn nữa, việc mua sắm và chi trả trực tuyến qua các thẻ tín dụng, ví trả sau đã rất phổ biến và tiện lợi. Điều này khiến các bạn trẻ rơi vào tình trạng nợ thẻ tín dụng hàng tháng, sẽ rất rủi ro nếu bạn không trả được các khoản nợ đúng hạn, dễ rơi vào nợ xấu ảnh hưởng đến uy tín tín dụng cá nhân./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024