Khách du lịch tham quan tại Hội An (Quảng Nam)
Khách du lịch tham quan tại Hội An (Quảng Nam)

Những tín hiệu lạc quan

Chuyển đổi số là quá trình mà các doanh nghiệp tiến hành thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn, Internet cho vạn vật, điện toán đám mây,… Chuyển đổi số đòi hỏi doanh nghiệp cần có chiến lược lâu dài và quá trình này gần như sẽ tác động lên toàn bộ doanh nghiệp từ tổ chức con người cho tới mô hình kinh doanh. Ngành du lịch cũng hòa nhập, xu thế này nhằm tăng hiệu quả và chất lượng dịch vụ.

Anh Diệp Thanh Tùng (Hà Nội) do công việc bận rộn ít khi đi du lịch nên khi biết đến một số công nghệ thực tế ảo ở website của Sở Du lịch hay một số công ty lữ hành anh đã có thể trải nghiệm cảm giác du lịch ảo tới nhiều địa điểm nổi tiếng tại Hạ Long, Hội An, TP.HCM, Đà Nẵng,… một cách chân thực và sống động.

Khi đại dịch Covid-19 hoành hành, thế giới mới nhận thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển du lịch. Nhiều quốc gia đã triển khai chuyển đổi số từ nhiều năm trước đây và tích cực đẩy mạnh khi đại dịch Covid-19 gây ra những thiệt hại nặng nề cho ngành Du lịch.

Anh Vũ Trung Hiếu (Sóc Sơn), làm việc tại công ty du lịch C Travel VietNam cho biết: “Nhờ các công nghệ mà hiện nay thay vì dùng tiền mặt hay chuyển khoản như trước đây thì bây giờ du khách chỉ cần quét mã để thanh toán qua QR Code. Nếu để trải nghiệm các dịch vụ ăn uống, khách hàng cũng có thể dùng QR Code để đặt món hay check in, check out ngay trên ứng dụng của khách sạn, thông tin sẽ về thẳng phần mềm quản lý. Tất cả các dịch vụ đều được phục vụ ngay trên app theo đúng nhu cầu mong muốn của khách hàng”.

Ở Việt Nam, chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Để triển khai chuyển đổi số của ngành Du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”.

Khó khăn thách thức cần vượt qua

Qúa trình đưa công nghệ vào vận hành cũng không hề đơn giản. Cái khó đầu tiên là chi phí rất lớn, dẫn đến giá dịch vụ sẽ phải tăng theo. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân sự cũng phải có trình độ công nghệ tốt, biết xử lý khi có sự cố như sập mạng, mất điện,… để không làm ảnh hướng tới trải nghiệm của khách hàng.

Việc thiếu hụt các dữ liệu cần thiết như báo cáo, phân tích thông tin,… hay năng lực quản lý còn hạn chế, việc ứng dụng công nghệ cũng trở thành những thách thức vô cùng lớn với nhiều doanh nghiệp du lịch. Với nhiều doanh nghiệp du lịch có quy mô vừa và nhỏ, đại dịch vừa qua cùng với những khoản đầu tư khổng lồ về công nghệ dẫn tới trở ngại về tài chính là chi phí đầu tư bước đầu quá lớn.

Du lịch là một ngành dịch vụ tổng hợp, có sự liên quan chặt chẽ giữa các địa phương, giữa các đơn vị lưu trú, lữ hành. Do vậy, việc chuyển đổi số cần được thực hiện đồng bộ thì mới mang lại hiệu quả tối ưu, nhưng thực tế hoạt động chuyển đổi số trong ngành du lịch hiện nay vẫn còn đơn lẻ và chưa có sự thống nhất.

Theo các chuyên gia, hiện nay nhiều công ty công nghệ đang cung cấp các giải pháp cho ngành du lịch. Do đó, nếu các công ty du lịch, lữ hành chưa đủ nội lực, nhân sự về công nghệ thông tin thì hoàn toàn có thể cộng tác, làm việc với các doanh nghiệp công nghệ để có thể chung tay thực hiện việc chuyển đổi số diễn ra một cách hiệu quả nhất.