Nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của các khu công nghiệp, khu kinh tế
Sáng nay (ngày 16/11), Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2023 với chủ đề “Hướng tới tăng trưởng xanh”.
Diễn đàn có sự tham gia của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dưng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lãnh đạo Ban Quản lý Khu công nghiệp (KCN) - Khu Kinh tế (KKT) một số địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thúc đẩy khu công nghiệp xanh, sinh thái, thông minh
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn - Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn cho hay, trong hơn 30 năm qua, các KCN và KKT đã không ngừng phát triển, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trở thành động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiến trình đô thị hóa, làm thay đổi diện mạo của nhiều địa phương trên cả nước. Tính đến tháng 10/2023, tại nước ta đã có 413 KCN được thành lập, trong đó có 295 KCN đã đi vào hoạt động.
Diễn đàn "Khu công nghiệp Việt Nam 2023", với chủ đề: "Hướng tới tăng trưởng xanh". (Ảnh: Lê Toàn - Nguyễn Thông) |
Thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, trong thời gian qua một số KCN đã phát triển theo hướng bền vững và thí điểm chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái, KCN thông minh, gắn hoạt động sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên thông qua hoạt động cộng sinh công nghiệp, kinh tế tuần hoàn.
Một số điển hình về phát triển KCN bền vững, thông minh như KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, KCN Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng. Việc thí điểm chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái cũng đang diễn ra tại KCN Khánh Phú và KCN Gián Khẩu ở Ninh Bình, KCN Hòa Khánh tại Đà Nẵng và KCN Trà Nóc 1&2 tại Cần Thơ.
Cùng với việc chuyển đổi các KCN truyền thống sang KCN sinh thái, Việt Nam đang hướng tới việc quy hoạch và xây dựng mới các KCN sinh thái.
Những kết quả bước đầu đạt được trong việc chuyển đổi mô hình KCN và quy hoạch phát triển mới các KCN sinh thái là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, quá trình này cũng đang đối mặt với không ít khó khăn. Nổi lên là nguồn vốn rất hạn chế, chính sách tài chính xanh chưa thực sự đi vào cuộc sống. Còn thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hình thành liên kết cộng sinh công nghiệp. Nhận thức về phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chưa đầy đủ, một số địa phương chưa quyết liệt vào cuộc; thủ tục thành lập mới các KCN nói chung và KCN sinh thái nói riêng còn phức tạp và mất nhiều thời gian…
TS. Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, Diễn đàn được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và trong nước; phân tích, đánh giá xu hướng tất yếu và yêu cầu bức thiết về phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên thế giới; thảo luận đề xuất các chính sách, giải pháp thiết thực nhằm thúc đầy phát triển KCN xanh, KCN sinh thái và KCN thông minh tại Việt Nam.
Nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của các KCN, KKT
Tại Diễn đàn, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhìn lại chặng đường hơn 30 năm hình thành và phát triển các KCN, hơn 25 năm xây dựng và phát triển các KKT cửa khẩu và hơn 20 năm thành lập và phát triển các KKT ven biển.
Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: Lê Toàn - Nguyễn Thông) |
Theo bà Hiếu, các KCN và KKT đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là động lực đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương và cả nước.
Trước những bối cảnh hiện nay, những yếu tố vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển bứt phá và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển bền vững không còn là khẩu hiệu mà đang thực sự trở thành xu thế tất yếu, là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, các KCN, KKT trong thời gian tới, bà Vương Thị Minh Hiếu cho rằng, cần có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới, trong đó, mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình KCN, KKT mới; lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai; thu hút đầu tư có chọn lọc; phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành; hạn chế phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định (đặc biệt là đất trồng lúa) và tại các khu vực khó có khả năng đền bù, giải phóng mặt bằng;
Phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội; đảm bảo bền vững về môi trường; quy hoạch và triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN, KKT; hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ, đảm bảo cho việc phát triển bền vững các KCN, KKT.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng nhà máy xử lý nước thải; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tại Ban Quản lý KCN, KKT, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tại các KCN, KKT.
Nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của các KCN, KKT các địa phương thông qua: Cải thiện cơ sở hạ tầng (giao thông, cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ logistic); tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thiếu các nguồn tài chính xanh sẽ là rào cản
Đại diện Ban Quản lý Khu Công nghiệp cao (CNC) và các KCN Đà Nẵng nhìn nhận, sau nhiều năm triển khai nhiều hoạt động thí điểm, việc chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái cần bắt đầu từ việc khuyến khích xây dựng các doanh nghiệp xanh, tiên phong trong việc tuần hoàn chất thải, tính toán được lợi ích kinh tế lâu dài.
Đồng thời, khái niệm trung tâm của KCN sinh thái là cộng sinh công nghiệp, hướng đến các mô hình tuần hoàn chất thải. Hiện nay, tại các KCN đã tồn tại một số mô hình tuần hoàn chất thải, nhưng hầu hết tự phát và ở quy mô nhỏ.
Cơ quan quản lý cần đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp hình thành liên kết cộng sinh công nghiệp, hạn chế phát sinh các thủ tục hành chính cản trở doanh nghiệp hình thành liên kết.
Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ rất hạn chế, thủ tục còn phức tạp, chưa thực sự tạo động lực để doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất nhiều quỹ tài chính xanh như quỹ ủy thác tín dụng xanh, quỹ hỗ trợ tăng trưởng xanh, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ bảo vệ môi trường… đã tạm ngưng các khoản vay hỗ trợ đổi mới công nghệ hoặc thắt chặt các chính sách, đối tượng cho vay.
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang từng bước phục hồi, tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng dự báo vẫn sẽ ảnh hướng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đến giữa năm 2024, Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng cho rằng, việc thiếu các nguồn tài chính xanh sẽ là rào cản cho các doanh nghiệp muốn đổi mới dây chuyền sản xuất./.