ISSN-2815-5823

Ngân hàng Chính sách xã hội, điểm tựa tin cậy cho an sinh của người nghèo

(KDPT) - Sau 22 năm thành lập, 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được Ngân hàng Thế giới đánh giá: “Hành trình phát triển của NHCSXH mang lại những kinh nghiệm và bài học quý giá cho Chính phủ các nước đang phát triển khác”.

Hành trình trở thành điểm tựa tin cậy của các đối tượng chính sách xã hội

Để triển khai Luật các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, đồng thời thực hiện cam kết với Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế về việc thành lập Ngân hàng Chính sách; ngày 4/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo, tách ra khỏi NHNo&PTNT Việt Nam.

Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn cho các hộ vay.
Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn cho các hộ vay.

Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, lúc này NHCSXH đã có 12 năm xây dựng và phát triển và được coi là đơn vị trụ cột thực hiện chính sách tín dụng xã hội của Đảng và Nhà nước.

Nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, với những kết quả đạt được sau hơn một thập kỷ cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một “điểm sáng” và là một “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN Việt Nam, kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH, kết quả đạt được trong 10 năm qua đã khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW là giải pháp đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Trong 10 năm, đã có hơn 21 triệu hộ được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất - kinh doanh. Qua đó, giúp hơn 3,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 4,2 triệu lao động vay vốn tạo việc làm; xây dựng hơn 13,2 triệu công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh, môi trường đến với người dân vùng nông thôn; hơn 610.000 học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 193.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách và hơn 1,2 triệu lượt lao động được doanh nghiệp vay vốn trả lương do ảnh hưởng dịch COVID-19…

Hoạt động NHCSXH không chỉ được Đảng và Nhà nước ghi nhận, Ngân hàng Thế giới cũng không ngần ngại đánh giá NHCSXH là “đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính vi mô lớn nhất Việt Nam và là một trong những ngân hàng cung cấp tài chính vi mô lớn nhất Châu Á, là một trong số ít các mô hình thành công và bền vững trên thế giới. Hành trình phát triển của Ngân hàng Chính sách xã hội mang lại những kinh nghiệm và bài học quý giá cho Chính phủ các nước đang phát triển khác”.

Nói về những nỗ lực của tập thể cán bộ nhân viên NHCSXH trong việc đưa tín dụng chính sách đến đúng đối tượng Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, NHCSXH đã không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

NHCSXH đã tập trung huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng, không ngừng tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, tạo nguồn lực lớn đề từng bước mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay, đáp ứng kịp thời và ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trong 10 năm qua, đã huy động tăng thêm 238.338 tỷ đồng (tăng gấp 2,8 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị), đưa tổng nguồn tín dụng chính sách xã hội đến nay đạt 373.010 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,8%.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến nay đạt 350.822 tỷ đồng, tăng 221.365 tỷ đồng (tăng gần 171%) so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,5%.

NHCSXH được đánh giá là “đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính vi mô lớn nhất Việt Nam...
NHCSXH được đánh giá là “đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính vi mô lớn nhất Việt Nam...

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tiếp tục được triển khai rộng rãi đến 100% xã, phường, thị trấn trong cả nước; giúp trên 21 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay đạt 733.152 tỷ đồng, trong đó, đã tập trung ưu tiên cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, giảm nghèo từ 14,2% năm 2011, xuống 2,93% cuối năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Sát cánh với khách hàng khắc phục hậu quả thiên tai

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2024 cho NHCSXH, theo đó, tăng dư nợ tín dụng so với năm 2023 đối với các chương trình tín dụng chính sách đươc Thủ tướng Chính phủ giao hằng năm tối đa 8%, tương ứng khoảng 19.600 tỷ đồng, Tổng Giám đốc NHCSXH đã kịp thời triển khai phân giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố để tổ chức thực hiện.

Ngân hàng Chính sách xã hội, điểm tựa tin cậy cho an sinh của người nghèo - ảnh 3

Đến 30/9/2024, tổng doanh số cho vay đạt 90.233 tỷ đồng, với 1.831 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đươc vay vốn; tổng doanh số thu nợ đạt 64.847 tỷ đồng, bằng 71,9% doanh số cho vay; tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 357.263 tỷ đồng, tăng 25.339 tỷ đồng (+7,6%) so với năm 2023 với hơn 6.878 nghìn khách hàng còn dư nợ.

Trong tháng 9/2024, Tổng Giám đốc NHCSXH đã có công điện chỉ đạo chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 (Yagi),triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó bão với tinh thần chủ động, mức độ cao nhất để đảm bảo an toàn về con người và tài sản của NHCSXH.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội rà soát, thống kê thiệt hại của khách hàng vay vốn để triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng và sớm khắc phục hậu quả bão lũ để trở lại hoạt động bình thường.

... và là điểm tựa tin cậy cho an sinh của người nghèo.
... và là điểm tựa tin cậy cho an sinh của người nghèo.

NHCSXH chỉ đạo các đơn vị tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và các cá nhân, tổ chức có liên quan rà soát khách hàng vay vốn bị thiệt hại đủ điều kiện xử lý rủi ro để thiết lập Hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro gửi về Hội sở chính kiểm tra, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Đến ngày 27/9/2024, tình hình thiệt hại đề nghị xử lý nợ rủi ro của 26 chi nhánh là 17.596 món vay, số tiền 1.033 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) và số 4 (Soulik), từ ngày 7/9/2024 đến 23/9/2024, toàn quốc có 581 phiên giao dịch xã cố định phải tạm dừng tại 167 Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện của 28 chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, ngay sau đó, các đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện giao dịch bù đối với các phiên giao dịch này theo đúng quy định./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/11/2024