Ngân hàng Nhà nước trở lại trạng thái hút ròng trên kênh thị trường mở
Thị trường tiền tệ: Ngân hàng Nhà nước quay trở lại trạng thái hút ròng trên kênh thị trường mở
Sau một tuần bơm ròng do yếu tố mùa vụ (cuối quý), Ngân hàng Nhà nước đã quay trở lại trạng thái hút ròng trên kênh thị trường mở với tổng khối lượng là 21,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, việc phát hành tín phiếu được đẩy mạnh trong 3 ngày đầu tuần, với tổng khối lượng tín phiếu phát hành trong tuần lên tới 55,7 nghìn tỷ đồng trên tổng số 37,4 nghìn tỷ đáo hạn. Bên cạnh đó, kênh mua kỳ hạn 7 ngày vẫn được kích hoạt với tổng khối lượng phát hành mới là 24,8 nghìn tỷ đồng, trên tổng số 27,5 nghìn tỷ đáo hạn ở lãi suất 4,5%. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm nhẹ trong những phiên đầu tuần, trước khi tăng trở lại mức 4,8% (không thay đổi so với tuần trước đó) trong phiên giao dịch thứ 6.
Trong cuộc họp thường kỳ tháng 6, Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng tính đến cuối tháng 6 tăng khoảng 6% so với cuối năm 2023 - đạt được mức mục tiêu mà Thủ tướng đặt ra cho nửa đầu năm. Như vậy chỉ trong 1 tháng, tín dụng đã tăng gần 3,5% - tương đương với con số tuyệt đối khoảng 480 nghìn tỷ đồng. Để có thể xem xét mức tăng của tín dụng có đến từ nhu cầu được cải thiện hay không thì cần nhìn thêm tương quan với số liệu về tăng trưởng huy động. Nhìn chung, biến động về mặt bằng lãi suất trên thị trường 2 xuyên suốt tháng 6 cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn đang được kiểm soát tốt.
Thị trường ngoại hối: Tỷ giá USD/VND tự do bật tăng
Trong tuần trước, số liệu kinh tế của Mỹ kém tích cực, đặc biệt là ở thị trường lao động của Mỹ giúp kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9 tăng mạnh lên 70% (từ mức 50% trong 1 tháng trước đó, thông qua công cụ CME FedWatch). Cụ thể, mặc dù số liệu việc làm phi nông nghiệp trong tháng 6 cao hơn so với dự báo, việc điều chỉnh giảm mạnh số liệu trong tháng 4 và tháng 5 thể hiện thị trường lao động ở Mỹ đã hạ nhiệt đáng kể. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng lên mức 4,1% trong tháng 6, cao với dự báo đi ngang ở mức 4,0%. Về số liệu kinh tế, Viện Quản lý Cung ứng ISM cho biết PMI lĩnh vực dịch vụ bất ngờ chỉ đạt 48,8 điểm trong tháng 6 - mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 và giảm mạnh từ mức 53,8 của tháng 5 và thấp hơn mức 52,6 theo dự báo.
Đồng USD, thông qua chỉ số DXY giảm tới 0,9% so với tuần trước đó, tuy nhiên các đồng tiền chủ chốt có biến động khác nhau. Trong đó GBP (+1,34%) và EUR (+1,19%) tăng mạnh trong khi các đồng tiền khu vực Châu Á có diễn biến kém tích cực hơn như THB (+0,79%), JPY (+0,08%) hay KRW (-0,29%).
Thị trường trong nước, áp lực về tỷ giá tiếp tục duy trì trong nửa đầu tuần và có dấu hiệu hạ nhiệt về cuối tuần, tương đồng với diễn biến của đồng DXY. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng và tỷ giá niêm yết tại các NHTM gần như đi ngang trong những ngày đầu tuần và chỉ giảm nhẹ (0,15%) trong phiên giao dịch ngày thứ 6. Trong khi đó, tỷ giá tự do sau khi bật tăng vượt đỉnh lịch sử đã giảm mạnh về mức 25.825 đồng (giảm 200 đồng so với cuối tuần trước đó). NHNN đã tiếp tục bán USD từ dự trữ ngoại hối nhằm cung cấp thanh khoản ngoại tệ cho thị trường với khối lượng hạ nhiệt hơn so với tuần trước đó. Mặc dù số liệu về FDI giải ngân hay thặng dư cán cân thương mại tích cực, cán cân thanh toán quốc tế trong Quý 1 vẫn ghi nhận mức âm và cho thấy áp lực rút vốn vẫn còn rất lớn.
Thị trường trái phiếu chính phủ: Thanh khoản thị trường thứ cấp kém tích cực
Trong tuần trước, KBNN đã tăng mạnh khối lượng gọi thầu lên 17 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ có kỳ hạn 10 năm trúng thầu với tổng khối lượng đạt 11,5 nghìn tỷ đồng. Lợi suất trúng thầu không thay đổi so với phiên trước đó. Tính từ đầu năm đến nay, KBNN huy động được 168 nghìn tỷ đồng và hoàn thành 42% kế hoạch năm. Với khối lượng đáo hạn lớn trong nửa cuối năm và nhu cầu cần huy động thêm nguồn lực cho các dự án cơ sở hạ tầng, khả năng KBNN sẽ phải tăng kế hoạch phát hành quý 3.
Lợi suất trái phiếu trên thị trường thứ cấp đi ngang ở hầu hết các kỳ hạn. Kết tuần đóng cửa như sau: 1 năm (1,87%, + 0 bps), 3 năm (1,90%; +0 bps); 5 năm (1,98%, +0 bps); 10 năm (2,78%, -1 bps); 15 năm (2,96%, +1 bps); 20 năm (3,12%, +1 bps) và 30 năm (3,19%, +0 bps). Giá trị giao dịch trung bình ngày Outright và Repos trên thị trường thứ cấp giảm mạnh 55% xuống chỉ còn 9,4 nghìn tỷ đồng, chủ yếu từ giao dịch outright. Nhà đầu tư nước ngoài đảo chiều bán ròng 559 tỷ đồng - mức bán ròng theo tuần cao nhất kể từ tháng 2/2024./.
- Đấu thầu 400.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội
- Kho bạc Nhà nước phát hành 127.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ
- Tháng 10 huy động được gần 19.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ