Ngành chăn nuôi gia cầm đồng bằng sông Cửu Long tìm cách gỡ khó trong mùa dịch
Lao đao trong dịch bệnh
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính tới tháng 5/2020, nước ta có đàn gia cầm nhiều nhất chưa từng có kể từ trước cho tới nay. Với số lượng gần 500 triệu con, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 20 trên thế giới về sản lượng thịt gia cầm và vị trí thứ 2 thế giới về số lượng đàn vịt (sau Trung Quốc). Việt Nam là một trong những nước thuộc Top 10 thế giới về sản lượng thịt vịt và trứng vịt. Trong đó, ĐBSCL chiếm sản lượng thịt và số lượng đàn đứng thứ 2 cả nước (sau đồng bằng sông Hồng).
Tại ĐBSCL, chăn nuôi gia cầm tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Long An, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh và TP Cần Thơ. Mũi nhọn của gia cầm khu vực này là gà và vịt. Thời gian qua, do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn, nắng nóng và nạn xâm nhập mặn diễn ra ở một số tỉnh, dẫn tới nguồn nước sinh hoạt khan hiếm Tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực đến việc cung cấp nước cho đàn gia cầm, khiến đàn nuôi chậm lớn, chết yểu do nhiễm mặn nguồn nước. Giai đoạn này, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, nhu cầu sử dụng sản phẩm ít, gia cầm hạ giá nên phải kéo dài thời gian nuôi, làm cho người chăn nuôi thua lỗ nặng nề.
Bên cạnh đó, khí hậu nắng nóng đã tạo điều kiện cho dịch bệnh H5N1 phát triển, cụ thể, dịch đã bùng phát ở một số nơi như: tỉnh Trà Vinh có .2 ổ dịch (cúm A/H5N1) khiến 1.704 con gia cầm chết (tháng 2/2020). Ở TP Cần Thơ cũng xuất hiện 01 ổ dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1 tại quận Ô Môn vào cuối tháng 4/2020. Hậu quả thất thoát, thua lỗ khiến người chăn nuôi lao đao, nhiều chủ trại phải bỏ nghề hay bán trang trại để bù lỗ. Nói về tình trạng này, có người chăn nuôi buông đùa “vịt tha sổ đỏ”. Câu nói cho thấy thực trạng khốn khó của người chăn nuôi gia cầm tại ĐBSCL đang ở mức báo động.
Loay hoay muôn cách tìm lối đi
Mặc dù trong thời gian dài từ đầu năm tới nay, ngành chăn nuôi gia cầm gặp khó khăn chồng chất, nhưng tại thời điểm này, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm gia cầm đang có những tia sáng, hứa hẹn sự hồi phục. Trước tình cảnh bị các thương lái chèn ép, bán các sản phẩm với giá thấp, thời gian gần đây, một số hộ yêu nghề đã tự tin tìm lối thoát cho các sản phẩm của mình.
Tận dụng công nghệ 4.0 mạng xã hội, các hộ chăn nuôi thành lập nhóm mua, bán gà, vịt miền Nam; hội chăn nuôi gà, vịt Bắc – Trung – Nam… Tại đây, người cần mua, bán sẽ công khai số lượng và giá cả, giá thành vì thế mà bán được giá cao hơn. Cụ thể: giá gà dao động từ 31.000 – 33.000 đồng/kg (đối với gà công nghiệp), tăng gấp 3 lần so với thời điểm tụt đáy; giá vịt thịt cũng tăng theo từ 40.000 – 43.000 đồng/kg; trứng vịt có giá trung bình 21.000 – 25.000 đồng/10 quả. Giá bán này hiện đủ đảm bảo người chăn nuôi có lời. Người chăn nuôi trực tiếp ký hợp đồng cung ứng các sản phẩm gia cầm cho các doanh nghiệp, bếp ăn công nghiệp, nhà hàng hay người bán buôn, đồng thời, đẩy mạnh việc cung ứng giết mổ, không mấy phụ, thuộc vào các thương lái.
Trước đây, cơ sở sản xuất con giống phải tiêu hủy bớt gà, vịt giống hay “vừa bán vừa cho”. Mặc dù vậy vẫn không có người mua do tình hình dịch bệnh trên gia cầm diễn biến phức tạp. Hiện nay, thị trường tiêu thụ dần khôi phục, tuy giá thành vẫn thấp nhưng người chăn nuôi đã bắt đầu đầu tư trở lại. Tại Cần Thơ, con giống gà ở mức giá khoảng 10.000 đồng/con, vịt xiêm lai pháp R71 có giá dao động 16.000 – 20.000đồng/con. Giống vịt bầu lai, vịt bơ đang dao động khoảng 8.000 – 10.000 đồng/con, ở khu vực Bến Lức – Long An hay Bến Tre nhiều trại cho biết giá cũng nhỉnh hơn trước.
Bộ NN&PT Nông Thôn đã có văn bản gửi các tỉnh, thành định hướng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm. Khuyến khích nuôi chủ yếu các giống gà nội (gà lông màu, gà thả vườn) bởi loại gà này thường ổn định về giá. Bên cạnh đó, lại chủ động được nguồn giống gà nội đảm bảo chất lượng. Theo tinh thần văn bản của Bộ NN&PTNT, người chăn nuôi gia cầm ở ĐBSCL bắt đầu vào đàn trở lại với mục đích lấy thịt gia cầm thế thịt heo trong thời điểm giá thịt heo đang cao. Số đàn gia cầm mới ngày một tăng nhanh: Tại Bến Tre, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước khoảng 8.108 ngàn con, tăng gần 12,9% so với trước đó; Cần Thơ phê duyệt quy hoạch chăn nuôi gia cầm quy mô đàn năm 2020 đạt 2.500.000 con, hiện thành phố có hơn 1.846 ngàn con gia cầm; tỉnh An Giang hiện có 633.722 con vịt, 8.306 con gà và tỉnh Đồng Tháp có 6 triệu con gia cầm.
Gia cầm ở ĐBSCL đang tăng nhanh về số đàn và lớn về quy mô, chủ yếu phát triển theo mô hình nhỏ lẻ, tự phát thiếu tập trung, rất khó để kiểm soát dịch bệnh, đòi hỏi sở NN&PTNT các tỉnh thành cần có sự đánh giá lại ngành chăn nuôi của địa phương mình, không để tình trạng diễn ra như hiện nay.
THƯƠNG THU