ISSN-2815-5823

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân

(KDPT) - Hơn 173.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 10 tháng qua. Tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp là cần thiết hiện nay.

Doanh nghiệp tư nhân rút lui khỏi thị trường đang là vấn đề đáng lo ngại

Con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 10 tháng tiếp tục cao. Hàng loạt khó khăn của doanh nghiệp vẫn đang đợi được giải quyết. Yêu cầu gỡ điểm nghẽn cho doanh nghiệp không chỉ bức bách về thời gian, mà cả về cách tư duy.

Hơn 173.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 10 tháng qua là con số đáng báo động. TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: "“Tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân cũng đang ở mức thấp, khoảng 7,1%, dù đã hồi phục theo từng quý, song vẫn quá thấp so với nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như so với năng lực của khu vực này”.

TS. Nguyễn Đình Cung nhận định, so với giai đoạn trước dịch, cụ thể là 2014-2019, tăng trưởng của khu vực này luôn trên 10%. Năm 2017 ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục là 17%. “Tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong 5 năm đó đã góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam các năm 2017-2019. Nếu không thúc đẩy đầu tư tư nhân, tạo không khí mới trong đầu tư phát triển, thì GDP không thể có được mức tăng đột phá trong giai đoạn tiếp theo”.

Hàng trăm nghìn doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường trong 10 tháng năm 2024. (Ảnh minh họa)
Hàng trăm nghìn doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường trong 10 tháng năm 2024. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, những khó khăn của doanh nghiệp dường như vẫn quá nhiều, quá lâu được giải quyết. Các vấn đề về hoàn thuế, tiếp cận tín dụng, đất đai, gỡ bỏ điều kiện kinh doanh không phù hợp... Nhiều vấn đề đã có cách giải quyết, nhưng vẫn không được xử lý dứt điểm. Tạo nên những rào cản, vướng mắc khiến nhiều doanh nghiệp chùn bước.

Phục hồi niềm tin cho các doanh nghiệp

Những khó khăn dồn dập của kinh tế thế giới trong nhiều năm qua đã gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng của nước ta.

Với quyết tâm đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Quốc hội, Chính phủ đã sửa đổi, ban hành nhiều chính sách theo hướng tạo môi trường sản xuất, kinh doanh ngày càng thông thoáng hơn.

Chẳng hạn như việc cắt giảm giấy phép, xóa bỏ giấy phép con, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, cơ cấu nợ, thực hiện hiệu quả các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp... Nhờ vậy, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã “biến nguy nan thành cơ hội”, phục hồi và phát triển tương đối tốt.

Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã tiến hành khảo sát đối với 891 doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024. Kết quả khảo sát cho thấy, so với kỳ khảo sát hồi tháng 4 năm ngoái, số doanh nghiệp có đánh giá tích cực/rất tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay tăng gấp 5 lần; đánh giá tích cực/rất tích cực về kinh tế ngành hiện tại tăng gấp 4 lần; đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới tăng 5 lần; doanh nghiệp dự kiến mở rộng mạnh quy mô tăng 2,5 lần, mở rộng vừa quy mô tăng 2,7 lần. Điều đó cho thấy, niềm tin của doanh nghiệp đang dần được phục hồi.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều thách thức, dẫn tới nhiều doanh nghiệp phải lên những kịch bản ít sáng sủa nhất trong thời gian tới. Kết quả khảo sát của Ban IV cho thấy, 56,1% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn về đơn hàng; 44,4% gặp khó khăn về thủ tục hành chính - chủ yếu là từ các địa phương; 37,7% gặp khó khăn về dòng tiền; 31,7% gặp khó khăn về thông tin thị trường. Đặc biệt, có 47% doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ lo lắng trước nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế. Với những khó khăn, thách thức như vậy, 68,5% doanh nghiệp được khảo sát dự kiến giảm quy mô hoặc tạm ngừng kinh doanh trong 12 tháng tới.

Doanh nghiệp đề xuất 4 hướng giải pháp 

Để giải quyết những khó khăn, thách thức nêu trên, các doanh nghiệp nêu ra rất nhiều kiến nghị cụ thể. Có thể tóm gọn thành 4 nhóm vấn đề.

Về nhóm vấn đề giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh, doanh nghiệp đề xuất miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tái đầu tư; xây dựng chiến lược quốc gia để cải cách chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, phí trước bạ, lệ phí; giảm lãi vay; giảm mật độ thanh tra, nhất là thanh tra về bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy; các địa phương cần đơn giản hóa thủ tục hành chính...

Về nhóm vấn đề tiếp cận vốn vay, các doanh nghiệp kiến nghị tạo thuận lợi hơn để doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn vay ưu đãi; tăng cường hỗ trợ vốn từ các ngân hàng với những chính sách mở, kéo dài thời hạn vay vốn; các ngân hàng cần giảm lãi suất để doanh nghiệp duy trì và tạo đà phát triển; hướng dẫn thêm về vay vốn để mở rộng kinh doanh vì doanh nghiệp không nắm được thông tin; Nhà nước nên có quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Về nhóm chính sách hỗ trợ tiếp cận thị trường, bên cạnh mong muốn được hỗ trợ xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp cũng hy vọng các cơ quan hữu quan có giải pháp hữu hiệu hơn để đánh thuế hàng nhập khẩu qua đường tiểu ngạch và hàng nhập khẩu nhỏ lẻ vào Việt Nam qua sàn thương mại điện tử, tránh để hàng hóa qua các con đường này phá giá bóp nghẹt sản xuất trong nước...

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng nêu ra nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cụ thể là cải cách triệt để thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng cơ bản, đánh giá và loại bỏ bớt các loại giấy phép con, chứng chỉ hành nghề; đẩy mạnh cảnh báo rủi ro về thuế; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/12/2024