Ngành nông nghiệp tạo bước đột phá nhờ ứng dụng công nghệ 5.0
Ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng GDP cao
Ngày 23/7, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp 2024 "Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0."
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,15%; lâm nghiệp tăng 5,34%; thủy sản tăng 3,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
"Với kết quả này, ngành nông nghiệp tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm"- ông Hoàng Quang Phòng cho biết.
Nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cuộc cách mạng công nghiệp 5.0 là cơ hội to lớn đối với ngành nông nghiệp khi việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất và cụ thể là hàng chục triệu nông dân Việt Nam sẽ được tiếp cận, nâng cao kỹ năng, trình độ và năng lực đủ để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm nông sản đa giá trị về kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập.
Bên cạnh đó, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là lĩnh vực mới ở Việt Nam và đã có những mô hình đột phá nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng. Chúng ta đã tiếp cận nhiều thành tựu công nghệ nhưng vận dụng, áp dụng thế nào để mang lại hiệu quả và liên kết sản xuất thế nào để đầu tư công nghệ hợp lý là bài toán khó.
Bởi vậy, cần tiếp cận theo hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao, chứ không đơn thuần chỉ là phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cũng chính vì vậy, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hoá đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp”- ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Nông nghiệp gắn liền với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số
Nông nghiệp thông minh sử dụng tối đa các ứng dụng công nghệ về AI, gắn chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Ông Phạm Hồng Quất- Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, Việt Nam là nước đang rất tích cực trong chuyển đổi sang 5.0, bằng việc tham gia các cam kết, đặc biệt là các COP vừa qua được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao để từ đó họ có những chương trình đồng hành, hỗ trợ cho Việt Nam.
Hiện nay có rất nhiều thách thức cho nền nông nghiệp, bên cạnh những thách thức chung của toàn cầu, ví dụ như thoái hóa đất đai, biến đổi khí hậu,… đang làm Việt Nam đứng trước những thách thức vô cùng lớn thì việc áp dụng kinh tế chia sẻ, chia sẻ từ các Tập đoàn dẫn đầu lĩnh vực là vô cùng quan trọng giúp thay đổi cục diện, đi cùng người nông dân để tạo ra những hiệu quả…
Việc thúc đẩy kết quả nghiên cứu khoa học của các viện, trường cũng đóng một vai trò rất quan trọng, nhưng ở Việt Nam dường như cũng chậm hơn các nước trong khu vực. Ví dụ như liên kết giữa nhà trường – doanh nghiệp – người nông dân chưa có những giải pháp để giải quyết những thách thức cụ thể. Chúng ta đang thiếu những đầu tàu dẫn dắt trong lĩnh vực chiến lược để tạo ra sự cạnh tranh- ông Phạm Hồng Quất cho hay.
Hoàn thiện chính sách, đổi mới cơ chế, áp dụng công nghệ
Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao Đặng Kim Sơn cho biết, trong việc áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, ông Sơn cho rằng, cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp với tổ chức khoa học công nghệ, giữa doanh nghiệp với nông dân trên nền tảng một hệ thống chính sách, pháp luật hiệu quả của Nhà nước.
Do đó, theo ông Sơn, cần nhanh chóng đổi mới cơ chế và hoàn thiện hệ thống tổ chức của hệ thống khuyến nông và dịch vụ tư vấn công nghệ, hình thành quan hệ phục vụ khách hàng với đội ngũ cán bộ chuyển giao kỹ thuật, gắn hiệu quả phục vụ người sản xuất với lợi ích của họ.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh nhanh chóng đổi mới cơ chế, hoàn thiện hệ thống tổ chức của các viện nghiên cứu và trường đại học, thực sự gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo, tạo động lực để cán bộ khoa học tập trung vào sáng tạo, quan tâm đến hiệu quả cuối cùng của sản phẩm khoa học.
Diễn đàn cũng ghi nhận những gợi mở các giải pháp, kiến nghị đề xuất những giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0; trong đó đề xuất một số giải pháp cụ thể sau: Cần tăng cường năng lực tiếp cận nông nghiệp thông minh; tiếp tục triển khai sát với điều kiện cụ thể của ngành, địa phương, doanh nghiệp và trạng trại của mình để chọn lựa các giải pháp công nghệ phù hợp.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao đồng bộ về nông nghiệp thông minh; Mở rộng hợp tác quốc tế, tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi, tập trung thu hút doanh nghiệp FDI và dự án ODA về nông nghiệp thông minh để tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ, cách quản trị của họ để tiếp thu trình độ công nghệ thế giới nhằm rút ngắn thời gian, nhưng hiệu quả sản xuất mang lại bất ngờ từ nông nghiệp thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo, robot cho thực phẩm an toàn, phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến nông sản.
Theo các chuyên gia nhận định, cần lựa chọn và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ thông minh trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong những năm tới như: Kết nối thiết bị cảm biến IoT để điều khiển tự động, cải thiện và ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nhà kính; sử dụng đồng bộ công nghệ đèn LED để tối ưu hóa quá trình sinh trưởng của hoa; nâng cao hiệu quả khai thác năng lượng điện mặt trời; ứng dụng công nghệ robot; công nghệ quản lý tài chính; thiết bị bay không người lái để thu thập, phân tích dữ liệu và khuyến nghị các biện pháp phòng, chống dịch hạ, cảnh báo thời tiết…
- Lấy lĩnh vực khoa học công nghệ làm mũi nhọn hướng đến phát triển ngành nông nghiệp
- Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp ước đạt 3,83%