ISSN-2815-5823

Ngành vật liệu xây dựng vẫn ảm đạm dù được trợ lực từ đầu tư công

(KDPT) - Những kỳ vọng từ đầu năm vào việc đẩy mạnh các dự án đầu tư công sẽ kéo ngành vật liệu xây dựng đi lên nhưng thực tế, hoạt động của nhóm này vẫn bấp bênh do phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tính đến hết tháng 9, giải ngân vốn đầu tư công cả nước ước đạt trên 363.000 tỷ đồng, bằng 51,38% kế hoạch, cao hơn khoảng 110.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, điểm sáng là giải ngân trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Sức mua giảm do ảnh hưởng tiêu cực từ bất động sản

Thị trường vật liệu xây dựng bao gồm các ngành như thép, xi măng, gạch, đá… đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ bất động sản khi trước giờ, nguồn cung của nhóm ngành này đa phần đổ vào thị trường bất động sản. Thị trường ảm đảm kéo theo nhu cầu mua vật liệu xây dựng suy giảm mạnh, điều này có thể dễ nhận thấy qua bức tranh tài chính của nhóm doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này.

Với ngành thép, thống kê kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này cho thấy, doanh thu thuần giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, kéo theo lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng suy giảm, thậm chí có nhiều doanh nghiệp thua lỗ trong quý 3/2023.

Một số doanh nghiệp phải kể đến như Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel - Mã: TVN) lỗ ròng 404 tỷ, Thép SMC (Mã: SMC) lỗ ròng 549 tỷ hay số lỗ ròng của Thép Pomina (Mã: POM) lên tới 647 tỷ.

Trong bối cảnh ngành bất động sản còn trầm lắng, Tổng Giám đốc Hoà Phát nhận định những tháng cuối năm ngành thép vẫn trông chờ vào các dự án đầu tư công. Ngoài ra, việc Chính phủ giảm lãi suất thời gian qua cũng bắt đầu thẩm thấu vào nền kinh tế Việt Nam. Điều này cũng được xem là động lực cho tiêu thụ thép thời gian tới.

Không chỉ ngành thép, vật liệu xây dựng là xi măng cũng chật vật tìm đường ra cho mình. Nhóm doanh nghiệp ngày cũng chịu tổn thất nặng nề khi số lượng doanh nghiệp ngành này báo lỗ cao gấp đôi so với quý trước và nhiều kỷ lục không muốn có cũng được xác lập.

Trong 12 doanh nghiệp xi măng trên sàn chứng khoán đã công bố BCTC quý 3/2023, có tới 10 doanh nghiệp báo lỗ, 1 doanh nghiệp giảm lãi và chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng. Đây là một thực trạng đáng lo ngại với doanh nghiệp.

Đơn cử như, CTCP Vicem Thạch cao Xi măng (TMX) công bố doanh thu thuần trong quý 3/2023 đạt hơn 27 tỷ đồng, giảm 1 nửa so với cùng kỳ năm trước và lỗ sau thuế tới 752 triệu đồng. Hay tại Xi măng Bỉm Sơn lỗ gần 56 tỷ đồng; CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn cũng lỗ tới 32 tỷ đồng; CTCP Xi măng Hoàng Mai lỗ tới 26 tỷ đồng;…

Bên cạnh đó, nhu cầu về đá xây dựng cũng không được khả quan dù hạ tầng giao thông được đẩy mạnh đầu tư. Nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này cũng chật vật. Chẳng hạn, CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Mã: KSB) báo doanh thu và lợi nhuận ròng giảm lần lượt 44% và 43% do tiêu thụ yếu.

Trong khi đó, với việc sở hữu 3 mỏ đá tại Đồng Nai và Bình Phước, CTCP Hóa An (Mã: DHA) dù báo doanh thu giảm nhẹ 2% nhưng nhờ hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán nên lợi nhuận ròng đạt gần 78 tỷ, tăng 93% so với cùng kỳ.

Dự báo xu hướng phát triển của ngành VLXD những tháng cuối năm?

Đánh giá về mối liên quan giữa ngành vật liệu xây dựng với thị trường bất động sản, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là do cung cầu. Hiện cầu không tăng nhiều mặc dù đầu tư công tăng đáng kể thời gian qua, trong khi nguồn cung lại rất lớn, nhất là với ngành thép khi chịu tác động kép do lượng thép từ Trung Quốc nhập về nước đã làm cho giá thép trong nước liên tục giảm.

Theo TS. Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho hay, 9 tháng năm 2023, thị trường vật liệu xây dựng hết sức khó khăn do cầu yếu, cho nên hầu hết các mặt hàng không tiêu thụ được, trong đó có gạch lát, gốm ốp lát, kính xây dựng… ảnh hưởng lớn nhất, bởi thị trường bất động sản đóng băng. Tuy nhiên, bên cạnh đó có số loại vật liệu xây dựng nhu cầu lớn nhưng không đáp ứng được, nên giá có tăng, như vật liệu đắp nền ...

Ông Sâm cho rằng, những tháng cuối năm, tiêu thụ vật liệu xây dựng sẽ tăng hơn, nhưng cũng không có đột phá, cho nên giá cả sẽ vẫn ổn định, không có tăng giảm nhiều. Đối với giá cát để đắp đường, hiện nay cũng có nhiều đề xuất giải pháp như: sử dụng cát biển hoặc là sử dụng các phế thải từ nhà máy nhiệt điện… nhưng tất cả các giải pháp trước mắt vẫn khó khăn và chưa khả thi, cho nên cát để sử dụng đắp đường trong thời gian tới vẫn là vật liệu chính.

Dự báo về những tháng cuối năm 2023, ông Sâm nhận định, 3 tháng cuối năm chưa có cơ sở nào để tăng giá sắt, xi măng, gạch lát, kính xây dựng… bởi vì tiêu thụ đang rất khó khăn. Trong quý 4, Nhà nước cũng có các chủ trương chưa tăng giá một số mặt hàng, nên giá vật liệu xây dựng sẽ vẫn giữ ổn định.

Ở góc nhìn lạc quan hơn về thị trường, Bộ Xây dựng dự báo thị trường Bất động sản sẽ ấm dần lên trong các tháng cuối năm và có sự phát triển trở lại trong năm 2024, đồng thời sẽ kéo theo nhu cầu của thị trường vật liệu xây dựng, thị trường lao động.

Các công ty chứng khoán nhận định, triển vọng ngành bất động sản dân dụng ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu ngành thép Việt Nam khi chiếm khoảng 60-65% nhu cầu toàn ngành và ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng thép thành phẩm.

Hiện tại, một số tín hiệu tích cực hơn đối với ngành bất động sản đã dần xuất hiện. Hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ thị trường bất động sản được ban hành kể từ đầu năm 2023.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/10/2024