ISSN-2815-5823

Người trẻ làm cách nào để vẫn sống tốt sau khi vay hàng trăm triệu mua nhà?

(KDPT) - Với suy nghĩ căn nhà cũng là một tài sản để đầu tư, nhiều bạn trẻ đã lên kế hoạch trả nợ một cách chi tiết nhất.

“Mua nhà cũng là một khoản đầu tư” - đây chính là nhận định chung của nhiều người trẻ khi quyết định vay ngân hàng để mua căn nhà đầu tiên. Vậy làm sao để sống tốt với các khoản vay sau khi mua nhà cũng là điều mà nhiều người trẻ quan tâm.

Chấp nhận vay nợ ngân hàng để sở hữu căn nhà đầu tiên

Anh Hoài Nam (32 tuổi, Hà Nội, làm trong ngành xây dựng) chia sẻ, cách đây 6 năm anh đã đạt mức lương 20 triệu đồng/tháng và tham gia đầu tư tài chính với số vốn nhỏ từ khá lâu. Cũng nhờ thế mà anh Nam sớm làm quen với việc tích lũy tiền bạc để phòng cho những trường hợp khẩn cấp.

Cuối năm 2020, anh Nam đi xem một căn chung cư nằm ở ngoại thành Hà Nội với giá 1,4 tỷ đồng. Thời điểm đó, anh chàng chỉ có gần 200 triệu đồng tiền tiết kiệm, do còn thiếu khá nhiều tiền nên anh Nam chưa dám mua nhà.

Nhiều người trẻ quyết định chấp nhận vay thêm nợ từ ngân hàng trước khi xuống tiền mua căn nhà. (Ảnh minh họa)
Nhiều người trẻ quyết định chấp nhận vay thêm nợ từ ngân hàng trước khi xuống tiền mua căn nhà. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, đến đầu năm 2021, căn chung cư đó được chủ đầu tư rao bán với giá 1,8 tỷ đồng. Bấy giờ, anh Hoài Nam nhận thấy, chỉ chưa đến 1 năm mà căn hộ đã tăng hơn 400 triệu đồng, trong khi hiện trạng vẫn y nguyên. 

Lúc này, anh Nam bắt đầu sốt ruột và lên kế hoạch cho việc mua nhà. Anh Nam cho rằng, giá nhà, đất ở Việt Nam về cơ bản thường tăng theo sự kỳ vọng của người mua và bán. “Người ta thường nói mua chung cư sau này bán sẽ lỗ. Nhưng tới thời điểm hiện tại, mình chưa thấy ai bán chung cư mà lỗ, dù đã qua sử dụng”, anh Nam nói.

Vì cũng đã có sự tìm hiểu kỹ lưỡng nên anh Nam quyết định không chần chừ nữa mà sẽ vay tiền đặt cọc căn nhà cũng như làm hồ sơ vay vốn mua nhà. Anh chàng cũng cho rằng, mỗi người sẽ có mục tiêu khác nhau và riêng anh không muốn ở nhà thuê cả đời. Vì thế khi xem căn chung cư, chàng trai trẻ này rất ưng và muốn sống trong căn nhà như thế.

Nghĩ là làm, với số tiền tiết kiệm cộng thêm sự giúp đỡ của bạn bè và người thân mà không cần trả lãi, anh Nam đã trả trước được 700 triệu đồng. Còn lại, anh vay nợ ngân hàng gần 1 tỷ đồng, chọn trả góp 10 năm với lãi suất trung bình khoảng 10%/năm.

Hoài Nam (Ảnh: NVCC)
Hoài Nam (Ảnh: NVCC)

Một trường hợp khác là chị Thảo Phạm (Hà Nội) - một cô gái độc thân, làm trong lĩnh vực truyền thông. Được biết, chị Thảo đã mua một căn hộ rộng 60 m2 ở Thanh Xuân với giá 3 tỷ đồng. Trong đó, chị vay 1 tỷ đồng từ ngân hàng với hình thức trả gốc lẫn lãi hàng tháng. Đến tháng 6/2023, chị Thảo đã trả hết nợ.

Chị Thảo cho biết, bản thân có thu nhập khá tốt và đa dạng nên tránh được rủi ro liên quan đến tài chính hay mất việc. Với cô gái trẻ này, việc mua nhà không tạo quá nhiều áp lực tài chính, chị chỉ cần thay đổi một số thói quen chi tiêu để tiết kiệm nhiều tiền hơn hàng tháng để nhanh chóng trả nợ.

Bên cạnh đó, chị Thảo có quan điểm sở hữu bất động sản là điều cực kỳ nên làm trong trường hợp tài chính ủng hộ, có nguồn thu nhập hàng tháng ổn định cũng như đủ khả năng chi trả.

"Mình có ý định mua nhà từ 3 năm trước. Ngày ấy mình luôn hướng sẽ mua nhà đất và đã định sẵn khung bản thân sẽ đầu tư cho nhà cửa là bao nhiêu nhưng không tìm được căn nhà đất phù hợp với số tiền đó. Do đó, mình quyết định chuyển sang mua chung cư. Để đưa ra quyết định chính xác nhất, mình đã tìm hiểu và tham khảo rất nhiều anh chị, bạn bè trong ngành", chị Thảo chia sẻ.

Thảo Phạm (Ảnh: NVCC)
Thảo Phạm (Ảnh: NVCC)

Lên kế hoạch trả nợ vay mua nhà

Với suy nghĩ căn nhà cũng là một tài sản để đầu tư, Hoài Nam đã lên kế hoạch trả nợ một cách ổn định nhất. Theo đó, anh sẽ dành gần 15 triệu đồng để trả nợ hàng tháng. Để đủ tiền chi trả cho mọi khoản, chàng trai buộc phải tiết kiệm nhiều hơn và cắt bớt tiền dành cho khoản đầu tư để bù tiền nhà.

Anh Hoài Nam chia sẻ, nếu như trước khi chưa mua nhà, thời gian ăn ngoài và tiệc xã giao của anh rất nhiều. Nhưng sau khi mua nhà, những khoản này đã được gạt bỏ ra khỏi cuộc sống hàng ngày. Anh ăn cơm nhà thường xuyên, chỉ nhận những buổi xã giao có lợi cho công việc. Nếu muốn tụ tập bạn bè, anh sẽ mời họ về nhà mình thay vì những bữa ăn tiền triệu đắt đỏ. Về cuộc sống hàng ngày, anh sống tối giản hơn, chỉ tập trung vào những món đồ cơ bản nhất. Việc trang trí nhà cửa cũng làm dần dần để co giãn các khoản tiền phải chi ra.

“Quả thực, việc mua nhà ở thành phố lớn cũng là một thành tựu mà mình tự hào về bản thân, nhưng áp lực chuyện kiếm tiền trả nợ cũng theo đó mà đè nặng lên vai những người trẻ xa quê kiếm sống", anh Hoài Nam tâm sự.

Còn với Thảo Phạm, vì đã chi trả một số tiền khá lớn để mua nhà nên ảnh hưởng phần nào đến khoản tích lũy. Do đó, sau khi vay nợ mua nhà, thói quen chi tiêu của cô nàng cũng thay đổi khá nhiều.

Phạm Thảo cho biết, cô là người theo đuổi lối sống không tiền mặt, thanh toán mọi thứ qua tài khoản ngân hàng. Trước đó, cô chỉ sử dụng 1 tài khoản cho cả thu nhập và chi tiêu. Tuy nhiên, sau khi vay nợ mua nhà, cô nàng đã lập thêm một tài khoản ngân hàng mới, sau đó chia tiền ra để dễ dàng theo dõi hơn. Hàng tháng, đến ngày nhận lương của công việc chính, cô nàng sẽ chuyển luôn về tài khoản cá nhân đúng số tiền cần chi trong 1 tháng.

Được biết, ngoài làm giám đốc truyền thông cho một thương hiệu F&B khá có tiếng, hiện tại Thảo Phạm còn sở hữu công ty riêng và đầu tư nên nguồn thu nhập khá đa dạng. 

“Với những khoản thu nhập này, mình sẽ chuyển về tập trung tại một tài khoản khác để tránh tiêu pha lãng phí. Tâm lý chung là nhìn thấy nhiều tiền trong tài khoản sẽ mong muốn chi tiêu nên mình cần loại bỏ thói quen này", cô nàng cho hay./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024