ISSN-2815-5823

Nguồn vốn xanh cho doanh nghiệp công nghiệp

Cover image
(KDPT) - Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), chi phí để giảm phát thải carbon chỉ riêng cho ngành năng lượng trong những năm tới được ước tính là hơn 60 tỷ USD.
Đề xuất tiêu chí môi trường đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh MB nhận giải thưởng uy tín nhờ trợ lực doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh

Theo như Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt (giai đoạn 2031-2050), mỗi tấn xi măng được sản xuất cần giảm tới 140 kg khí phát thải CO2, so với mức hiện nay. Đây là thách thức không nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất xi măng tại Việt Nam đang tăng cường tiếp cận nguồn vốn xanh nhằm tìm cách cải tiến, hướng đến quy trình sản xuất xanh giúp hạn chế tối đa tác hại ra môi trường.

Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam, Tập đoàn Xi măng The Vissai đã thành công huy động được nguồn vốn xanh lên đến 281 tỷ đồng ở mức lãi suất thấp, từ chương trình Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam. Số vốn này giúp doanh nghiệp đầu tư hệ thống máy móc giảm phát thải trong quá trình sản xuất xi măng, tiết kiệm 91 triệu Kwh điện/năm và giảm phát thải khí nhà kính bình quân 73.000 tấn/năm.

Giai đoạn tiếp theo, mục tiêu của doanh nghiệp này hướng đến công tác chuyển đổi nguồn năng lượng nguyên liệu sử dụng từ than đá sang nguyên liệu năng lượng tái tạo. Giúp chuyển đổi từ việc giảm phát thải sang hướng đến phát thải ròng bằng 0.

Nhiều doanh nghiệp hướng đến chuyển đổi nguồn năng lượng nguyên liệu sử dụng từ than đá sang nguyên liệu năng lượng tái tạo. (Ảnh minh họa)

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), chi phí để giảm phát thải carbon chỉ riêng cho ngành năng lượng trong những năm tới được ước tính là hơn 60 tỷ USD. Với nguồn vốn lớn như vậy, cần sự chung tay từ các ngân hàng nỗ lực huy động thêm nguồn vốn xanh quốc tế và giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận được với nguồn vốn này.

Ông Herve Conan - Giám đốc quốc gia Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam cho biết: "AFD đã cam kết sẽ cung cấp ít nhất 500 triệu EUR nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Lĩnh vực ngân hàng là một trụ cột quyết định thành công của quá trình chuyển đổi năng lượng".

Cũng theo Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, dự kiến Việt Nam có thể giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng sự hỗ trợ đến từ nguồn lực trong nước. Tuy nhiên, con số này sẽ lên đến 27% nếu có thể sự đồng hành và hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế. Như vậy, không chỉ ngành xi măng giảm được lượng khí phát thải ra môi trường, mà chúng ta sẽ được sống, làm việc trong những ngôi nhà, những văn phòng thật sự xanh.

Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP/năm để thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế. Điều này đòi hỏi Việt Nam sẽ cần khoản đầu tư khổng lồ trong thời gian tới. Đây là một thông tin được trao đổi tại Hội thảo "Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 4/12.

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, khi nói về thị trường tài chính xanh, thường chúng ta mới chỉ nhắc tới bên cung cấp tín dụng và bên sử dụng vốn, nhưng với thị trường tài chính xanh thì rộng hơn, bao gồm: Chính phủ có vai trò quan trọng, ban hành luật lệ và cơ chế khuyến khích; các doanh nghiệp xanh thực hiện hoạt động sản xuất xanh và người tiêu dùng xanh... Đây là điểm mới của kinh tế xanh bởi kinh tế thông thường không quá quan tâm tới người tiêu dùng và hoạt động sản xuất như thế nào.

Do đó, việc đầu tiên cần làm là xây dựng các tiêu chuẩn với sản xuất xanh, tiếp đó là tài chính xanh. Hiện tại, hoạt động chuyển đổi sản xuất xanh đang dựa nhiều vào sự tự nguyện, ý thức chuyển đổi của doanh nghiệp, tuy nhiên xu hướng là Chính phủ ngày càng ban hành các quy định buộc doanh nghiệp phải áp dụng.

Thực tế ở Việt Nam, hiện nay vốn tín dụng ngân hàng vẫn là nguồn lực chính cho các dự án xanh. Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, (NHNN) cho biết: Đến 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank chia sẻ, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank cũng có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm. Cụ thể, giai đoạn 2018-2020, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng nhanh chóng từ 100-380%/năm (từ xấp xỉ 2.000 tỷ đồng năm 2018 lên hơn 13.000 tỷ đồng năm 2020).

Đến 31/10/2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt hơn 12.000 tỷ đồng, với gần 42.000 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ lĩnh vực lâm nghiệp bền vững khoảng 7.000 tỷ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ tín dụng xanh; tiếp đến là lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch với dư nợ đạt gần 3.000 tỷ đồng, chiếm 22% tổng dư nợ tín dụng xanh; thứ ba là lĩnh vực nông nghiệp xanh với dư nợ gần 2.000 tỷ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ tín dụng xanh.

Bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn, HSBC Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đón nhận dòng vốn xanh thì còn nhiều yếu tố cần cải thiện, nhất là việc đáp ứng các quy chuẩn của thị trường tín dụng quốc tế. Ngoài tiêu chuẩn tín dụng xanh nghiêm ngặt của ngân hàng, HSBC còn xem xét tham vọng và sự nghiêm túc của doanh nghiệp đối với dự án xanh nói riêng cũng như phát triển bền vững nói chung, việc cung cấp một khoản vay cho khách hàng phải trải qua quá trình thẩm định nghiêm ngặt và phải tương thích với các tiêu chuẩn của Hiệp hội Thị trường cho vay Châu Á - Thái Bình Dương, tiêu chuẩn này cũng cao hơn so với ngân hàng trong nước./.

BẢO TRUNG

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 04/05/2024