ISSN-2815-5823

Nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền toàn cầu đạt kỷ lục

(KDPT) - Một trong những nguyên nhân thúc đẩy tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền trên thế giới đạt mức cao nhất mọi thời đại được cho là lạm phát.

Theo thông tin từ Nikkei Asia, số liệu mới nhất từ Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới có trụ sở chính tại Osaka (Nhật Bản) cho biết, nhu cầu thế giới về mì ăn liền đạt 121,2 tỷ gói mì vào năm 2022 - đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Số liệu được tính toán dựa trên ước tính xuất khẩu mì gói ở 56 nền kinh tế. So với 2021 thì số lượng tiêu thụ mì gói đã tăng gần 2,6%. Đáng chú ý, tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền trên toàn cầu đã tăng liên tiếp trong 7 năm qua.

Một trong những nguyên nhân thúc đẩy tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền trên thế giới đạt mức cao nhất mọi thời đại được cho là lạm phát. (Ảnh: Nikkei)

Cụ thể, năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát thì nhu cầu mì ăn liền đã tăng cao 9,5%. Năm 2021 nhu cầu này giảm xuống 1,4% song năm 2022 lại tăng trở lại.

Nguyên nhân của việc tăng tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền được cho là do giá lương thực ở nhiều quốc gia tăng vọt bởi lạm phát. Điều này đã thúc đẩy người tiêu dùng thay đổi mức chi tiêu và chuyển sang dùng mì ăn liền nhiều hơn. Mì ăn liền được xem như là một lựa chọn ăn uống phù hợp với túi tiền của nhiều người.

Về bảng xếp hạng, Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông là thị trường dẫn đầu về tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền. Đứng thứ hai là Indonesia, thứ ba là Ấn Độ, Việt Nam và Nhật Bản.

Thị trường mì ăn liền mở rộng đáng kể nhất là tại Mexico, khi nhu cầu tăng từ 17,2% trong 2021 và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 11% vào năm 2022.

Trong khi đó, thị trường Bắc Mỹ giảm 1,4% vào 2021, rồi phục hồi trở lại và tăng 3,4% vào năm 2022 vì ảnh hưởng của lạm phát.

"Người tiêu dùng trung lưu trước đây không ăn mì ăn liền giờ cũng đang sử dụng thực phẩm này hàng ngày do lạm phát", nhà sản xuất mì ăn liền lớn Nissin Foods cho biết.

Vì vậy, lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền cũng tăng đáng kể.

Tuy nhiên, Nikkei Asia cho rằng, các công ty mì ăn liền cũng không tránh khỏi lạm phát. Tại Nhật Bản, để ứng phó với chi phí nguyên liệu, bao bì tăng, các công ty mì ăn liền lớn đã tăng giá khoảng 10% vào năm2022 và tăng một lần nữa vào năm 2023 nhưng doanh số bán hàng của họ lại không giảm.

Bên cạnh những sản phẩm có giá cả phải chăng, người tiêu dùng mong muốn những sản phẩm có thể giúp họ tiết kiệm thời gian nhưng cũng mang lại giá trị gia tăng cao. Các nhà sản xuất mì ăn liền đang nỗ lực cải tiến sản phẩm của mình bằng cách làm cho chúng có nhiều dinh dưỡng, đồng thời sử dụng nguyên liệu tốt hơn.

Tại thị trường Việt Nam, theo báo cáo của Euromonitor vào cuối năm 2022, Acecook và Masan là 2 doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường mì gói (chiếm tổng cộng 33% thị phần).

Các sản phẩm mì ăn liền cũng được phân loại rõ rệt với các phân khúc bình dân có giá dao động khoảng 1.500 - 3.000 đồng/gói; phân khúc trung cấp với giá 3.500 - 5.000 đồng/gói và phân khúc cao cấp có giá từ 7.000 đồng/gói trở lên. Tuy vậy, phần lớn thị phần vẫn tập trung ở phân khúc bình dân.

Cũng theo số liệu từ Euromonitor, trung bình mỗi ngày người Việt dùng hơn 1.127 tấn và chi hơn 84 tỷ đồng cho việc ăn mì gói vào năm 2021./.

MỘC TRÀ

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024