ISSN-2815-5823

Nhà đầu tư nước ngoài rục rịch động thái mới với bất động sản Việt Nam

(KDPT) - Kể từ thời điểm đầu năm đến nay giới đầu tư địa ốc trong và ngoài nước vẫn đang chờ đợi vào tình hình mới của thị trường bất động sản Việt Nam mới quyết định những bước đi tiếp theo.

Theo khảo sát của CBRE, tình hình đầu tư bất động sản thương mại tại Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) nói chung nhiều khả năng sẽ phục hồi vào cuối năm nay hoặc sang đầu năm sau. Đây là cơ hội đồng thời cũng là thách thức cho các nhà đầu tư cân nhắc các hành động mua bán.

Theo đơn vị này, thời điểm hiện tại nhu cầu mua dự án bất động sản trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn thấp, trong khi đó, nhu cầu bán lại đang cao. Đồng thời, chu kỳ tăng lãi suất tại các thị trường lớn trên toàn cầu cũng đã chững lại nên các nhà đầu tư nên chờ đợi những dấu hiệu mới trước khi quyết định xuống tiền.

Đa phần những nhà đầu tư ở các thị trường khác vẫn tiếp tục giữ động thái quan sát và chờ đợi trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, các thị trường đều mong đợi vào việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024, bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương tại Châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ điều chỉnh lãi suất theo để các hoạt động mua bán bất động sản thương mại phục hồi vào thời điểm cuối năm nay.

Thời điểm hiện tại nhu cầu mua dự án bất động sản trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn thấp, trong khi đó, nhu cầu bán lại đang cao. (Ảnh minh họa)
Thời điểm hiện tại nhu cầu mua dự án bất động sản trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn thấp, trong khi đó, nhu cầu bán lại đang cao. (Ảnh minh họa)

Theo bảng xếp hạng, Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí đứng đầu khi là thị trường phát triển được ưa thích nhất trong các hoạt động đầu tư xuyên biên giới. Xếp sau đó là Singapore và Úc lần lượt đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba. Qua kết quả này có thể thấy, nhà đầu tư vẫn bị thu hút bởi những thị trường có tính thanh khoản cao và chất lượng.

Ở một khía cạnh khác, đa phần những nhà đầu tư tại Châu Á - Thái Bình Dương ưa thích tìm kiếm những sản phẩm mang lại lợi nhuận cao, nên họ đã chuyển sang đầu tư tập trung vào những tài sản có thể tăng giá trị trong tương lai hoặc những tài sản đang trong quá trình chi trả nợ, buộc phải giảm giá mạnh để thu tiền về.

Chiến lược đầu tư vào các tài sản có thể tăng giá trị (value-added strategy) được xếp hàng đầu trong danh sách những chiến lược đầu tư được ưu tiên trong năm nay. Cụ thể, có đến hơn 60% những nhà đầu tư là quỹ tư nhân, quỹ bất động sản và REITs, đang xây dựng kế hoạch nâng cấp những tòa nhà có vị trí đắc địa lên một tầm cao mới, đáp ứng tiêu chuẩn ESG trong năm 2024. Đây là một trong những cách để gia tăng giá trị tài sản và giúp cho tài sản giữ giá.

Cũng theo khảo sát của CBRE, Việt Nam đang đứng thứ hai trong danh sách những thị trường mới nổi được nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp lựa chọn. Vị thế của Việt Nam đã được khẳng định qua từng năm và ngày càng tăng nhanh trong bảng xếp hạng.

Thị trường Việt Nam sở hữu những ưu điểm nổi bật khi có bối cảnh độc đáo, các danh mục đầu tư bao gồm tài sản tạo thu nhập khan hiếm cũng không được chào bán nhiều trên thị trường. Đa phần những nhà đầu tư rót tiền vào Việt Nam đều tập trung vào các sản phẩm là bất động sản công nghiệp và văn phòng.

Việt Nam sở hữu nền kinh tế vững mạnh và chú trọng vào xuất khẩu đã trở thành động lực để thúc đẩy các hoạt động thương mại phát triển, nhờ đó, chuỗi cung ứng cũng cần phải được quản lý hiệu quả. Các nhà đầu tư nhận ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ từ bất động sản công nghiệp nên rất chú trọng vào phân khúc này.

Bên cạnh bất động sản thương mại thì các nhà đầu tư nước ngoài còn chú trọng vào các sản phẩm đất dự án phát triển nhà ở. Rất nhiều nhà đầu tư trong thời gian qua đã tích cực tìm kiếm những sản phẩm giảm giá, đang gặp vướng mắc pháp lý và nguồn vốn để thu mua lại. Đây là một trong những yếu tố đã giúp cho phân khúc nhà ở tại Việt Nam có nhiều cơ hội phục hồi và phát triển.

Việt Nam sở hữu nền kinh tế vững mạnh và chú trọng vào xuất khẩu đã trở thành động lực để thúc đẩy các hoạt động thương mại phát triển. (Ảnh minh họa)
Việt Nam sở hữu nền kinh tế vững mạnh và chú trọng vào xuất khẩu đã trở thành động lực để thúc đẩy các hoạt động thương mại phát triển. (Ảnh minh họa)

Đại diện CBRE cho biết, tại APAC mức lãi suất nhiều khả năng đã đạt đỉnh nên giúp cho áp lực tài chính giảm hơn rất nhiều. Thời gian qua, các nhà đầu tư cũng tập trung nhiều hơn vào kết quả hoạt động của những tài sản cơ bản, những bất động sản sở hữu vị trí đắc địa vẫn luôn được “săn” ráo riết. Trong đó, khách sạn và chung cư vẫn là sản phẩm được nhiều người quan tâm với nhu cầu cao do cơ cấu và chu kỳ thuận lợi hiện nay.

Đối với nguồn vốn các nhà đầu tư tư nhân đã dần tích cực hơn khi các quỹ bất động sản và quỹ tín thác đầu tư bất động sản có những hoạt động cải tổ giữa việc mua và bán nhằm huy động lượng tiền mặt cho những người mua trong tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội vẫn có những thách thức được đặt ra trong nguồn vốn cho vay đối với hoạt động mua bán bất động sản trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ nhất là tỷ lệ khoản vay trên giá trị (Loan to value) chưa được tốt, thứ hai là sự chênh lệch về tín dụng, chi phí dành cho các khoản vay mới cũng tăng và thứ ba là biến động lãi suất vẫn khá bấp bênh chưa chắc chắn.

Ông Nguyễn Phạm Anh Duy - Giám đốc Bộ phận Tư vấn đầu tư của CBRE Việt Nam đánh giá, hiện tại nhà đầu tư đã cẩn thận hơn và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đầu tư vào Việt Nam. Thông thường nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đầu tư để hưởng lợi từ chu kỳ điều chỉnh giá đầu tiên. Đây là điều dễ dàng nhận thấy khi bên mua được hưởng lợi lớn do bên bán đang tìm cách thoái vốn khỏi thị trường sau thời gian dài nắm giữ tài sản nhưng không đủ năng lực kinh tế để duy trì./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 04/12/2024