Ảnh minh họa.

Thách thức lớn

Mục tiêu GDP năm 2023 tăng trưởng 6,5% đã được Quốc hội “chốt” tại chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4. Theo đó, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; quyết tâm thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số…

Về mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, các chuyên gia kinh tế đồng tình rằng đây là một thách thức không nhỏ do các yếu tố bất lợi ở trong và ngoài nước. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, đây là mức tăng trưởng khá tích cực, sẽ là tiền đề tạo bước đột phá cho tăng trưởng của nền kinh tế trong cả năm. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2022 vẫn là thách thức lớn. Theo bà Hương, một số nguyên nhân có thể kể tới như, tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, nguy cơ lạm phát cao trên toàn cầu; dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng bối xung đột ở Ukraine vẫn leo thang và kéo dài, tiếp tục tạo khó khăn đối với kinh tế toàn cầu, đặc biệt với chuỗi cung ứng và vấn đề năng lượng là các yếu tố ngoại quan bên cạnh một số yếu tố trong nước sẽ ảnh hưởng tới đà tăng GDP của Việt Nam.

Bốc, xếp và vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Bốc, xếp và vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Quyết tâm cao

Thách thức lớn cũng đặt ra quyết tâm lớn cho Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu cho rằng, việc ứng phó với COVID-19 chính là bài học để Việt Nam có thể ứng phó với các vấn đề khác trong tương lai.

"Các chính sách của Chính phủ đã phát huy tác dụng như chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp cho người dân hay những chính sách thúc đẩy đầu tư trong bối cảnh dịch COVID-19. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay khi chúng ta có những khó khăn kép như khủng hoảng năng lượng, tăng lạm phát thì Chính phủ Việt Nam đã có những chính điều hành linh hoạt, đảm bảo được các chỉ số kinh tế vĩ mô", PGS.TS. Nguyễn Anh Thu nhìn nhận.

Về chính sách cụ thể, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, dự kiến, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp tục tăng lãi suất đồng USD. Vì vậy, thời gian tới, trọng tâm vẫn là chính sách tiền tệ và tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức tại Hà Nội ngày 22/11 với chủ đề: “Tiếp tục phục hồi kinh tế - Các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng”, bà Ramla Khalidi, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết: Triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng, nhưng rủi ro đang gia tăng. Theo bà Ramla Khalidi, bằng chứng về sự phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam là tin đáng mừng sau 2 năm gián đoạn kinh tế do COVID-19 gây ra. Các gia đình Việt Nam sẽ bước vào năm Quý Mão 2023 với tình hình tài chính tốt hơn so với cùng thời gian năm ngoái. Tuy nhiên, những rủi ro đối với việc tiếp tục phục hồi kinh tế chủ yếu đến từ bên ngoài, đó là cuộc xung đột ở Ukraine - Nga; lãi suất quốc tế tăng và đồng USD mạnh lên, nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng… có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và làm tăng rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.

Các chuyên gia dự báo, Việt Nam vẫn sẽ cố gắng duy trì mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Về chính sách tài khóa, hợp phần đầu tư của Chương trình hỗ trợ (lên đến khoảng 1,6% GDP) dự kiến sẽ được triển khai chủ yếu từ năm 2023 trở đi. Để có thể giữ vững được đà tăng trưởng cao trong những năm tới, theo các chuyên gia quốc tế, ngoài tập trung vào các trụ cột chính như vốn FDI và thế mạnh xuất khẩu, Việt Nam nên đặt mục tiêu tiến lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.