Nhiều gian truân trong “giấc mơ” mua nhà ở xã hội
Người mua nhà ở xã hội than “khó”
Trong 5 năm qua, giá nhà ở tại Việt Nam liên tục tăng giá không ngừng, hiện đã cao gấp 20 lần so với thu nhập bình quân đầu người. Riêng tại Hà Nội, TP.HCM, giá nhà cao gấp 30 lần thu nhập bình quân của một gia đình, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người lao động thu nhập thấp.
Chính vì thế, nhà ở xã hội trở thành loại hình nhà ở phù hợp với nhiều người dân đang sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, rất ít người lao động thu nhập thấp mua được nhà ở xã hội do không đáp ứng được những điều kiện mua và quy định về vay vốn.
Anh Ngọc Nam (Quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, thu nhập của anh trước đây dưới 10 triệu đồng, thuộc diện đủ điều kiện mua nhà ở xã hội nhưng trừ hết chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà mỗi tháng, thì anh chỉ để dư được 1-2 triệu đồng nên dù có vay thêm ngân hàng cũng khó mua được nhà.
Đến khi thu nhập của anh Nam tăng lên được 15 triệu đồng/tháng và phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì đã không còn thuộc diện được mua nhà ở xã hội nữa.
“Nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp nhưng lại đòi hỏi quá nhiều điều kiện bất hợp lý. Hơn nữa, giá một số dự án nhà ở xã hội cũng đã tăng lên mức mới khoảng 20 triệu đồng/m2 cũng rất khó để tôi có thể mua được”, anh Nam nói.
Tương tự, chị Hồng Hạnh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, quá trình chuẩn bị hồ sơ và các giấy tờ liên quan để mua nhà ở xã hội thường phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, nên dù đã hai lần đăng ký nộp hồ sơ nhưng đến nay vẫn chưa một lần nào chị mua nhà thành công.
“Lần thứ nhất nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội, tôi đã đi xếp hàng từ sáng sớm nhưng do thiếu một số giấy tờ nên phải đi xin dấu bổ sung, đến khi quay lại thì số thứ tự đã quá lớn. Lần thứ hai, dù đã chuẩn bị hồ sơ hết sức cẩn thận nhưng lại bốc phải lá phiếu trắng, tiếp tục tuột mất cơ hội mua nhà”, chị Hạnh buồn bã kể lại.
Chị Hạnh chia sẻ thêm, khó khăn lớn nhất trong quá trình mua nhà ở xã hội là không có người tư vấn chuẩn bị hồ sơ và phải tự tìm hiểu tất cả. Mặc dù bên chủ đầu tư cũng có bộ phận tư vấn nhưng chỉ qua điện thoại, tư vấn còn qua loa và chưa có người gặp trực tiếp để hướng dẫn người mua một cách chi tiết hay cho biết hồ sơ còn thiếu những giấy tờ nào.
Liệu năm 2024 mua nhà ở xã hội có dễ dàng hơn?
Hiện nay vẫn còn nhiều nút thắt gây cản trở khả năng tiếp cận nhà ở xã hội của người dân. Cụ thể, khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực vào đầu năm 2025 vẫn giữ nguyên những điều kiện gây khó với đối tượng mua nhà ở xã hội. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ những nút thắt hiện hữu.
Trong đó, hai nút thắt lớn nhất là xác nhận về nhà ở và thu nhập của người lao động (không thuộc diện đóng thuế thu nhập cá nhân mới được mua nhà ở xã hội). Điều này sẽ tiếp tục gây khó khăn cho những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội trong năm 2024.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đã đến lúc cần điều chỉnh và phân cấp lại các đối tượng mua nhà ở xã hội. Đồng thời, điều kiện về thu nhập nên được nới lỏng hơn để những người có nhu cầu dễ dàng tiếp cận.
“Cần sớm nâng mức đóng thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh ít nhất 25%, tăng mức thu nhập tối thiểu không phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ 11 triệu đồng lên 13 triệu đồng, tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 4,4 triệu đồng lên 5,5 triệu đồng mỗi tháng”, ông Châu kiến nghị.
Các chuyên gia nhận định, để đáp ứng nguồn cung nhà ở cho người dân thì rất cần thiết phải tăng số lượng nhà ở xã hội, do đó nên có những giải pháp, tính toán hợp lý nhằm tăng quỹ đất để xây dựng loại hình này.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.INVEST cho biết, phải lên kế hoạch cụ thể cho chương trình phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, quy hoạch và quỹ đất là hai vấn đề rất quan trọng, để xây dựng được các khu nhà ở xã hội thì cần chọn vị trí quy hoạch hợp lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật, sau đó mới lựa chọn chủ đầu tư vào tham gia.
“Điều đầu tiên cần làm là xác định rõ quỹ đất cho nhà ở xã hội ở đâu, để khuyến khích loại hình này phát triển tốt hơn thì nên sử dụng quỹ thu tiền từ các nhà ở thương mại để đầu tư hạ tầng nhà ở xã hội một cách bài bản. Điều này sẽ làm tăng tính hấp dẫn cho các dự án nhà ở xã hội”, ông Hiệp nói.
Bên cạnh đó, ông Hiệp cho rằng, cần có quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội không chỉ dùng để hỗ trợ tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội mà cũng nên dành một phần cho các địa phương để họ tập trung hỗ trợ các hạ tầng kỹ thuật cho những dự án này.
Ngoài ra, những thể chế, quy định về tiêu chuẩn và chế độ dành cho người mua nhà ở xã hội, trình tự các bước làm dự án nhà ở xã hội, tiêu chuẩn nhà ở xã hội cần phải cập nhật lại, đơn giản hóa theo điều kiện biến đổi của thị trường. Khi đó, những người lao động có thu nhập thấp mới dễ dàng tiếp cận được phân khúc nhà ở xã hội./.
- Vốn ngoại rót vào bất động sản vọt tăng hơn 70%
- 3 luật liên quan đến bất động sản dự kiến có hiệu lực từ 1/8
- Số hóa bất động sản, tăng cường minh bạch thị trường