Nhiều người lao vào “đu đỉnh” giá vàng, chuyên gia nói gì?
Trong lịch sử, cơn sóng vàng từng diễn ra cách đây hơn 10 năm trước khi có Nghị định 24 về việc Ngân hàng Nhà nước độc quyền vàng miếng SJC và nhập khẩu vàng. Giá vàng liên tục tăng, người dân lao vào “đu đỉnh”, mua bất chấp các cảnh báo. Thực tế, đã có không ít người khóc ròng khi giá vàng lao dốc sau đó.
Đến nay, thị trường vàng đang lập lại tương tự khi từ đầu năm tới nay, cả giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều liên tục lập đỉnh, từ đó kéo theo các loại vàng khác nhau như trang sức hay vàng “cục” (một dạng vàng nguyên liệu) tăng theo.
Ngày 7/3 vừa qua, giá vàng ghi nhận mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Vào thời điểm 14h, giá vàng miếng SJC đứng ở mức 79,5-81,5 triệu đồng, tăng 200 nghìn đồng so với đầu phiên sáng. Chưa dừng lại, chỉ khoảng nửa giờ sau đó, giá vàng miếng SJC lại tiếp tục đi lên, giao dịch ở mức 79.8-81,8 triệu đồng/lượng, tức cao hơn nửa triệu đồng/lượng so với buổi sáng.
Không riêng vàng miếng, mỗi lượng vàng nhẫn trơn cũng tăng 200 nghìn đồng sau khi mở cửa và tiếp tục leo lên mức kỷ lục mới. Giá nhẫn trơn mua bán tại SJC lên 66,8-68 triệu đồng. Còn giá nhẫn trơn tại Bảo Tín Minh Châu lên 67,68-68,88 triệu đồng/lượng.
Ghi nhận tại các phố vàng tại Hà Nội như Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng), Cầu Giấy... nhiều cửa hàng vàng tấp nập người mua bán. Nhân viên tất bật xếp xe cho khách từ vòng ngoài và phân luồng cho khách mua, bán. Thậm chí có cửa hàng thông báo khách hàng mua vàng nhẫn với số lượng trên 4 lượng phải sau gần 1 tháng mới được lấy vàng.
Anh Quốc Dương (Thanh Xuân, Hà Nội) mua 7 lượng vàng nhẫn với giá gần nửa tỷ đồng. “Trước đây tôi mua vàng miếng SJC nhưng giờ giá cao quá nên đổi sang mua vàng nhẫn. Cửa hàng hẹn tôi đến ngày 2/4 mới lấy được vàng dù giá lúc đó tăng hay giảm”, anh cho biết thêm.
Đưa ra quan điểm về việc mua vàng nhẫn trong bối cảnh giá cao hiện nay, anh Dương cho biết, bản thân mua vàng để tích trữ nên dù giá cao vẫn mua vì cảm giác giữ vàng yên tâm hơn.
Cũng mua 5 lượng vàng SJC, chị Thu Nga (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cũng nghe ngóng thông tin và thấy vàng thế giới tăng liên tiếp nên trong nước chắc chắn sẽ tăng theo. Hiện lãi suất tiết kiệm quá thấp nên tôi đáo hạn 1 sổ ngân hàng, ra mua vàng ngay. Tôi không có ý định giữ vàng SJC lâu và chỉ chờ sóng lên tiếp rồi bán ra”.
Trong bối cảnh giá vàng tăng cao như hiện nay, nhiều khách hàng đến cửa hàng ngồi chờ xếp hàng trong tâm trạng không biết nên mua hay bán. Anh Quyết Thắng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong lúc chờ nhân viên kiểm đến hơn 2 tỷ đồng bán 35 lượng vàng, anh cho biết, 35 lượng vàng nhẫn này được anh mua từ đầu năm 2023, đến nay đã lãi hơn nửa tỷ đồng.
Cơn sốt giá vàng khi nào chấm dứt?
Tính từ đầu năm tới nay, giá vàng miếng SJC đã tăng 7 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và tăng 8 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào. Trong khi đó, giá vàng nhẫn tăng 6 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều. Còn so với cùng kỳ năm 2023, mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng 14 triệu đồng ở chiều bán ra và tăng 12,6 triệu đồng chiều mua vào. Với vàng nhẫn tăng 11 triệu đồng/lượng chiều mua vào, tăng 12 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam nhận định, giá vàng thế giới tăng do chính sách tiền tệ, diễn biến của nền kinh tế Mỹ. Giá vàng đang trong xu hướng tăng trên toàn cầu, trong đó bao gồm Việt Nam. Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý, việc giá vàng trong nước tăng ngoài nguyên nhân giá thế giới đi lên còn do yếu tố khan hiếm. Khi chưa có biện pháp can thiệp vào từ Ngân hàng Nhà nước, giá vàng SJC sẽ ngày càng có mức chênh lệch cao so với giá thế giới.
Theo ông Khánh, nếu Ngân hàng Nhà nước sửa nghị định 24 theo hướng tăng nguồn cung, đáp ứng được nhu cầu thị trường, thì giá vàng SJC có thể sẽ giảm tới cả chục triệu đồng, xuống mức 70 triệu đồng/lượng. Còn trường hợp không tăng nguồn cung, giá vàng SJC có thể sẽ tăng lên mức 85 triệu đồng/lượng. Sắp tới, câu chuyện giá vàng sẽ phụ thuộc lớn vào giải pháp căn cơ tăng nguồn cung.
Trong bối cảnh giá vàng tăng cao khi chưa có sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia độc lập về vàng Trần Duy Phương lưu ý nhà đầu tư không nên mua vào ở thời điểm này. Còn với những người mua trước đây có thể xem xét bán chốt lời.
“Vàng cũng giống như các thị trường tài chính khác, sẽ có lên và có xuống. Thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới đang rất cao, đẩy giá vàng trong nước tăng cao theo. Vì vậy, nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội này để chốt lời”, ông Phương cho hay.
Theo vị chuyên gia, giá vàng hiện đang ở đỉnh, nếu mua vào thời điểm này rất dễ gặp rủi ro, tỷ lệ sinh lời không cao như thời điểm trước đó. Tuy nhiên, trong năm 2024, xu hướng của vàng thế giới sẽ còn tiếp tục tăng thêm 100-200 USD/ounce nên nếu muốn mua thì phải chờ đến tháng 4-5, khi giá vàng được điều chỉnh lại sẽ có giá tốt hơn. Ông Phương cho biết thêm, vàng nhẫn thường bám sát thị trường, chênh lệch với vàng thế giới chỉ 3-4 triệu đồng/lượng nên rủi ro cho nhà đầu tư không nhiều.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mặc dù vàng thời điểm này đang “lấp lánh”, nhưng tránh việc đổ xô đầu tư vào vàng bởi giá biến động rất khó lường. Theo đó, người mua cần theo dõi biến động từng giờ của thị trường vàng trên thế giới cũng như Việt Nam. Ngoài ra, không nên “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, mà nên phân bổ số tiền mình có, hợp lý nhất là đầu tư 1/3 số tiền cho vàng và đặc biệt không nên vay tiền mua vàng./.
- Chuyên gia nhận định: Giá vàng nhẫn sẽ chạm mốc 70 triệu đồng/lượng, vàng SJC 85 triệu đồng/lượng
- Chuyên gia nhận định: Giá vàng nhẫn sẽ chạm mốc 70 triệu đồng/lượng, vàng SJC 85 triệu đồng/lượng
- Chuyên gia nhận định: Giá vàng nhẫn sẽ chạm mốc 70 triệu đồng/lượng, vàng SJC 85 triệu đồng/lượng