Những nhóm ngành nào hưởng lợi trong năm bản lề của đầu tư công?
Năm bản lề của đầu tư công
Thống kê của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho thấy, các tổ chức trong và ngoài nước kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 sẽ được cải thiện đáng kể so với năm 2023. Các tổ chức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay doo động từ 5,5-6,7%.
Cụ thể, Standard Chartered Bank đưa ra mức dự báo cao nhất với mức 6,7% và thấp nhất là dự báo của Ngân hàng Thế giới với mức 5,5%. Theo đó, động lực tăng trưởng mà các tổ chức đưa ra là kỳ vọng vào sự cải thiện về đầu tư công, tiêu dùng nội địa, hoạt động xuất khẩu phục hồi và chính sách tiền tệ thiên về mục tiêu tăng trưởng.
Kế hoạch vốn đầu tư phát triển trong năm 2024 là hơn 677 nghìn tỷ đồng, giảm 8,4% so với ước thực hiện năm 2023. Song kế hoạch này chưa gồm khoảng 50 nghìn tỷ đồng vốn của Chương trình phục hồi kinh tế kéo dài thực hiện sang 2024 và phần vốn chưa giải ngân hết từ năm ngoái chuyển sang. Việc giải ngân vốn đầu tư công năm nay dự kiến tương đương với mức thực hiện năm 2023.
Kế hoạch vốn đầu tư phát triển trong năm 2024 là hơn 677 nghìn tỷ đồng. (Ảnh minh họa) |
Vì vậy, đây chính là năm bản lề để hoàn thành kế hoạch đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025. Đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trên mức nền cao từ năm ngoái với những dự án giao thông quan trọng được giải ngân vốn mạnh bao gồm: Hoàn thiện Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (10,8 nghìn tỷ đồng); Cao tốc Bắc Nam phía Đông (32,5 nghìn tỷ đồng); Chi bồi thường giải phóng mặt bằng Vành đai 4 - Hà Nội và Vành đai 3 - TP.HCM (19,8 nghìn tỷ đồng)...
Mức lan tỏa của hoạt động này dự báo sẽ tốt lên. Xét về quy mô và tăng trưởng, năm 2023 đã cho thấy một kết quả giải ngân tích cực. Điểm sáng trong giải ngân vốn năm ngoái là lĩnh vực giao thông, quốc phòng; Trong khi các địa phương ghi nhận tỷ lệ giải ngân vốn tích cực thì không nằm ở các đầu tàu kinh tế quan trọng.
Trong đó, tỷ lệ giải phóng mặt bằng chiếm trung bình là 24% tổng quy mô vốn những dự án trọng điểm, khoảng 60% tỷ phần xây dựng. Năm qua có duy nhất Dự án cao tốc Bắc Nam đã thực hiện giai đoạn 2, còn lại đa phần các dự án trọng điểm sẽ bắt đầu khởi công ở nửa cuối năm 2024.
Quy mô đầu tư công tại 2 khu vực kinh tế trọng điểm là Hà Nội và TP.HCM ước tăng trưởng khoảng 19% trong năm 2024. Do đó càng đặt nhiều kỳ vọng vào hoạt động xây dựng, thi công các công trình được thể hiện rõ nét hơn và mang đến những kết quả rõ rệt.
Điểm danh các nhóm ngành hưởng lợi
Trong bối cảnh các đầu kéo tiêu dùng, xuất khẩu bị ảnh hưởng mạnh bởi lạm phát, tỷ giá tăng, kinh tế biến động trên toàn cầu, phải xác định đầu tư công là động lực tăng trưởng kinh tế.
Việc tập trung đẩy mạnh vào hoạt động này cũng được kỳ vọng tạo ra những tác động lan tỏa tới nhiều nhóm ngành khác. Theo đó, sẽ có một số ngành và cổ phiếu được hưởng lợi như: Ngành xây dựng - hạ tầng; Vật liệu xây dựng; Logistics; Bất động sản Khu công nghiệp…
Nhóm vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi trực tiếp ngay sau giai đoạn giải phóng mặt bằng. (Ảnh minh họa) |
Đối với nhóm vật liệu xây dựng (đá xây dựng, nhựa đường, xi măng, thép) sẽ hưởng lợi trực tiếp ngay sau giai đoạn giải phóng mặt bằng, sang giai đoạn triển khai và cho tới khi hoàn thành hoạt động xây dựng dự án. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ có mức độ hưởng lợi khác nhau, phụ thuộc vào đặc thù của từng ngành.
Đối với ngành thép, các doanh nghiệp trong ngành cũng được hưởng nhiều lợi ích. Những đối tượng hưởng lợi tốt hơn phần còn lại của ngành sẽ là các ngành mà chi phí vận chuyển tác động lớn tới khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp như đá xây dựng, xi măng, doanh nghiệp có thị phần lớn, có vị trí gần các dự án đang triển khai.
Riêng với ngành Đá xây dựng, nhiều dự án đầu tư công (Dự án Cao tốc Bắc - Nam hay Sân bay quốc tế Long Thành) hiện đang có tình trạng thiếu nguồn đất phục vụ san lấp. Vì vậy, các doanh nghiệp đầu ngành đá, sở hữu những mỏ đã có trữ lượng lớn, vị trí gần với dự án trọng điểm sẽ hưởng lợi lớn.
Có thể kể tới một số mã cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành như: HHV, LCG, VCG, C4G, CII, DPG... Để có sự lựa chọn này, cần dựa trên doanh thu và lợi nhuận các doanh nghiệp dự kiến khả quan hơn trong thời gian tới. Theo định giá hiện tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), những doanh nghiệp xây dựng hạ tầng có định giá hấp dẫn khi P/B thấp hơn như HHV, LCG.
Đối với nhóm ngành thép, P/B trung bình cổ phiếu ngành này khá thấp ở mức 1x, nhưng có sự chênh lệch lớn giữa các công ty vì kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp không có sự tương đồng. Một số công ty lớn ngành thép có dấu hiệu đi qua đáy lợi nhuận. Một số mã cổ phiếu có thể hưởng lợi như: HPG, NKG, HSG.
Nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp và kho vận sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ đầu tư công. Khi các cơ sở hạ tầng giao thông, cao tốc hoàn thiện sẽ làm tăng tính liên thông giữa các vùng, các khu công nghiệp, từ đó giúp thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp.
Ngành bất động sản khu công nghiệp và kho vận, logistics sẽ hưởng lợi gián tiếp. (Ảnh minh họa) |
Cuối cùng, ngành logistics được kỳ vọng sẽ hưởng lợi gián tiếp từ đầu tư công và khi cơ sở hạ tầng hoàn thiện. Các tuyến cao tốc khi đi vào hoạt động sẽ giúp ngành logistics thuận lợi hơn. Đây cũng là chất xúc tác để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, thu hút đầu tư nước ngoài. Đơn cử như dự án Sân bay Long Thành được kỳ vọng giúp nhóm vận tải hàng hóa, hành khách hưởng lợi ích từ việc gia tăng công suất khai thác./.