ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ bảy, 07h00 09/11/2024

Nỗ lực đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam

(KDPT) - Ngành công nghiệp bán dẫn đang dần lớn mạnh và trở thành mắt xích quan trọng tới tiến trình phát triển công nghệ tại Việt Nam.

Việt Nam đang là điểm sáng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ là nền tảng của công nghệ hiện đại, mà hơn thế nữa, còn là yếu tố cốt lõi quyết định đến sức mạnh của nền kinh tế số, quyết định đến sự phát triển của các ngành công nghệ đột phá, từ trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) đến tự động hóa. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp về địa chính trị thế giới đã thúc đẩy các quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm nguồn cung ứng linh kiện một cách ổn định và bền vững hơn.

Việt Nam với lợi thế lớn là quốc gia có nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng tốt liên tục trong nhiều năm, có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có đam mê sáng tạo đang là điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn. Nhận thức rõ về cơ hội này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu vào năm 2030 và trung tâm về công nghiệp bán dẫn và điện tử toàn cầu đến năm 2040.

Tại hội thảo “Tổng Quan Sản Xuất Bán Dẫn” diễn ra ngày 7/11 tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, sự kiện là minh chứng cho cam kết của Chính phủ trong việc đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Theo đó, ngày 5/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 791/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, với nhiệm vụ đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế. Trong đó, NIC giữ vai trò then chốt trong việc triển khai các chương trình trọng yếu, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực bán dẫn. NIC cũng là cầu nối giúp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Ngành công nghiệp bán dẫn cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực

Trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, PGS.TS. Nguyễn Phạm Duy Linh, Phó trưởng Ban Khoa học - Công nghệ, Đại học Bách Khoa Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển lực lượng lao động có kỹ năng cao trong ngành bán dẫn. Ông phát biểu: “Đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật cao là nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của sản xuất bán dẫn. Đại học Bách Khoa Hà Nội cam kết cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng cao, cơ hội thực tập tại doanh nghiệp, giúp sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, từ đó tạo ra một nguồn nhân lực vững mạnh, đáp ứng nhu cầu của thị trường công nghiệp bán dẫn Việt Nam và Quốc tế".

Tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc INTECH Group đã chia sẻ về việc thiết lập nhà máy và các hệ thống phụ trợ trong sản xuất bán dẫn, ông nhấn mạnh: “Trong ngành sản xuất công nghệ bán dẫn, việc xây dựng nhà máy, thiết lập môi trường làm việc và hệ thống phụ trợ là những nền tảng thiết yếu, quan trọng không kém gì dây chuyền sản xuất và công nghệ vận hành. Với năng lực đã được chứng minh qua việc thiết kế, xây dựng thành công hệ thống phòng sạch đạt chuẩn Class 1 - cấp độ cao nhất thế giới và được NEBB (Hoa Kỳ) chứng nhận, cùng kinh nghiệm triển khai hơn 300 dự án hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử, cũng như các dự án thiết kế, thi công nhà máy sản xuất vi mạch hợp tác cùng các đối tác quốc tế, chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng tự chủ trong xây dựng cơ sở vật chất và nhà xưởng cho ngành công nghệ cao.”

Ông Nguyễn Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc INTECH Group phát biểu tại hội thảo
Ông Nguyễn Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc INTECH Group phát biểu tại hội thảo

Từ góc độ lộ trình thiết lập dây chuyền sản xuất, ông Howard Lin, chuyên gia tư vấn sản xuất bán dẫn từ công ty công nghệ DNN (Đài Loan), đã chia sẻ về công nghệ đóng gói chip tiên tiến (Advanced Packaging) và các bước để thiết lập một dây truyền cho nhà máy đóng gói chip. Ông chia sẻ: “Xây dựng dây chuyền đóng gói chip là một bước đệm chiến lược để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa và thúc đẩy khả năng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam. Tại DNN, chúng tôi cam kết đồng hành cùng các đối tác tại Việt Nam để triển khai công nghệ đóng gói chip tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả sản xuất và đảm bảo chất lượng thành phẩm cao nhất”.

Bên cạnh các bài trình bày chuyên sâu, hội thảo cũng tổ chức hoạt động giao lưu để các khách mời mở rộng mạng lưới quan hệ, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm các cơ hội hợp tác chiến lược. Các hoạt động kết nối này đã giúp củng cố nền tảng hợp tác mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất bán dẫn quan trọng tại khu vực châu Á.

Sẵn sàng đón nhận hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư lĩnh vực bán dẫn

Việt Nam đã hội đủ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Đó là có nền chính trị ổn định và quyết tâm mạnh mẽ từ Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ tiên tiến; có dân số hơn 100 triệu người và đang ở thời kỳ dân số vàng có khả năng tiếp cận nhanh với các ngành khoa học, công nghệ và STEM. Đây chính là nguồn nhân lực và thị trường đầy tiềm năng cho các ngành công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn với sự tham gia của nhiều đối tác và doanh nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, Việt Nam cũng đã xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao.

Dự kiến, trong năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao… góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Nỗ lực đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam - ảnh 3

Hội thảo “Tổng Quan Sản Xuất Bán Dẫn” được tổ chức với sự giao thoa, đồng hành của ba Nhà: Nhà trường - Nhà doanh nghiệp - Nhà nước là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy Việt Nam phát triển năng lực sản xuất nội địa trong ngành bán dẫn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng là cơ hội quý giá để các chuyên gia và doanh nghiệp trong và ngoài nước chia sẻ kiến thức, xây dựng mối quan hệ hợp tác dài lâu và cùng nhau xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/12/2024