ISSN-2815-5823

Nỗ lực gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản khai thác

(KDPT) – Từ khi Uỷ ban Châu Âu (EC) công bố thẻ vàng (tháng 10/2017) đối với thuỷ sản khai thác của nước ta, trong đó có Cà Mau, tỉnh đã có nhiều nỗ lực và giải pháp trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (khai thác IUU). Hơn 3 năm qua, công tác này đã đem lại hiệu quả rõ rệt khi số lượng tàu khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài giảm nhiều.

Thời gian qua các ngành chức năng tỉnh Cà Mau kết hợp lồng ghép tuyên truyền trực tiếp trong quá trình tuần tra, kiểm soát.

Ngay sau khi nhận “thẻ vàng” đối với thuỷ sản khai thác, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Thuỷ sản 2017, tiếp đó, Chính phủ có Nghị định 26 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuỷ sản. Riêng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, kể từ đầu năm 2018 đến nay, UBND đã ban hành hơn 45 loại văn bản có liên quan đến công tác quản lý chống khai thác IUU từ quyết định, công văn cho đến chỉ thị và kế hoạch… Trong đó, Cà Mau là tỉnh đầu tiên ban hành quy định bắt buộc tàu cá trên 15 m phải lắp thiết bị giám sát hành trình.

3 năm qua là khoảng thời gian vừa đủ để ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp chính quyền. Hàng loạt những phần việc đã được triển khai nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của Uỷ ban Châu Âu. Đến nay những nỗ lực đó đã bước đầu đem lại kết quả rất tích cực.

Hiện, toàn tỉnh đã có 1.320 tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trong tổng số 1.584 phương tiện thuộc diện bắt buộc; số tàu còn lại chủ yếu là chủ tàu đã không còn ở địa phương, số đã sang bán. Số tàu vi phạm vùng biển nước ngoài giảm mạnh qua từng năm. Nếu như năm 2018 toàn tỉnh có 17 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ thì sang năm 2019 chỉ còn 10 tàu và từ đầu năm 2020 đến nay chỉ có 5 tàu.

Tỉnh đã có nhiều giải pháp đã được áp dụng quyết liệt và đồng bộ trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định. Cùng với quy định bắt buộc tàu cá trên 15 m phải lắp thiết bị giám sát hành trình, tỉnh còn chủ động xây dựng tiêu chí, mời gọi các nhà cung cấp thiết bị để tiến hành thí điểm, đánh giá từ đó tuyển trọn những đơn vị đủ điều kiện cung cấp thiết bị cho ngư dân. Song song với tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tỉnh cũng đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay. Tiêu biểu như kiên quyết không cho các tàu ra khơi khi không đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định, nhất là thiết bị giám sát hành trình, xử lý nặng tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Tổng số tiền các đơn vị chức năng tỉnh đã xử phạt hành chính trên lĩnh vực này là hơn 13,1 tỷ đồng. Trong đó, cá biệt có chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị xử phạt đến hơn 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ít ngư dân chưa tuân thủ triệt để. Điều này thể hiện ở việc một số tàu thuộc diện bắt buộc chưa tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, số tàu bị mất kết nối còn cao, từ 10-15%. Từ thực tế đó, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau Nguyễn Việt Triều cho rằng, công tác tuyên truyền cần tiếp tục thực hiện sâu rộng hơn song song với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát. Và quá trình này cần phải có sự phối hợp của lực lượng liên ngành. Theo Thượng tá Võ Văn Sử, Phó chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau, đánh giá, tuy số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm nhiều nhưng vẫn còn xảy ra và có chiều hướng phức tạp, nhất là tình trạng một số ngư dân vì lợi ích kinh tế mà cố tình tìm cách trốn tránh sự quản lý của cơ quan Nhà nước để vi phạm.

Khai thác thuỷ sản được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Do đó, khi bị thẻ vàng từ Uỷ ban Châu Âu không chỉ tác động mạnh mẽ đến thương hiệu, uy tín của ngành mà còn tác động không nhỏ tới đời sống của nhiều ngư dân, doanh nghiệp. Do đó, để ngăn chặn tình trạng khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài cần có nhiều biện pháp đồng bộ hơn nữa, phải làm thay đổi nhận thức của người dân bằng những giải pháp quyết liệt hơn và xét xử lý hình sự nhằm đảm bảo răn đe.

LÂM KHANH



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/11/2024