Nợ xấu bất động sản đang "phình to", ngân hàng ráo riết phát mại tài sản
Nợ xấu bất động sản phình to tại các NHTM
Hồi đầu năm 2023, tại Hội nghị Tín dụng bất động sản giữa tuần này, nhiều doanh nghiệp cảnh báo về nguy cơ nhảy nhóm nợ, nợ xấu gia tăng, nếu không được ngành ngân hàng cơ cấu nợ, giãn nợ. Thực tế, từ đầu năm tới nay, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã thông báo mất khả năng thanh toán, không trả nợ gốc, lãi trái phiếu đúng hạn. Mất thanh khoản trái phiếu khiến nợ xấu của các doanh nghiệp có nguy cơ tăng theo. Các chuyên gia của FiinRatings cho rằng, thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm qua.
Và khi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục đưa ra các chính sách để hỗ trợ thị trường đồng thời, giảm lãi suất điều hành nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể nợ cho ngân hàng trong thời gian qua.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng 17,41%, vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%). Ngược lại, tín dụng tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản giảm 1,12%.
Đây cũng là năm đầu tiên dư nợ tín dụng tiêu dùng bất động sản có xu hướng giảm trong 3 năm gần đây. Nhìn lại thời điểm cuối năm 2022, tín dụng lĩnh vực này tăng 31,01%.
Như vậy, nếu so với con số hơn 803.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022 thì các chủ đầu tư địa ốc đã vay thêm hơn 140.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Phía ngân hàng cho biết, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 6/2022 là 1,53%, tháng 6/2023 là 2,47%).
Tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng (Nguồn: WiGroup) |
Theo dữ liệu mới đây của WiGroup, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (NPL) của toàn ngành đã tăng mạnh trong quý II/2023, đạt mức 2,04%, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi sự gia tăng của nợ nhóm 2 trong quý I (tăng 27% so với cùng kỳ) đã phản ánh lên tỷ lệ nợ xấu trong quý này.
Tỷ lệ nợ xấu tăng chủ yếu đến từ khối NHTM lớn và NHTM khác, trong khi khối NHTM Nhà nước tăng trưởng nợ xấu không cao.
Nhóm phân tích dự báo, áp lực nợ xấu của ngân hàng trong hai quý cuối năm vẫn sẽ tăng cao do bộ đệm dự phòng của ngân hàng đã mỏng đi trong quý này, đạt mức 102,8% và thị trường bất động sản gặp khó về thanh khoản.
Giảm nợ xấu, các ngân hàng ráo riết phát mại bất động sản
Tỷ lệ nợ xấu “phình to” khiến các ngân hàng cũng đau đầu xử lý nợ bằng cách phát mại tài sản đã quá hạn mà phía người vay chưa trả được. Tình hình phát mại tài sản là bất động sản không hiếm trong nhiều năm trở lại đây nhưng chưa có năm nào thông tin phát mại tài sản lại nhiều như năm nay. Chưa kể, nhiều nhà băng đã tiến hành phát mại 1 tài sản lên đến cả chục lần, giảm giá và chịu lỗ nhưng vẫn chưa có người hỏi mua. Điều này khiến các nhà băng đau đầu vì xử lý tài sản.
Phát mại tài sản bất động sản gặp nhiều khó khăn. (Hình minh họa) |
Theo FiinGroup, khoảng 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng hiện nay là bất động sản. Do đó, nhà đất thường là tài sản được các ngân hàng đem ra phát mại nhiều nhất khi khách hàng không đảm bảo khả năng hoàn trả nợ vay. Tuy nhiên, việc thanh lý không phải lúc nào cũng diễn ra dễ dàng.
"Hệ thống ngân hàng đang đối mặt với rủi ro nợ xấu tiềm ẩn từ danh mục tín dụng bất động sản, bao gồm cho vay chủ đầu tư bất động sản, cho vay người mua nhà và nợ xấu chéo từ trái phiếu bất động sản. Trong đó, việc phát mại tài sản đảm bảo, bán nợ theo cơ chế thị trường để xử lý nợ xấu gặp trở ngại đáng kể khi thị trường bất động sản gặp khó khăn" - đội ngũ phân tích nhấn mạnh.
Không chỉ các Ngân hàng Thương mại mà các Ngân hàng Nhà nước cũng buộc phải thông báo phát mại tài sản, kể cả các ngân hàng nằm trong nhóm Big 4. Đơn cử như Ngân hàng Agribank đã thông báo về việc rao bán các khoản nợ của 7 doanh nghiệp, tổng số dư nợ đạt gần 500 tỷ đồng. Những khoản nợ này đã được thế chấp bằng các lô đất tại các dự án Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc và Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải (Phú Quốc). Ngân hàng BIDV cũng thường xuyên thông báo về việc bán nợ và đấu giá tài sản. Một số khoản nợ của các công ty đạt mức hàng trăm tỉ đồng như khoản nợ từ Công ty CP Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty CP Thanh Tâm, với mức giá khởi điểm hơn 346 tỷ đồng. Tổng dư nợ gốc và lãi tính đến tháng 3/2023 lên đến 582 tỷ đồng.
Hay gần 400 bất động sản là tài sản đảm bảo cho các khoản nợ vay được ngân hàng VietinBank rao bán để thu hồi nợ là thông tin gây chú ý thời gian gần đây.
Tuy nhiên, dù nhiều bất động sản được giảm giá nhưng vẫn im lìm vì không có người mua.