ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ tư, 06h00 20/03/2024

Phát triển trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây bền vững tại Việt Nam

(KDPT) - Phát triển trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, AI (trí tuệ nhân tạo) là những tham vọng trong chiến lược khai phá không gian mới, đón đầu xu hướng phát triển công nghệ của nhiều doanh nghiệp lớn.

Thị trường trung tâm dữ liệu dự đoán khó lường

Tại Hội nghị về Trung tâm dữ liệu và Điện toán đám mây với chủ đề "Phát triển Tương lai Số bền vững" tổ chức ngày 18/3, các chuyên gia cho biết, dịch vụ Trung tâm dữ liệu (DC) đang có sự dịch chuyển từ thị trường sơ cấp (các nước phát triển) về các thị trường thứ cấp (các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam). Dự báo, thị trường dịch vụ này sẽ có sự tăng trưởng bùng nổ.

Dịch vụ Trung tâm dữ liệu dự đoán sẽ có những biến chuyển mạnh trong năm 2024. (Ảnh: Viettel)
Dịch vụ Trung tâm dữ liệu dự đoán sẽ có những biến chuyển mạnh trong năm 2024. (Ảnh: Viettel)

Giám đốc Viettel IDC Hoàng Văn Ngọc cho biết, dịch vụ Trung tâm dữ liệu (DC) đang có sự dịch chuyển từ thị trường sơ cấp (các nước phát triển) về các thị trường thứ cấp (các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam) và dự báo sẽ có sự tăng trưởng bùng nổ.

Phía Viettel cho hay, hiện nay quy mô thị trường Trung tâm dữ liệu toàn cầu xấp xỉ 70 tỷ USD trong năm 2023 và duy trì tốc độ tăng trưởng kép ổn định 10 năm qua xấp xỉ 14,7%. Dự báo, mức độ tăng trưởng này sẽ kéo dài tới 2030.

Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) hiện là khu vực có tốc độ phát triển Trung tâm dữ liệu cao hơn hẳn các khu vực khác. Quy mô của APAC đạt giá trị khoảng 30 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép đạt 18,9% tới năm 2028. Trong đó, dự báo quy mô Trung tâm dữ liệu thị trường Việt Nam đến 2030 đạt 1.266 triệu USD, tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8%.

Theo ông Ngọc, Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng về dịch vụ Trung tâm dữ liệu nhưng lại luôn đi sau các nước. Cụ thể xét ở quy mô thị trường, Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/5 Indonesia và Malaysia. Trong các năm 2020-2023, dịch vụ Trung tâm dữ liệu tại các nước Indonesia, Malaysia tăng trưởng 6 lần còn Việt Nam chỉ tăng trưởng 1,5 lần.

Về nguyên nhân, theo ông Ngọc, Việt Nam có các động lực để phát triển thị trường này (giá nhân lực rẻ, chi phí xây dựng rẻ hơn quy mô dân số đông…), nhưng chúng ta lại tăng trưởng chậm hơn các nước trong khu vực, bắt nguồn từ một số rào cản nhất định. Một trong số đó là kết nối cáp quang biển vừa thiếu, vừa không ổn định khiến dịch vụ Trung tâm dữ liệu của Việt Nam chưa bùng nổ như kỳ vọng.

"Hiện, Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã quy hoạch Hạ tầng viễn thông thụ động trong đó tập trung phát triển hạ tầng cáp quang biển và 5G. Vì vậy, trong thời gian qua, các doanh nghiệp lớn Viettel, VNPT, FPT tham gia đầu tư các dự án cáp quang biển với mục tiêu tăng cường khả năng kết nối cáp quang biển đi quốc tế, bảo đảm cung cấp dịch vụ ổn định" ông Ngọc chia sẻ tại hội thảo.

Điện toán đám mây có tỷ lệ tăng trưởng mạnh

Điện toán đám mây là mô hình cho phép người dùng trả tiền cho các nhà cung cấp dịch vụ để được sử dụng hệ thống máy chủ, lưu trữ, ứng dụng dịch vụ từ các máy chủ ảo trên Internet. Điều này giúp các cá nhân, doanh nghiệp vẫn đạt được các mục tiêu mà không cần phải mua, sở hữu, bảo trì các trung tâm dữ liệu và máy chủ vật lý cồng kềnh, tốn kém nhiều chi phí như trước đây.

Với điện toán đám mây, các cá nhân, doanh nghiệp còn có thể tùy biến theo nhu cầu dùng và sử dụng hệ thống máy chủ lưu trữ ứng dụng dịch vụ này mọi lúc, mọi nơi chỉ cần có kết nối Internet.

Hiện nay, công nghệ điện toán đám mây được tích hợp vào điện thoại, trình duyệt web và toàn bộ hệ thống mà con người vận hành hàng ngày. Đa số người dùng Internet đã tiếp cận những dịch vụ đám mây phổ thông như email, album ảnh, bản đồ số...

Theo báo cáo của Viettel, thị trường Điện toán đám mây Châu Á - Thái Bình Dương được dự báo có tỷ lệ tăng trưởng lớn nhất cho tới 2030 nhờ quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ, các sáng kiến và hỗ trợ của chính phủ, nhận thức rõ ràng về chuyển đổi số trong doanh nghiệp, các khoản đầu tư ngày càng tăng cho cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, sự chuyển dịch công nghiệp vào các thị trường mới nổi nằm trong khu vực, sự tập trung và tăng trưởng các ngành công nghệ thông tin.

Tại thị trường Việt Nam, dự báo quy mô dịch vụ Điện toán đám mây đạt hơn 1.200 triệu USD vào năm 2030.

Tuy nhiên, đại diện Viettel IDC cho biết, sau thời gian phát triển nóng, thị trường này đang trong giai đoạn chững lại (năm 2022-2023). Nguyên nhân do các doanh nghiệp, tổ chức sau khi thực hiện chuyển dịch vụ lên đám mây, có xu hướng tối ưu chi phí, song đó chỉ là xu hướng ngắn hạn. Thị trường Điện toán đám mây được dự báo sẽ phục hồi quý IV/2024 và giai đoạn 2025-2026 sẽ phục hồi đi lên.

Ông Hoàng Văn Ngọc - Giám đốc Viettel IDC. (Ảnh: PV)
Ông Hoàng Văn Ngọc - Giám đốc Viettel IDC. (Ảnh: PV)

Ông Ngọc cho biết, hiện quy mô thị trường Điện toán đám mây ở Việt Nam cũng chỉ bằng trên 50% so với một số nước ở khu vực. Song Việt Nam được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 3 khu vực Châu Á (tăng 19% năm 2023) và dự báo đến năm 2030 Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 11-12%/năm.

Đại diện Viettel cũng cho biết, cả 2 dịch vụ này thị phần lớn vẫn trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, song vẫn là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là khi Chính phủ và các Bộ ngành liên quan đã ban hành hành lang pháp lý quy định rõ về sử dụng bảo vệ dữ liệu cá nhân… Do vậy, việc phát triển các dịch vụ này phải bảo đảm các tiêu chuẩn, quy định về giảm carbon, khí thải... theo các cam kết COP 26.

Cũng trong hội nghị các đại biểu đã trao đổi nhiều nội dung về việc triển khai điện toán đám mây vào các lĩnh vực thực tế như: Điện toán biên ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực (tài chính ngân hàng, sản xuất, y tế, bán lẻ, thương mại điện tử...); nền tảng quản trị dữ liệu tự động trên đám mây lai; đa đám mây và đám mây lai; Cloud FinOps; chủ quyền dữ liệu và bảo vệ dữ liệu; giải pháp tối ưu và quản trị hệ thống; sử dụng công nghệ AI trong phân tích hành vi và tự động hóa quy trình.

Bên cạnh điện toán đám mây, DCCI Summit 2024 còn có phiên hội thảo về Trí tuệ nhân tạo, có sự góp mặt của các chuyên gia từ những hãng tên tuổi trên thế giới như Qualcomm, Radware... Các diễn giả thảo luận nhiều chủ đề quanh việc ứng dụng, triển khai AI trong thực tiễn, bảo mật, cơ sở hạ tầng, an toàn thông tin./

  •  
  •  

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024