Tương lai sáng cho lĩnh vực điện toán đám mây
Giải pháp công nghệ tăng cường an ninh dữ liệu cho doanh nghiệp Việt Nam An toàn dữ liệu trong thời đại điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo |
Theo dự báo mới của IDC, chi tiêu của các doanh nghiệp trên toàn thế giới cho cơ sở hạ tầng điện toán đám mây được dự báo sẽ đạt 1.000 tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2024 trong khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) hai chữ số là 15,7%.
Còn tại Việt Nam, theo dự báo của Statista, giá trị thị trường dịch vụ đám mây tại Việt Nam sẽ đạt mức 291 triệu USD vào năm 2024, tốc tăng trưởng kép hàng năm trên 10%.
Thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam trong năm 2024 dự báo sẽ có nhiều khởi sắc. (Ảnh minh họa) |
Công nghệ Blockchain
Công nghệ Blockchain là một cơ chế cơ sở dữ liệu tiên tiến cho phép chia sẻ thông tin minh bạch trong một mạng lưới kinh doanh. Cơ sở dữ liệu chuỗi khối lưu trữ dữ liệu trong các khối được liên kết với nhau trong một chuỗi. Dữ liệu có sự nhất quán theo trình tự thời gian vì bạn không thể xóa hoặc sửa đổi chuỗi mà không có sự đồng thuận từ mạng lưới. Do đó, bạn có thể sử dụng công nghệ chuỗi khối để tạo một sổ cái không thể chỉnh sửa hay biến đổi để theo dõi các đơn đặt hàng, khoản thanh toán, tài khoản và những giao dịch khác. Hệ thống có những cơ chế tích hợp để ngăn chặn các mục nhập giao dịch trái phép và tạo ra sự nhất quán trong chế độ xem chung của các giao dịch này.
Vào năm 2024, công nghệ Blockchain được dự báo sẽ tích hợp nhiều hơn với điện toán đám mây. Rất nhiều doanh nghiệp đã nhận ra tiềm năng của Blockchain trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động, tính bảo mật và tính minh bạch. Khoản đầu tư gia tăng này được củng cố bởi sự phát triển của nền tảng Blockchain-as-a-Service (BaaS). Các giải pháp dựa trên đám mây này hỗ trợ doanh nghiệp tạo và triển khai các ứng dụng Blockchain mà không yêu cầu quản lý cơ sở hạ tầng Blockchain phức tạp.
Thông qua việc làm cho công nghệ Blockchain dễ tiếp cận hơn với các cá nhân và doanh nghiệp, chắc chắn sẽ có sự thay đổi trong cách các công ty tiếp cận chiến lược kinh doanh và công nghệ trong năm mới.
Internet vạn vật (IoT)
IoT thực chất là một mạng lưới kết nối các thiết bị vật lý, phương tiện, máy móc, tòa nhà và các vật dụng với hệ thống máy tính hoặc các thiết bị khác thông qua mạng Internet. Các thiết bị này bao gồm các đồ gia dụng thông thường như TV, tủ lạnh, máy giặt,… đến các công cụ sử dụng trong các ngành công nghiệp để quản lý và giám sát thiết bị tự động từ xa, kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo trì dự đoán, tối ưu hoá chuỗi cung ứng,... Các thiết bị kết nối có khả năng thu thập, xử lý và truyền tải thông tin qua lại với nhau mà không cần đến sự can thiệp của con người.
(Ảnh minh họa) |
Sự ra đời của các con chíp bán dẫn siêu rẻ và sự phổ biến của mạng thông tin vô tuyến đã biến bất kỳ thứ gì, từ thứ nhỏ như viên thuốc đến thứ lớn như máy bay đều trở thành một phần của IoT. Việc kết nối tất cả các thiết bị lại với nhau cùng với sự hỗ trợ của các cảm biến sẽ làm tăng thêm mức độ thông minh của các thiết bị, cho phép chúng truyền dữ liệu theo thời gian thực mà không cần sự tham gia của con người. IoT cũng đang làm cho hệ sinh thái thiết bị xung quanh chúng ta ngày càng trở nên thông minh hơn.
Mặc dù IoT không phải là một xu hướng hoàn toàn mới nhưng các công nghệ IoT ngày càng được các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng trong một số lĩnh vực rộng lớn (chẳng hạn như giao thông vận tải, năng lượng, thành phố thông minh và quốc phòng) như một cách thu thập và sử dụng dữ liệu hiệu quả.
IoT được đánh giá là một công nghệ mới nổi, đã làm thay đổi cách chúng ta suy nghĩ, hành động cũng như cách chúng ta tương tác với nhau. Nó cũng đã thay đổi cách chúng ta làm việc vì nó cho phép giám sát, kiểm soát và tự động hóa trên quy mô rất lớn, đồng thời đã tác động đến quá trình chuyển đổi số của các tổ chức, doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp khác nhau.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2022, trên toàn cầu đã có khoảng 13,15 tỷ thiết bị IoT được kết nối, dự báo con số này sẽ tăng lên gần 2 lần và đạt 25,4 tỷ thiết bị vào năm 2030.
Điện toán biên
Điện toán biên là quá trình mang khả năng điện toán và lưu trữ thông tin đến gần hơn với các thiết bị tạo ra thông tin đó và người dùng sử dụng thông tin. Thông thường, các ứng dụng truyền dữ liệu từ thiết bị thông minh như cảm biến và điện thoại thông minh đến trung tâm dữ liệu để xử lý. Tuy nhiên, độ phức tạp và quy mô chưa từng có của dữ liệu đã vượt xa khả năng của mạng. Bằng cách chuyển khả năng xử lý đến gần hơn với người dùng và thiết bị, hệ thống điện toán biên cải thiện đáng kể hiệu năng của ứng dụng, giảm yêu cầu về băng thông và tăng tốc độ cung cấp thông tin chuyên sâu theo thời gian thực.
Vào năm 2024, các doanh nghiệp có thể mong đợi việc áp dụng điện toán biên nhiều hơn trong kiến trúc đám mây. Điện toán biên là quá trình tính toán dữ liệu gần nguồn tạo dữ liệu hơn là lưu trữ dữ liệu ở một trung tâm dữ liệu ở xa. Điều này rất quan trọng đối với các ứng dụng yêu cầu xử lý theo thời gian thực, chẳng hạn như thiết bị IoT hay xe tự lái. Kiến trúc đám mây truyền thống đã được chứng minh là có hạn chế do độ trễ, giới hạn băng thông và lượng dữ liệu được tạo ra quá lớn. Điều đó cho thấy, điện toán biên sẵn sàng biến đổi tương lai của điện toán đám mây thông qua việc giảm độ trễ và tối ưu hóa băng thông.
Điện toán xanh
Trong những năm gần đây, có nhiều cuộc tranh luận xung quanh việc đám mây thực sự xanh đến mức nào. "Điện toán đám mây xanh" có vẻ sẽ kết hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện để cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu. Ngày càng có nhiều nhà cung cấp dịch vụ đám mây giảm lượng khí thải carbon thông qua việc sử dụng phần cứng máy chủ tiết kiệm năng lượng và các phương pháp làm mát cải tiến.
Khi ngày càng có nhiều công ty áp dụng chiến lược điện toán đám mây xanh, bối cảnh điện toán đám mây sẽ chuyển dịch đáng kể sang các hoạt động có trách nhiệm với môi trường./.