Phú Thọ: Vấn đề nan giải từ xử lý rác thải sinh hoạt và bài toán tháo gỡ khó khăn
Thực trạng vấn nạn rác thải sinh hoạt
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, đến hết năm 2023, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đô thị và khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh đạt 85,6%; chủ yếu ở khu vực đồng bằng, khu ven đô thị và khu vực trung tâm xã. Các khu dân cư còn lại, rác thải được người dân tự xử lý bằng hố chôn lấp tại gia đình, bằng các bể chứa rác đặt ven đường theo hướng dẫn của chính quyền địa phương hoặc tự phát.
Hiện nay, tại TP. Việt Trì, thị xã Phú Thọ và 5 thị trấn khác, rác thải được thu gom, vận chuyển về Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì để xử lý, chế biến thành phân compost theo công nghệ hiếu khí phục vụ cho việc phát triển nông lâm nghiệp. Còn các huyện khác, rác thải sinh hoạt được xử lý bằng chôn lấp tạm thời và đốt. Tất cả các biện pháp xử lý rác thải sinh hoạt tại địa phương đều chưa đảm bảo yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường tại khu vực xử lý.
Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1998, với công suất thiết kế là 60 tấn/ngày. Hiện Nhà máy đang hoạt động quá tải gấp 4 lần; bãi chôn lấp chất thải trơ không còn khả năng đáp ứng, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nhất là khi mưa to kéo dài.
Các lò đốt rác thải đang hoạt động tại các địa phương cũng chưa đáp ứng đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường, yêu cầu kỹ thuật quy định, chưa được đầu tư đầy đủ các công trình phụ trợ như nhà phơi rác, hệ thống xử lý nước rác, chôn lấp chất thải trơ hoặc tro xỉ, phun chế phẩm diệt côn trùng... Nhiều lò đốt rác đã xuống cấp nghiêm trọng (hầu hết các lò đốt đã dừng hoạt động) gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh, đặc biệt là mùi và khí thải.
Những giải pháp mang tính căn cơ
Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt. Hàng năm, UBND tỉnh Phú Thọ đều phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường để thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, trong đó có hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.
Theo đó, giai đoạn 2016-2020, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt được đầu tư gần 282 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 27,71 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 84,72 tỷ đồng, ngân sách huyện 53,26 tỷ đồng, ngân sách xã 1,64 tỷ đồng và nguồn thu phí, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác 113,75 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2025, dự toán kinh phí thực hiện Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên 714 tỷ đồng. UBND tỉnh Phú Thọ đã bố trí kinh phí 3,95 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, khoanh vùng khu vực chôn lấp rác thải trơ tại Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì ở phường Vân Phú; đầu tư 6,3 tỷ đồng ô chôn lấp chất thải trơ tại Trạm Thản, giảm quá tải cho Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì.
Hoàn thành xây dựng hạ tầng Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Trạm Thản và thu hút đầu tư, dự án “Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh” công suất giai đoạn I là 500 tấn/ngày; đầu tư bổ sung 4 lò đốt (nâng tổng số lò đót đã được đầu tư lên 12 lò), vận hành các bãi chôn lấp để xử lý rác thải sinh hoạt cho các huyện phục vụ cho công tác xử lý rác thải tại chỗ của các địa phương.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Thọ, Sở Xây dựng cùng các sở, ngành liên quan sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh theo đúng cam kết của Nhà đầu tư, sớm đưa nhà máy vào hoạt động.
Dự án có quy mô khoảng 10ha với tổng mức đầu tư khoảng 2.242 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, trên 70% rác trên địa bàn tỉnh sẽ được thu gom, vận chuyển xử lý tập trung tại đây. Đây sẽ là nhà máy xử lý rác thải đạt quy chuẩn về bảo vệ môi trường, tái sử dụng rác thải như một nguồn tài nguyên thu hồi năng lượng phát điện; giải quyết áp lực thiếu chỗ chôn lấp rác thải hiện nay; đồng thời dự án cũng góp phần giải quyết việc làm, giảm thiểu gánh nặng ô nhiễm môi trường cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ./.
- Phú Thọ: Phấn đấu là tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc năm 2030
- Phú Thọ: Phát huy, mở rộng mô hình hợp tác xã giúp thành viên thoát nghèo
- Phát động trồng cây phủ xanh 16 ha dự án sân golf tại tỉnh Phú Thọ