ISSN-2815-5823

Những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hiện đại hóa của ngành Thuế

(KDPT) - Ngày 15/4, Tổng cục Thuế đã tổ chức hội nghị triển khai công tác cải cách hiện đại hóa và chuyển đổi số ngành Thuế năm 2024. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành đã chủ trì hội nghị.

Hội nghị có 4 nội dung chính đó là: Triển khai Chiến lược và công tác quản trị chiến lược cải cách hệ thống thuế;

Cải cách thể chế chính sách, trong đó trọng tâm là định hướng sửa đổi chính sách thuế GTGT, TTĐB, TNDN và giới thiệu Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu;

Cải cách về công vụ, trong đó trọng tâm là đổi mới lề lối làm việc, nâng cao năng lực trình độ, tăng cường kỷ luật kỷ cương và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của công chức thuế.

Những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hiện đại hóa của ngành Thuế
Những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hiện đại hóa của ngành Thuế

Hiện đại hóa quản lý thuế gắn với chương trình, kế hoạch chuyển đổi số ngành Thuế: trong đó trọng tâm là giới thiệu những nội dung cơ bản về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia và của Bộ Tài chính; các chương trình đề án, kế hoạch chuyển đổi số ngành Thuế năm 2024 và các năm tiếp theo.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh, đây là những chủ đề cấp thiết trong công tác cải cách và hiện đại hóa của ngành Thuế. Trong đó các bộ chỉ số đánh giá giúp các cục thuế địa phương nắm rất rõ chỉ số và vị trí trong địa phương tỉnh. Thông qua bộ chỉ số giúp lãnh đạo cơ quan thuế biết được đơn vị đang ở đâu, yếu ở chỗ nào và mục tiêu ngành Thuế và cục thuế các địa phương là phải nằm trong vị trí top đầu. Bộ chỉ số nghiên cứu công phu nhưng việc chấm điểm phải công tâm. Tổng cục Thuế sẽ dùng chỉ số để đánh giá năng lực để đánh giá người đứng đầu và cấp phó.

Về đổi mới lề lối làm việc, trong bối cảnh đảng nhà nước cải cách, lề lối làm việc đưa lên hàng đầu. Lãnh đạo nắm hết tình hình hiểu từng người để có chế ngự khuyên can, cảnh tỉnh, tránh ảnh hưởng đến tổ chức. Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm quản lý công, trách nhiệm với ngành.

Đối với công tác chuyển đổi số, trong thời gian qua đã đạt được kết quả bước đầu, đặc biệt là hoạt động triển khai hóa đơn điện tử sau từng lần bán xăng, dầu đã hoàn thành đúng kế hoạch được Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính gửi thư, khen thưởng.

Tuy nhiên trong thời gian tới, ngành Thuế vẫn còn nhiều lĩnh vực phải làm. Như triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, bản đồ số hộ kinh doanh đối chiếu với cơ quan đăng ký kinh doanh, quản lý thương mại điện tử. Đây là những lĩnh vực mới và rất khó quản lý đòi hỏi ngành thuế cần phải xây dựng những ứng dụng công nghệ thông minh, tự động, lưu vết được toàn bộ các tác vụ của cả cán bộ thuế và người nộp thuế, kể cả việc ra quyết định thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh đó, chiến lược cải cách thuế đến năm 2030 cũng không thể thiếu việc hoàn thiện thể chế chính sách, rà soát lại những vấn đề còn vướng, đặc biệt những quy định lưỡng tính. Chính vì vậy, lãnh đạo các cấp cần bàn thảo để có kế hoạch chung cho toàn ngành./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024