Ra mắt Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Sự kiện này do Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) đã tổ chức với sự tham dự của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Trần Thị Thanh Lam và lãnh đạo các cơ quan, ban ngành Bộ, Sở, đại diện các cơ quan và nhân dân huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình; lãnh đạo các cơ quan, viện, trường, hội, và các nhà khoa học uy tín trong nhiều lĩnh vực khoa học.
Đặc biệt, với sự có mặt của gia đình PGS.TS Lê Văn Truyền – chủ nhân khối tài liệu hiện vật của nhà khoa học thứ 2000 và các nhà khoa học trong Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, Hội đồng cố vấn… của Tập đoàn MED GROUP, nhà tài trợ, các cơ quan truyền thông, báo chí.
Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ XVI (23.11.2005 – 23.11.2021). Lễ công bố cấp phép hoạt động cho Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam của UBND tỉnh Hòa Bình khẳng định vai trò và sứ mệnh của MEDDOM trong việc gìn giữ và phát huy di sản của các nhà khoa học nói riêng và di sản văn hóa nói chung.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đánh giá: “Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam là một thiết chế văn hóa mới mẻ về loại hình, về tổ chức và phương thức hoạt động. Việc Bảo tàng được cấp phép hoạt động sẽ là dấu ấn quan trọng hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa nói chung”.
Sau hơn 13 năm hoạt động bền bỉ, kiên trì, từ con số 0, MEDDOM đã thiết lập được 2000 phông lưu trữ cá nhân của các nhà khoa học, lưu giữ và bảo quản hơn 800.000 tài liệu hiện vật, 400.000 phút ghi âm và 150.000 phút ghi hình về cuộc đời của nhà khoa học thuộc 45 chuyên ngành. Song song với hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, MEDDOM còn thúc đẩy mạnh mẽ công tác phát huy di sản bằng việc tổ chức thành công 7 cuộc trưng bày, triển lãm, xuất bản 2 bộ sách thường niên “Di sản ký ức của nhà khoa học” (8 tập), “Những câu chuyện hiện vật” (4 tập), 4 cuốn sách khác và hàng chục bộ phim về cuộc đời các nhà khoa học. Đó là cơ sở khoa học để MEDDOM đi tới quyết định thành lập Bảo tàng về các nhà khoa học Việt Nam.
Sự kiện UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép hoạt động cho Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam đánh dấu một mốc quan trọng trên hành trình nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam, trong đó di sản của các nhà khoa học là khái niệm còn mới mẻ. Đây là bước tạo đà cần thiết, kịp thời khi MEDDOM đã có một quá trình chuẩn bị dài hơi cả về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ nhân sự cho bảo tàng.
Tòa nhà Bảo tàng sẽ được xây dựng trong khuôn viên Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam rộng hơn 30ha ở Cao Phong, Hòa Bình. Đây sẽ là bảo tàng đầu tiên về khoa học và các nhà khoa học Việt Nam, nơi kể những câu chuyện về lịch sử khoa học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX thông qua những con người cụ thể; là nơi học tập, tìm hiểu những giá trị, phẩm chất của các nhà khoa học nhằm tạo động lực, cảm hứng cho các đối tượng, nhất là thế hệ trẻ trên con đường lập thân lập nghiệp. Đây được mong đợi là điểm đến độc đáo, kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, học tập và nghiên cứu.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn của MEDDOM đã khẳng định: “Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam tương lai không chỉ là nơi tham quan để hiểu về lịch sử khoa học, về các nhà khoa học, mà còn là nơi để tìm hiểu những giá trị, phẩm chất của các nhà khoa học, từ đó tạo niềm cảm hứng trong cuộc sống cho mỗi khách tham quan, nhất là thế hệ trẻ. Đây cũng là nơi học tập và khám phá, bởi các tư liệu trưng bày cũng là sử liệu giúp cho những người quan tâm hiểu rõ hơn về lịch sử ngành, hoặc về các vấn đề khoa học. Đồng thời, là nơi khơi dậy tinh thần khoa học cùng niềm tự tôn khoa học của Việt Nam”.
Để chào mừng sự kiện công bố quyết định cấp phép hoạt động cho Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam, MEDDOM long trọng tổ chức Lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật của nhà khoa học thứ 2000 – PGS.TS Lê Văn Truyền.
PGS.TS Lê Văn Truyền sinh ngày 1.12.1941 tại thành phố Huế, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa IX (1992-1997). Với tư cách Phó ban thường trực Ban soạn thảo “Chính sách Quốc gia về Thuốc”, với tầm nhìn của nhà khoa học, ông đã có nhiều đóng góp xây dựng chính sách thuốc có giá trị chỉ đạo xuyên suốt nhiều thập kỷ đối với ngành Dược Việt Nam.
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, PGS.TS Lê Văn Truyền đã công bố hàng trăm bài báo nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành, báo cáo tại các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu như “Tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc”, “Nâng cao chất lượng thuốc từ dược liệu”. Ông là phó chủ nhiệm dự án “Phát triển sản xuất Artemisinin từ thanh hao hoa vàng”, công trình khoa học được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
Phát biểu tại lễ ký kết bàn giao danh mục khối tài liệu, hiện vật mà ông đã tin tưởng trao tặng cho MEDDOM, ông vô cùng xúc động nói: “Gần 5 năm làm việc với các cán bộ của MEDDOM, tôi hết sức cảm phục ý tưởng của nhà sáng lập MEDDOM – GS.AHLĐ.TTND Nguyễn Anh Trí. Tôi cũng rất ấn tượng và cảm phục sự tâm huyết của các cán bộ MEDDOM cũng như phương pháp làm việc khoa học, cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác của các bạn trẻ ở đây. Trong cơn lốc thị trường, nhiều giá trị tinh thần đôi khi bị phai nhạt và có phần lãng quên, thì việc làm có ý nghĩa xã hội và nhân văn rất lớn của MEDDOM đã khẳng định một điều: nếu không tôn trọng quá khứ thì chúng ta sẽ phải trả giá đắt sau này. Hội nghị toàn quốc về văn hóa lần thứ ba vừa diễn ra càng cho chúng ta thấy ý nghĩa cao cả của các hoạt động mà MEDDOM đang tiến hành. Tôi rất vinh dự được trao gửi những đứa con tinh thần của mình và hoàn toàn tin tưởng rằng chúng sẽ được trân trọng”.
VŨ AN