Rót 6,31 tỷ USD vào thị trường bất động sản Việt Nam, nhà đầu tư ngoại đang nhắm vào đâu?
Như chúng tôi đã đưa tin, tính đến hết năm 2024, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài với 6,31 tỷ USD (tăng 1,64 tỷ USD so với năm 2023) và chiếm 16,5% trong tổng số 38,23 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với người viết, bà Nguyễn Lê Dung, Trưởng bộ phận Môi giới và Đầu tư, Savills Hà Nội cho biết, các nhà đầu tư (NĐT) tới từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc là các quốc gia có hoạt động tích cực. Bên cạnh đó, Mỹ và châu Âu cũng ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam; trong đó, các nhà đầu tư chú ý nhiều nhất tới 3 phân khúc.
Cụ thể, phân khúc bất động sản nhà ở thu hút được nhiều sự quan tâm nhất do việc đô thị hóa cùng nhu cầu về nhà ở tăng cao trong các thành phố lớn tại Việt Nam. Nguồn cung các dự án mới được ghi nhận ở mức thấp do hạn chế về pháp lý đã làm phân khúc này luôn nhận được sự quan tâm lớn từ các NĐT nước ngoài.
Kế đến là bất động sản công nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam đã khiến bất động sản khu công nghiệp trở thành một phân khúc hấp dẫn. Sự gia tăng của phân khúc này được thúc đẩy bởi sự hiện diện của nhiều quỹ đầu tư và chủ đầu tư nước ngoài, tập trung vào các dự án nhà kho và xưởng hạng A, đáp ứng tiêu chuẩn và chất lượng cao trên thị trường.
Ngoài ra, phân khúc bất động sản thương mại cũng nhận được sự quan tâm lớn, nhờ vào sự phát triển của thị trường bán lẻ và dịch vụ. Điều này phản ánh sự gia tăng nhu cầu tăng trưởng song song với loại hình bất động sản đô thị và được hỗ trợ bởi các yếu tố như sự chuyển đổi thói quen tiêu dùng của người dân, với việc ngày càng nhiều khách hàng ưu tiên trải nghiệm mua sắm tại các trung tâm thương mại và không gian dịch vụ đa chức năng khép kín.
Cũng theo bà Dung, nhà đầu tư hiện có xu hướng ưu tiên các doanh nghiệp tư nhân hơn, nhờ vào tính linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh trong vận hành. Về quy mô và tổng mức đầu tư của các NĐT rất đa dạng và sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng phân khúc phát triển.
“Các nhà đầu tư đặc biệt chú trọng đến các dự án có khả năng phát triển bền vững và đáp ứng đúng nhu cầu thị trường hiện tại để gia tăng chất lượng sản phẩm và trải nghiệm của người tiêu dùng. Ngoài ra, vấn đề pháp lý sẽ được đặt lên ưu tiên do ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện dự án, cấu trúc giao dịch và kế hoạch tài chính của NĐT”, bà Dung nhận định.
Trong khi đó, đơn vị dịch vụ tư vấn bất động sản Avison Young đánh giá, dòng vốn FDI mạnh mẽ cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Các lý do được chỉ ra là với dân số và đô thị hóa mạnh, nhà đầu tư nhìn thấy cầu vượt cung ở hầu hết các phân khúc chủ đạo như công nghiệp và hậu cần, nhà ở, văn phòng và bán lẻ.
Động lực mang tính điểm nhấn của năm là hạ tầng và khung pháp lý cải thiện. Trong đó, 2024 đánh dấu cột mốc chính sách khi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 có hiệu lực. Những thay đổi, điều chỉnh trong khung pháp lý giúp chuyên nghiệp hóa hoạt động môi giới và giao dịch, đặt nền móng để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.
"Khi các tín hiệu tích cực xuất hiện rõ hơn là lúc tái khởi động dòng vốn vào các giao dịch và sẵn sàng đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới", ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam nói.
Nhận định về triển vọng của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, vào tháng 11 năm 2024, Mỹ công bố ông Donald Trump chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống, đây sẽ từ khóa được nhắc đến nhiều nhất, liên quan đến sự phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp trong những năm tới.
Bà Trang Bùi cho biết, nhìn lại giai đoạn thị trường 2017-2018 khi Tổng thống Donald Trump đương nhiệm, đó cũng là thời điểm thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam hưởng lợi từ các chính sách của ông. Các nhà sản xuất lớn toàn cầu đã thực thi kế hoạch mở rộng cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc trong chiến lược “Trung Quốc +1” và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Dự báo của Cushman & Wakefield cho thấy, trong giai đoạn 2024-2027, nguồn cung bất động sản công nghiệp sẽ tăng trưởng đáng kể, tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường M&A.
Cụ thể, đối với các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Nam, nguồn cung tương lai đất công nghiệp sẽ có thêm 10.600 ha với tốc độ tăng trưởng 7,5%/năm. Trong khi đó, nhà xưởng xây sẵn và nhà kho xây sẵn sẽ tăng thêm nguồn cung lần lượt là 1,9 triệu m² sàn và 2,6 triệu m² sàn, có tốc độ tăng trưởng 5,9%/năm và 10,1%/năm.
Ngoài ra, việc thiếu hụt những tài sản công nghệ cao, không gian kho bãi hiện đại và nhu cầu mạnh mẽ từ những doanh nghiệp trong khu vực đang thúc đẩy tiềm năng của thị trường bất động sản công nghiệp./.
- Tín dụng chính sách tạo việc làm cho hơn 712.000 lao động trong năm 2024
- "Một thời để nhớ": Đêm nhạc đầy ắp cảm xúc của danh ca Phương Dung cùng khán giả Thủ đô
- Ra mắt sách về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của hoạ sĩ Trần Phúc Duyên