Tín dụng chính sách tạo việc làm cho hơn 712.000 lao động trong năm 2024
Tổng dư nợ đến hết năm 2024 đạt 367.631 tỷ đồng, tăng 35.708 tỷ đồng (+10,8%) so với năm 2023 với gần 6.890 nghìn khách hàng còn dư nợ. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh toàn hệ thống là 2.050 tỷ đồng, chiếm 0,56%/tổng dư nợ.
Thực hiện Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, đã có 60 chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh tham mưu triển khai cho vay bằng nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương với số tiền là 248,3 tỷ đồng. Trong đó, có 53 chi nhánh đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chuyển riêng nguồn vốn để cho vay người chấp hành xong án phạt tù với số tiền 205,3 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong năm 2024 đã hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 712.000 lao động, trong đó hơn 9.300 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và gần 7.000 lượt người chấp hành xong án phạt tù có việc làm; giúp hơn 88,5 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 1.760 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 1.143 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 6,2 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp…
Tính đến 31/12/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt trên 376.000 tỷ đồng, tăng gần 30.000 tỷ đồng so với năm 2023, trong đó, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 50.681 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,5%. Nguồn vốn nhận ủy thác sang Ngân hàng CSXH bao gồm vốn ủy thác theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 2.141 tỷ đồng tại 20 chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, thành phố. Điển hình một số chi nhánh có nguồn vốn nhận ủy thác tăng cao như: TP. Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, Hải Dương, Bình Dương, Cao Bằng và Bình Thuận…
Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng, kết quả đạt được năm 2024 là nhờ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Hội đồng quản trị, Ban điều hành; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và sự quyết tâm, trách nhiệm của các đơn vị trong hệ thống từ Hội sở chính đến chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố.
Về phương hướng hoạt động năm 2025, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng yêu cầu các đơn vị trong toàn hệ thống tham mưu Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Phối hợp tham mưu công tác ủy thác nguồn vốn ngân sách địa phương theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.
Các đơn vị tập trung triển khai thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2025 ngay khi được Thủ tướng Chính phủ giao, hỗ trợ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, tăng cường các giải pháp phòng ngừa và công tác quản trị rủi ro nhằm nâng cao chất lượng tín dụng./.
- Loạt ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiết kiệm đầu năm mới
- Tài chính số và tương lai của ngành ngân hàng trong năm 2025