Công nghệ chế biến từ cây mắc ca

Cây mắc ca có tên khoa học là Macadamia, được đưa vào trồng ở nước ta từ năm 1994. Mắc ca là loại quả giàu giá trị dinh dưỡng, có chứa nhiều vitamin, acid béo không no, protein và các chất khoáng. Trong Protein của nhân mắc ca có hơn 20 loại acid amin, trong đó có 10 loại acid amin cần thiết mà cơ thể người không tự tổng hợp được. Hàm lượng axit béo không no trong dầu mắc ca lên tới 84%. Vỏ quả mắc ca có chứa các thành phần dinh dưỡng như: Glucid, protein, lipid, vitamin, pectin, chất khoáng, polyphenol,…

Việt Nam là một trong 17 quốc gia có diện tích trồng mắc ca lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các sản phẩm thực phẩm từ quả mắc ca hiện nay ở nước ta rất “khiêm tốn”, chủ yếu là các sản phẩm chế biến đơn giản như hạt mắc ca rang muối hay tẩm mật ong. Các sản phẩm chế biến từ quả mắc ca vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, việc ứng dụng thành công công nghệ từ quả mắc sẽ mang tới giá trị kinh tế cao.

PGS.TS Nguyễn Văn Lợi cùng các cộng sự của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất một số loại thực phẩm và thức ăn chăn nuôi từ quả mắc ca. Ông cho biết những năm qua, các nghiên cứu về cây mắc ca chủ yếu vẫn tập trung vào việc lai tạo, lựa chọn giống mắc ca phù hợp với từng vùng khí hậu. Việc nghiên cứu công nghệ chế biến các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm từ quả mắc ca thì rất ít.

Nói về tiềm năng về cây mắc ca ở Việt Nam, ông Lợi cho biết các sản phẩm chế biến từ quả mắc ca vẫn rất nghèo nàn, trong khi đó tiềm năng về cây mắc ca ở nước ta trong những năm gần đây và những năm tới là rất lớn. Do đó, để sản phẩm mắc ca của Việt Nam đi vào thị trường trong nước cũng như xuất khẩu thì rất cần các công nghệ chế biến có thể tận thu triệt để các phần có thể sử dụng được của quả mắc ca và nâng cao giá trị sử dụng.

Theo đó, PGS.TS Nguyễn Văn Lợi cùng các cộng sự đã ứng dụng thành công phương pháp lên men để tách vỏ quả mắc ca. Cụ thể, nhóm đã phân lập và tuyển chọn được 2 chủng nấm mốc và 2 chủng vi khuẩn có hoạt tính cao để tách vỏ quả mắc ca. Từ đó, nhóm xây dựng được quy trình tách vỏ quả mắc ca bằng công nghệ sinh học, với tỷ lệ chế phẩm sinh học 15%, thời gian lên men là 9 ngày và nhiệt độ lên men là 35 độ C. Với việc tách thành công dầu mắc ca bằng việc sử dụng enzyme viscozyme với nồng độ sử dụng là 1,12%, nhiệt độ thủy phân là 40,5 độ C và thời gian thủy phân là 5 giờ 20 phút là những thông số tối ưu để hiệu suất tách dầu mắc ca đạt cao nhất 91,20%.

Kỳ vọng công nghệ sẽ sớm được chuyển giao đến các cơ sở sản xuất

Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã xây dựng và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất sữa chua mắc ca, công thức sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn từ vỏ quả mắc ca. Với việc quy trình công nghệ đã xác lập, nhóm cũng triển khai phối hợp với một công ty ở Hà Nội sản xuất thành công 5 tấn sữa chua mắc ca, 5 tấn dầu mắc ca và 10 tấn thức ăn chăn nuôi.

Từ quả mắc ca có thể chế biến thành nhiều loại sản phẩm khác nhau

Nhóm đã thực hiện xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thử nghiệm sử dụng thức ăn tại 2 hộ ở xã Đại Cường, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội và thu về kết quả khả quan. Tuy nhiên, các kết quả đạt được của đề tài về quy mô sản xuất cũng như mức độ tiếp cận đưa sản phẩm ra thị trường mới dừng lại ở quy mô thử nghiệm. PGS.TS Nguyễn Văn Lợi hy vọng công nghệ sản xuất chế biến dầu mắc ca, sữa chua mắc ca và thức ăn chăn nuôi cho lợn sớm được chuyển giao đến các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu áp dụng công nghệ mới.

Theo các chuyên gia tại buổi đánh giá nghiệm thu kết quả, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất một số loại thực phẩm và thức ăn chăn nuôi từ quả mắc ca” mang giá trị thực tiễn cao, góp phần đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ quả mắc ca, nâng cao giá trị cho loài cây này, đồng thời nâng cao đời sống thu nhập cho người nông dân.