ISSN-2815-5823

Tài chính số - Những vấn đề tiếp sau sự bùng nổ

(KDPT) - Công nghệ ngày càng tiến xa, khoảng cách giữa môi trường vật lý và môi trường ảo ngày càng bị thu hẹp. Điều này mở ra vô vàn dư địa để công nghệ số ứng dụng vào trong cuộc sống con người, trong đó ngành tài chính dự kiến sẽ tiếp tục trong nhóm dẫn đầu về số hoá.
"Làn sóng thần" thay đổi diện mạo kinh tế Việt Nam

Sự bùng nổ của tài chính số

Chuyển đổi số đang diễn ra ở tất cả các ngành nhưng xét về mức độ phổ biến, tài chính có lẽ là ngành mạnh mẽ nhất, chỉ sau ngành công nghệ. Các ngân hàng, công ty tài chính đã tiến hành dịch chuyển qua kênh số khá lâu trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Và đại dịch COVID-19 là yếu tố đặc biệt đã thúc đẩy thêm cho tiến trình số hóa này. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, người dân không thể đến các chi nhánh ngân hàng giao dịch trực tiếp, vì vậy số lượng giao dịch online tăng đột biến, điều này vừa tạo ra yêu cầu bắt buộc vừa là động lực để các ngân hàng đẩy mạnh số hoá.

Khi công nghệ AI, chatbot phát triển, tạo ra làn sóng mới trong cuộc Cách mạng 4.0, các ngân hàng lại càng trở nên “cuống cuồng” hơn trong cuộc đua số hoá, bởi ngân hàng nào càng tối ưu hoá công nghệ sẽ càng tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

n
Các ngân hàng đang trong cuộc đua số hoá. (Ảnh minh hoạ: Vietcombank)

Theo các chuyên gia, quá trình số hoá mang lại nhiều lợi ích cho các ngân hàng. Thứ nhất là tiết kiệm chi phí. Trước đây, các ngân hàng đua tranh thị phần đều phải tăng cường mở chi nhánh. Mỗi chi nhánh ra đời đi kèm với chi phí đầu tư rất lớn về mặt bằng, nhân sự, quản lý… Tuy nhiên, việc số hóa đã làm thay đổi sâu sắc cuộc đua tranh này. Từ chi nhánh, các ngân hàng chuyển sang đua nhau về “app” (ứng dụng). Ngân hàng nào càng có “app” được nhiều người dùng thì thị phần của ngân hàng đó càng mở rộng. Chi phí phát triển “app” rẻ hơn rất nhiều so với mở chi nhánh, do đó số hóa mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho ngân hàng.

Ngoài ra, với xu hướng người dùng ít đến chi nhánh giao dịch, mà giao dịch qua Internet Banking, Mobile Banking, thì quy mô của các chi nhánh cũng được thu nhỏ. Trước đây, một chi nhánh cần có hàng trăm nhân viên thì giờ chỉ còn cần 20 - 30 nhân viên; một phòng giao dịch trước cần vài chục nhân viên thì giờ chỉ cần 3 - 5 người. Đi liền với câu chuyện chi phí, số hóa cũng tăng hiệu quả hoạt động của các nhân viên và toàn ngân hàng.

Bên cạnh lợi ích trên, việc số hoá ngân hàng cũng nâng tầm trải nghiệm khách hàng, cá nhân hoá người dùng rõ hơn. Ví dụ trước đây, khách hàng cá nhân phải chuyển tiền tại quầy, chờ đợi nhiều giờ đồng hồ, thì hiện tại chỉ mất vài giây để thực hiện giao dịch, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa đạt được sự tiện lợi và tâm lý thoải mái.

Song hành với ngành ngân hàng, các công ty tài chính (Fintech) cũng rất mạnh mẽ trong cuộc đua số hoá. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, số lượng Fintech gia tăng với cấp số cộng, tạo nên cục diện trăm hoa đua nở.

tài chính số
Các công ty tài chính (Fintech) cũng rất mạnh mẽ trong cuộc đua số hoá. (Ảnh minh hoạ)

Nhìn tổng quan, hệ sinh thái của Fintech Việt Nam được chia thành nhiều phân khúc. Mảng đầu tiên là thanh toán (Payment) - chiếm tỷ trọng lớn nhất. Từ khi dịch bệnh diễn ra, việc mua sắm online trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Các công ty Fintech đua nhau kết nối với hệ thống sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ thanh toán không tiền mặt. Các ví điện tử gần gũi, phổ biến nhất với người dùng hiện nay là Momo, Moca, VNPAY…

Các doanh nghiệp thanh toán trực tuyến đang phát triển rất mạnh và cạnh tranh với ngân hàng truyền thống về thị phần; thậm chí có thể thành định chế tài chính mới và có khả năng thay thế ngân hàng truyền thống ở mảng thanh toán.

Mảng thứ hai của Fintech là cho vay ngang hàng (P2P lending), gọi vốn cộng đồng (Crownfunding). Đây vẫn là vùng xám trên thị trường bởi chưa có khung pháp lý quy định rõ ràng về hoạt động của các công ty này. Hiện nay, có công ty hoạt động đàng hoàng, song còn nhiều công ty tín dụng đen núp bóng Fintech.

Mảng thứ ba là công nghệ bảo hiểm (Insurtech), chia thành bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Bảo hiểm phi nhân thọ thì đang phát triển, chẳng hạn có những ứng dụng bán bảo hiểm xe máy, ô tô và kết nối API với đơn vị bán chéo. Còn các công ty bảo hiểm nhân thọ thì đang ứng dụng rất tốt AI để định giá trị hợp đồng, đưa ra các gói tư vấn phù hợp.

Mảng cuối cùng là mảng đầu tư và quản lý tài sản (Retail Investment & Wealth Management). Hiện nay, nhiều công ty ứng dụng công nghệ vào đầu tư chứng khoán. Nếu như con người chỉ đặt được một lệnh thì tại một thời điểm, robot có thể đặt cả trăm ngàn lệnh để tối ưu hoá lợi nhuận. Công nghệ này có thể tìm ra điểm yếu của thị trường và chọn thời điểm mua bán chứng khoán hợp lý nhất, dùng các thuật toán để tối ưu lợi nhuận cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, AI còn đề xuất, phân loại danh mục theo khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Vừa qua, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu cấm các công ty chứng khoán dùng robot đặt lệnh.

Hoàn thiện để đi xa hơn

Làn sóng chuyển đổi số ngành tài chính ngày càng mạnh mẽ, vượt lên rất nhanh so với những quy định hiện hành đã đặt ra bài toán hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các cơ quan quản lý.

TS. Nguyễn Hữu Huân
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính, UEH (Ảnh: HT)

Chia sẻ với PV Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, để mảng Fintech đi vào thực tế thì phải chấp nhận hợp đồng thông minh (smart contract) và công nghệ chuỗi khối (blockchain). Đây được xem là những nền tảng cho sự phát triển của Fintech, phù hợp với diễn tiến trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, TS. Huân cho rằng một điểm quan trọng nữa là cần chấm điểm tín dụng. Theo ông, hiện nay chỉ có Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) làm công tác này. Tuy nhiên, với CIC, chỉ có các tổ chức tín dụng tra cứu được, còn người dân rất khó tiếp cận và cũng không có đủ thông tin.

Theo TS. Huân, thị trường phải có những tổ chức/doanh nghiệp và cá nhân cung cấp dịch vụ này. Ông lấy ví dụ ở Trung Quốc, chính phủ áp dụng hệ thống tín dụng xã hội (social credit system), tức là chính phủ sẽ đánh giá mức độ đáng tin và mức độ tuân thủ của mỗi người. Chẳng hạn người nào có điểm tín dụng thấp thì sẽ bị hạn chế trong xã hội như cấm đi lại (không được đi máy bay), con cái không được học trường tư...

“Ở Việt Nam hiện nay cũng có một số tổ chức đứng ra làm chấm điểm tín dụng như Trusting Social. Họ sử dụng thuật toán để thu thập dữ liệu lớn từ người dùng, xếp hạng xem có nên cho người này vay hay không, song quy mô còn hạn chế”, TS. Huân cho hay./.

HẢI THU



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024