ISSN-2815-5823
Việt Anh
Chủ nhật, 08h00 05/01/2025

Tăng tốc độ phát triển lĩnh vực bán dẫn trong năm 2025

(KDPT) - Bước sang năm 2025, cần nỗ lực đẩy mạnh những hoạt động nhằm thúc đẩy nhanh quá trình phát triển lĩnh vực bán dẫn.

Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho ngành công nghiệp bán dẫn

Trong những năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc. Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của một số ngành công nghiệp ô tô điện, công nghiệp viễn thông, điện toán đám mây, công nghệ trí tuệ nhân tạo, ngành công nghiệp bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Sự bùng nổ này tạo ra vận hội lớn cho nhiều quốc gia tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, mang đến thời cơ cho phép các quốc gia đang phát triển có cơ hội tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả phát triển ngành bán dẫn.

Quyết định 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được ban hành trong bối cảnh hiện nay mang ý nghĩa to lớn với sứ mệnh kịp thời nắm bắt, tận dụng cơ hội trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, đồng thời đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Việt Nam đang nỗ lực phát triển trong lĩnh vực chip và bán dẫn. (Ảnh minh họa)
Việt Nam đang nỗ lực phát triển trong lĩnh vực chip và bán dẫn. (Ảnh minh họa)

Việt Nam có cơ hội trở thành một trong các trung tâm công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu nhờ những yếu tố quan trọng như lợi thế đặc biệt về địa chính trị, là điểm đến an toàn và tiềm lực phát triển công nghiệp bán dẫn hàng đầu so với một số quốc gia trong khu vực.

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước đã đặt ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển công nghiệp bán dẫn, thông qua nhiều nghị quyết ở cấp chính trị cao nhất với những chính sách đặc thù, cụ thể để ưu tiên phát triển cho công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Nước ta nằm ở trung tâm của khu vực đang chiếm tới 70% sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, thuộc nhóm các nước có tốc độ phát triển nhanh nhất, là quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc bán dẫn.

Ngoài ra, Việt nam còn có lợi thế về tỷ lệ dân số trẻ, có năng lực về STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), có khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu nhân lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Để đạt được những mục tiêu phát triển lĩnh vực bán dẫn, Chính phủ Việt Nam đang không ngừng nỗ lực xây dựng cơ sở pháp lý thuận lợi. Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các ngành công nghiệp số, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn. Mục tiêu của dự án là chuyển đổi từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy xây dựng chính phủ số và phát triển nền kinh tế số.

Năm 2025, xây dựng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ chip bán dẫn phát triển

Tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn diễn ra vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn ngay trong năm 2025, đó là Đề án đầu tư xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nhu cầu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip bán dẫn. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ngay trong năm 2025 sẽ xây dựng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tài chính đặc biệt của nhà nước cho dự án xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao. Đây là nhiệm vụ để tạo cơ chế triển khai, xây dựng nhà máy. Các cơ chế này là cơ sở huy động nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện mục tiêu Việt Nam có nhà máy chế tạo chip đầu tiên.

Đồng thời, xây dựng nền tảng, công cụ dùng chung, đây là một loại hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn, phục vụ khởi nghiệp sáng tạo, đào tạo chuyên gia, thiết kế, phát triển chip bán dẫn.

Để hiện thực hóa giấc mơ về ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, đại diện của Tập đoàn FPT đề xuất Ban chỉ đạo có chiến lược xây dựng hình ảnh Việt Nam trở thành quốc gia số một về nguồn nhân lực bán dẫn ở khu vực và thế giới; Việt Nam đứng đầu ASEAN về số lượng các công ty thiết kế chip mới mở (bao gồm cả công ty khởi nghiệp và trung tâm nghiên cứu phát triển của nước ngoài mở tại nước ta). Việt Nam cũng đi đầu khu vực về công nghệ kiểm thử chip.

Đồng thời, FPT cũng mở trung tâm dữ liệu tương tự tại Nhật Bản, Nvidia đã cấp cho FPT quyền để triển khai tại 2 quốc gia này. Trong tương lai, FPT sẽ đẩy mạnh triển khai các trung tâm tương tự tại các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.

Với tầm quan trọng đặc biệt của ngành công nghiệp bán dẫn đối với nền kinh tế số, Chính phủ đã xác định đây là một trong những lĩnh vực trọng tâm trong Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025. Công nghiệp bán dẫn không chỉ là động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác như thương mại điện tử, chế biến chế tạo, logistics, mà còn là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.

Với chiến lược phát triển rõ ràng, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, và sự gia nhập của các nhà đầu tư quốc tế, ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đang đứng trước một tương lai sáng lạn. Việt Nam không chỉ trở thành trung tâm sản xuất bán dẫn mà còn là điểm sáng trong bản đồ công nghiệp số toàn cầu, mở ra cơ hội phát triển bền vững và thịnh vượng cho đất nước trong thập kỷ tới./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/01/2025