ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ hai, 06h00 10/02/2025

Tạo cơ hội bổ sung nhân lực cao cho ngành vi mạch bán dẫn

(KDPT) - Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi năm, ngành công nghệ vi mạch bán dẫn trong nước cần khoảng 10.000 kỹ sư, trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu khoảng 80%.

Các trường đại học chính là "mạch máu" nhân lực ngành bán dẫn

Những năm gần đây, nhiều trường đại học trong nước đồng loạt mở các chương trình đào tạo chuyên ngành vi mạch bán dẫn. Có thể kể đến các khóa đào tạo vi mạch bán dẫn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội…

Năm 2025, trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến mở các khóa đào tạo về công nghệ vi mạch bán dẫn. Tương tự, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM mở ngành Vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường), Đại học Tôn Đức Thắng mở chuyên ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn, thuộc ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông.

Ba trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng dự định mở chương trình đào tạo chuyên ngành vi mạch bán dẫn. Ở trường Đại học Công nghệ, ba trong bốn chuyên ngành dự kiến mở mới đều liên quan công nghiệp bán dẫn là Khoa học dữ liệu (chương trình Khoa học và Kỹ thuật dữ liệu), Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng Thiết kế vi mạch, Công nghệ vật liệu (chương trình Công nghệ vật liệu và Vi điện tử).

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, nhu cầu nhân lực lĩnh vực công nghệ bán dẫn là rất lớn.

Công nghệ bán dẫn là một chuỗi công nghệ, công nghiệp liên ngành trình độ công nghệ cao, trụ cột chính trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội để tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Hiện nay, tốc độ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tăng nhanh, nhiều nhà máy lĩnh vực bán dẫn được mở rộng quy mô và xây mới cả Việt Nam và trên thế giới, dẫn đến nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn ngày càng lớn. Cơ hội từ sự tăng trưởng này là động lực để đẩy mạnh công tác đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Ngành vi mạch bán dẫn đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. (Ảnh minh họa)
Ngành vi mạch bán dẫn đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. (Ảnh minh họa)

Trước đó, năm 2024, hàng loạt trường đại học như Bách khoa Hà Nội và Đà Nẵng, FPT, Phenikaa... cũng đã mở chương trình đào tạo chuyên ngành vi mạch bán dẫn.

Việc mở chương trình đào tạo chuyên ngành liên quan vi mạch bán dẫn nhằm đón đầu nhu cầu nhân lực. PGS.TS Nguyễn Hiệu, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, dự kiến đến năm 2030, đơn vị này sẽ đào tạo khoảng 20.000 trong số 50.000 nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, theo chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn của Chính phủ.

Công nghiệp bán dẫn là công nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi đầu tư lớn, quyết tâm chính trị cao, các chính sách phù hợp và kế hoạch dài hạn. Do đó, Việt Nam cần phải đẩy mạnh việc thu hút, kêu gọi các tập đoàn sản xuất bán dẫn đầu tư vào Việt Nam, đồng thời có cơ chế hỗ trợ hấp dẫn và lâu dài cho họ. Bên cạnh đó, rất cần cơ chế hỗ trợ về tài chính và chính sách thúc đẩy các cơ sở giáo dục Việt Nam tập trung nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn, bao gồm cả phát triển các nghiên cứu về công nghệ lõi và đào tạo nguồn nhân lực. Với các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này cũng cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và quyết liệt từ Chính phủ.

Ngành vi mạch là lĩnh vực đòi hỏi yêu cầu rất cao

Đại diện một số trường đại học khẳng định, ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đang thiếu rất nhiều nhân lực tay nghề cao. Trong khi đó, sinh viên các chuyên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học ở Việt Nam hiện còn ít (chiếm 30% tổng số sinh viên), và thực tế cũng cho thấy, công nghệ vi mạch bán dẫn đòi hỏi yêu cầu đầu vào rất cao và không phải trường đại học nào cũng đào tạo được, cho nên ngành này sẽ luôn là ngành hấp dẫn và có đầu ra tốt.

Đề cập đến những thách thức trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng chỉ ra 3 vấn đề cốt lõi:

Thứ nhất, từ góc nhìn phía công nghiệp và hoạch định chính sách. Ở Việt Nam hiện nay có rất ít công ty sản xuất trong ngành bán dẫn, vi mạch. Cần đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực này. Từ đó cần có tính toán, dự báo về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, nhu cầu nhân lực thực sự là một bài toán cần thực hiện cẩn trọng, tránh làm theo phong trào hoặc dự báo thiếu chính xác.

Thứ hai, từ góc nhìn phía các cơ sở đào tạo đại học. Đào tạo luôn cần đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận công nghệ hiện đại, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Thứ ba, từ góc nhìn phía học sinh và phụ huynh. Ngành công nghiệp bán dẫn là rất hấp dẫn, có nhu cầu cao về nguồn nhân lực trong thời gian tới, nhưng cũng là ngành học “kén người học”. Các em học sinh cần cân nhắc đam mê của bản thân, năng lực bản thân, kiến thức nền thực sự có phù hợp với ngành công nghiệp bán dẫn hay không. Tránh chọn ngành theo phong trào, dẫn tới sự không phù hợp, sau đó bỏ hoặc chuyển ngành hoặc bỏ nghề, dẫn tới sự lãng phí về công sức, thời gian và cả tài chính.

Bên cạnh đó, việc đào tạo nhân lực lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Một vấn đề nóng hiện nay là việc đầu tư phòng thí nghiệm tại các trường đại học. Tuyển sinh rồi nhưng chưa có trang thiết bị, phòng thí nghiệm. Đề án được duyệt nhưng không thể mua ngay như hàng tiêu dùng mà phải đặt hàng.

Đặc biệt những năm gần đây, do sự bùng nổ của nhu cầu tuyển dụng trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và tự chủ đại học, nguồn thu của nhà trường chủ yếu dựa vào học phí. Điều này, dẫn đến rất nhiều trường, trong đó có nhiều trường ngoài công lập tham gia đào tạo các lĩnh vực công nghệ cao trong khi không đủ đội ngũ giảng viên giỏi, đầu vào tuyển sinh các ngành công nghệ cao ở nhiều trường chất lượng còn thấp.

Các chuyên gia công nghệ cho rằng, để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới cần phải xây dựng và đầu tư, bao gồm: đầu tư cho đội ngũ giảng viên, học bổng cho sinh viên đại học và sau đại học; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cho những chương trình đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao ưu tiên trọng điểm cả ở bậc đại học và sau đại học. Đồng thời, thúc đẩy liên kết giữa: Nhà nước, nhà trường - nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp trong nghiên cứu và đào tạo nhân lực công nghệ cao./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/03/2025