Ông Hoàng Nam Tiến: Chỉ 5 năm nữa thôi, Việt Nam sẽ là nơi cần đến, phải đến của ngành bán dẫn thế giới
“Cơn khát” nhân lực ngành thiết kế vi mạch ngày càng lớn
Việt Nam hiện có khoảng 40 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp bán dẫn, chủ yếu thiết kế vi mạch. Tổng số nhân sự làm việc trong ngành này vào khoảng 5.000 người. Các báo cáo dự báo quy mô ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 ước đạt 20-30 tỷ USD. Trước cơ hội này, Việt Nam đang thu hút đầu tư mạnh mẽ vào công nghiệp bán dẫn.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam tới năm 2030 dự báo cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch. Hiện nước ta chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư ở tất cả các khâu trong mảng thiết kế chip. Do vậy, nguồn nhân lực thiết kế chip tại Việt Nam có khoảng trống lớn cần được bổ sung trong 5 năm tới. Có thể thấy, không riêng Việt Nam, “cơn khát” nhân lực ngành thiết kế vi mạch trên thế giới cũng ngày càng lớn.
Để ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ta phát triển, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng. Chính phủ đã giao xây dựng đề án đào tạo nhân sự ngành bán dẫn với mục tiêu 50.000 người đến năm 2020.
Tại đàm "Thiết kế chip bán dẫn: Cơ hội mới - Tương lai" ngày 13/4, ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc Công ty CoAsia SEMI Vietnam chia sẻ mức lương của kỹ sư thiết kế chip bán dẫn tại Mỹ là 100.000-300.000 USD/năm. Còn ở Việt Nam, mức lương rơi vào khoảng 10.000-100.000 USD/năm tùy theo kinh nghiệm. Sinh viên mới ra trường thường đã có mức lương khởi điểm khoảng 10.000 USD/năm, chưa kể thưởng”, ông Yên nói.
Ông Yên cũng cho biết mức lương nhân sự ở Việt Nam thấp hơn ở Mỹ, kết hợp với các nền tảng tốt khác, nhiều doanh nghiệp trên thế giới có nhu cầu tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội cho các bạn trẻ có mong muốn theo đuổi ngành nghề mới mẻ này.
Ông Yên nêu, hiện nhân sự ngành công nghiệp bán dẫn này đang thiếu hụt trên toàn thế giới. Do đó, nếu Việt Nam đào tạo được nguồn nhân lực tốt thì sẽ tạo thành "mỏ neo" giữ các công ty đầu tư ở lại Việt Nam.
Dù vậy, theo doanh nghiệp này, thách thức của ngành này là yêu cầu sự kiên trì, bền vì, bởi phải sau khoảng 10 năm gian khổ mới có thể hái được quả ngọt. Ông dẫn chứng từ chính mình rằng nếu không gian khổ nhiều năm thì ông cũng không có ngày hôm nay.
Ông Lê Thành Nam - Giám đốc Cty VIETA Solutions Việt Nam (thuộc ETA Semiconductor) chia sẻ thêm, ở doanh nghiệp ông, lương của kỹ sư thiết kế chip năm kinh nghiệm khoảng 1.000 USD/tháng.
“Việc ngày càng nhiều cơ sở đào tạo về lĩnh vực công nghiệp bán dẫn góp phần mở ra cơ hội bổ sung thêm nguồn lực lao động cho các công ty thiết kế chip Việt Nam”, ông Nam nêu.
Ông Lê Hải Anh - Giám đốc Dolphin Technology Vietnam Center nêu quan điểm, các tập đoàn bán dẫn nước ngoài sẽ nhìn vào chi phí và cơ hội khi quyết định có đầu tư vào Việt Nam hay không.
“Việt Nam có lợi thế là có lượng lớn kỹ sư đang làm trong mảng thiết kế chip tại Mỹ, Hàn Quốc, Singapore. Điều này sẽ góp phần tác động đến việc mở văn phòng của các tập đoàn này tại Việt Nam", ông Lê Hải Anh chia sẻ.
Câu chuyện ngành bán dẫn tương tự ngành phần mềm trước đây
Ông Võ Xuân Hoài - Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đánh giá mức lương kỹ sư ngành chip bán dẫn tại Việt Nam thấp hơn ở mỹ cũng khiến các tập đoàn bán dẫn nước ngoài tìm đến Việt Nam thuê nhân sự, đặt nhà máy, văn phòng đại diện.
Ông Hoài cho biết, Việt Nam có mối quan hệ tốt với những nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới hiện nay. Đã có những doanh nghiệp bán dẫn thông qua NIC đề tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đơn cử, Đài Loan đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng bán dẫn và đây cũng là cơ hội cho Việt Nam với vị trí địa lý thuận lợi cũng như trí tuệ người Việt. "Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn. Trước đây chúng ta muốn phát triển ngành này nhưng chưa có cơ hội", ông Hoài nêu.
Theo ông Hoài, ngành bán dẫn nếu muốn phát triển cần số tiền đầu tư rất lớn, đây cũng là thách thức không nhỏ của Việt Nam. Chưa kể, ngành bán dẫn cũng đòi hỏi những chính sách chưa từng có tiền lệ, nên đây là giai đoạn Việt Nam cần tích cực chuẩn bị nguồn lực con người, hạ tầng để tham gia vào lĩnh vực này.
Ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cho biết câu chuyện về ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay cũng tương tự như câu chuyện ngành phần mềm trước đây.
“Nhiều người cho là hoang tưởng, điên rồ, nhưng tôi rất tin tưởng vào tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực mới tiềm năng này”, ông Tiến nói và khẳng định: “Các bạn trẻ hiện nay không cần chờ tới 25 năm như thế hệ của ông để có thể đạt doanh thu 1 tỷ USD, mà chỉ cần 5 năm nữa Việt Nam sẽ là nơi cần đến, phải đến của công nghiệp bán dẫn thế giới".
Ông Hoàng Nam Tiến cho biết, mới đây ông có chuyến thăm huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn và rất bất ngờ trước sự lan toả của công nghệ tại đây. Tỉnh Lạng Sơn tổ chức cuộc thi robot thì có tới 27 đội thi đấu. Các trường cấp 2, cấp 3 đều có giáo viện dạy về robot.
"Tại đây, tỉnh Lạng Sơn tổ chức cuộc thi về robot thì có tới 27 đội tham gia thi đấu. Tất cả trường từ cấp 2, cấp 3 tại tỉnh Lạng Sơn đều có giáo viên dạy về robot. STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) được giảng dạy ở hầu hết các trường. Điều này cho thấy tiềm năng cũng như nền tảng công nghệ của nước ta rất lớn", ông Tiến nêu.
Theo ông Tiến, Việt Nam có những nền tảng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, chưa kể Chính phủ, các doanh nghiệp cũng có những động thái mạnh mẽ phát triển lĩnh vực này. Thêm nữa, con người Việt Nam có tính kiên trì cũng như khả năng tự học rất nhanh. Do đó, chỉ khoảng 14-16 tháng đào tạo, nhân sự có thể bắt đầu làm việc trong ngành thiết kế chip bán dẫn./.
- Lĩnh vực bán dẫn là hạt nhân quan trọng tới quá trình phát triển công nghệ hiện đại
- Tập trung đào tạo nhân lực ngành trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, chuyển đổi năng lượng
- Hà Nội định hướng thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn