ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ hai, 16h58 11/11/2024

Tạo khung pháp lý phù hợp để doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

(KDPT) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng việc thúc đẩy năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là cần thiết.

Năng lượng tái tạo, năng lượng xanh cần khung pháp lý phù hợp

Thảo luận về Luật Điện lực sửa đổi mới đây, các đại biểu khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực, do Luật hiện hành thiếu nhiều nội dung đã và đang phát sinh trong thực tiễn, nên cần phải có căn cứ pháp lý cụ thể quy định, hướng dẫn để triển khai thực hiện, phù hợp với xu hướng phát triển chung.

Sửa đổi Luật Điện lực cần phải đồng thời đáp ứng cả 2 mục tiêu, vừa đạt mục tiêu trước mắt bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, vừa đạt mục tiêu lâu dài thực hiện đầy đủ cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng việc thúc đẩy năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là cần thiết...

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, đoàn Trà Vinh, nhu cầu cấp thiết cần phải khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên sẵn có, nhất là các dự án điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới để đạt đồng thời 2 mục tiêu trên.

Hiện nay nguồn lực ngoài nhà nước đã và đang đầu tư vào lĩnh vực này rất nhiều, nếu thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, sẽ làm lãng phí lớn nguồn lực xã hội như nhiều trường hợp dự án điện gió, điện mặt trời hiện nay đã hoàn thành nhưng không thể hoà lưới thương mại…

Cần tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho năng lượng điện gió, điện mặt trời. (Ảnh minh họa)
Cần tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho năng lượng điện gió, điện mặt trời. (Ảnh minh họa)

Về khái niệm “Nhà máy điện gió gần bờ” và khái niệm “Nhà máy điện gió ngoài khơi” nêu tại Khoản 5 Điều 31 và Khoản 1 Điều 39 Dự thảo Luật, đại biểu cho rằng cả 2 khái niệm này là chưa rõ, chưa thống nhất, khó xác định và sẽ dẫn đến khó thực hiện.

Tại Điều 27 Dự thảo Luật, về Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đầu tư công. Đại biểu đề nghị cần bổ sung vào khoản 4 điều này với nội dung “loại hình điện gió trên biển” gồm cả “điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi”.

Đại biểu lý giải, ngoài loại hình điện khí, điện gió trên bờ và năng lượng mới được quy định trong dự thảo luật, thì hiện nay có nhiều nhà đầu tư điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi đang rất cần sự an toàn vốn khi bỏ ra một số tiền rất lớn để đầu tư.

“Nếu được bổ sung nội dung này, sẽ thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi tham gia phát triển điện lực trong nước, góp phần lớn vào việc vừa đạt mục tiêu vừa bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhưng cũng vừa thực hiện đúng cam kết quốc tế của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, đại biểu Tuấn nói.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và chuyển giao công nghệ

Bên cạnh đó, dự thảo luật cần có quy định chính sách ưu đãi thu hút đầu tư FDI và chuyển giao công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm trong sản xuất thiết bị điện gió đến Việt Nam đầu tư và chuyển giao công nghệ cho các đối tác trong nước. Điều này giúp nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế…

Ngoài ra, còn rất nhiều nội dung khác cần quan tâm, như các dự án điện gió ngoài khơi cần phải được điều chỉnh tại các điều khoản của Luật đầu tư và các dự án luật khác… để có đủ cơ sở pháp lý triển khai thực hiện đầu tư các dự án trên biển….

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn Bình Thuận đề nghị bổ sung thêm loại hình “điện gió ngoài khơi” trong các loại hình điện để làm cơ sở cho triển khai thực hiện trên thực tế. Bởi lẽ Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi và hiện nay có nhiều nhà đầu tư đang xin chủ trương đầu tư loại hình này nhưng chưa được quy định trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần có điều khoản nhằm hạn chế các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi chuyển nhượng dự án cho các đối tác khác bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, cần bổ sung quy định liên quan đến điện gió gần bờ và điện gió trên bờ để bảo đảm minh bạch, rõ ràng và thống nhất trong việc quản lý điện gió.

Lĩnh vực hoạt động phát điện cần được thể hiện rõ vai trò

Các đại biểu đề nghị làm rõ hơn trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện. Các hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị phát điện, đơn vị truyền tải điện và đơn vị phân phối điện có ảnh hưởng đến trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động điện lực, sử dụng điện hoặc có các hoạt động khác liên quan đến hoạt động điện lực tại Việt Nam và được nhắc nhiều lần trong dự thảo Luật Điện lực. Tuy nhiên, tại Điều 4 của dự thảo chưa có nội dung giải thích về các cụm từ liên quan đến các hoạt động này.

Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung giải thích các cụm từ “hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện” hoặc giải thích các cụm từ “đơn vị phát điện, đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện” và các cụm từ “Lưới điện phân phối, Lưới điện truyền tải” vào nội dung tại Điều 4 của Dự thảo Luật điện lực (sửa đổi) để làm rõ hơn trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực này.

Đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung quy định về quản lý quy hoạch, phát triển trạm sạc xe điện, an toàn trang thiết bị điện tại các trạm sạc xe điện, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với loại hình trạm sạc xe điện đang ngày càng phát triển hiện nay./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/11/2024