"Thị trường carbon là cơ chế nội lực, Nhà nước là định hướng và doanh nghiệp là lực lượng tiên phong trong triển khai"
Theo TS. Vũ Giao Long - Chủ tịch Công ty Cổ phần Quốc tế LDN, sự phát triển của thị trường carbon không chỉ đòi hỏi vai trò định hướng từ phía Nhà nước, mà còn là sự tham gia chủ động của cộng đồng doanh nghiệp - những người trực tiếp thực hiện các chiến lược giảm phát thải và thúc đẩy phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp là lực lượng đi đầu trong triển khai các giải pháp thực tế
TS. Vũ Giao Long khẳng định, nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ trong nội lực từ doanh nghiệp và định hướng rõ ràng từ Nhà nước, thị trường carbon sẽ khó phát triển thành một cơ chế mang tính thực tiễn cao.
"Đây là cơ chế nằm trong chính chúng ta, là bài toán cần được giải từ nội lực phát triển của các doanh nghiệp", ông nhấn mạnh, đề cao vai trò tiên phong của khối tư nhân trong việc đẩy mạnh kinh tế xanh.
Với cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang đối mặt với áp lực lớn, đặc biệt từ các ngành công nghiệp. Các quốc gia như Singapore và Indonesia đã có những bước tiến quan trọng, thiết lập thị trường carbon mạnh mẽ như sàn Climate Impact X của Singapore. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp dễ tiếp cận tín chỉ carbon mà còn thúc đẩy cam kết giảm phát thải.
Tại hội thảo, TS. Vũ Giao Long bày tỏ lòng vinh dự khi tham gia đóng góp ý kiến: "Rất là vinh dự được từ Mỹ về dự thảo này. Tôi là người làm trong lĩnh vực doanh nghiệp thành phố xanh. Tài chính, biến đổi khí hậu và những vấn đề liên quan đến carbon, trong đó có tín dụng carbon, đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn cho chúng ta. Chúng ta có cơ hội, nhưng cũng có những thách thức không nhỏ".
"Tại sao nói trong 'nguy' chúng ta có 'cơ', vì chúng ta đi sau nhưng đó cũng là cơ hội nằm trong tay chúng ta. Để biến cơ hội đó thành hiện thực, cần có sự cam kết mạnh mẽ từ các cấp độ: Chính phủ, các nhà tạo lập chính sách và doanh nghiệp", TS. Vũ Giao Long chia sẻ.
Ông Long nhấn mạnh rằng, vai trò của Nhà nước là thiết lập nền tảng và định hướng cho thị trường, nhưng để thành công, chính các doanh nghiệp phải là lực lượng tiên phong trong triển khai các giải pháp thực tế.
Trong quá trình chia sẻ, TS. Vũ Giao Long cũng nhắc đến những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải trong việc tiếp cận tín chỉ carbon và các cơ chế tài chính xanh. Tuy nhiên, ông cho rằng: "Chúng ta hoàn toàn có thể tự xây dựng một sân chơi đàng hoàng cho chính mình, dựa trên nền tảng mà chúng ta tạo ra, với sự tự hào về bản sắc và trí tuệ Việt Nam".
TS. Vũ Giao Long khẳng định rằng doanh nghiệp Việt cần chủ động và sẵn sàng tạo ra những gian hàng giới thiệu về carbon ngay trên sân nhà, mời gọi đối tác quốc tế tham gia và trao đổi một cách công bằng.
Thách thức và triển vọng của thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam
TS. Vũ Giao Long cho biết, Việt Nam sở hữu tiềm năng tín chỉ carbon dồi dào nhờ hệ sinh thái rừng ngập mặn và cỏ biển, nhưng quy định pháp lý còn thiếu đồng bộ khiến giao dịch carbon gặp nhiều trở ngại. Các doanh nghiệp khó tiếp cận tín chỉ carbon minh bạch và thiếu các cơ chế giám sát hiệu quả.
Ông Long cũng chỉ ra rằng, tài chính xanh đã khởi động tại Việt Nam nhưng chưa thực sự đến gần với doanh nghiệp. Thị trường trái phiếu xanh và tín dụng xanh vẫn nhỏ lẻ, thiếu sức hút để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án bền vững.
Với kinh nghiệm làm việc tại nhiều quốc gia và đặc biệt là tại các trung tâm tài chính lớn như Mỹ, Châu Âu và Singapore, TS. Vũ Giao Long tin rằng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể hội nhập quốc tế, tận dụng những bài học từ các thị trường carbon phát triển. Ông chia sẻ rằng Singapore đã thiết lập một sàn giao dịch carbon vững mạnh và Việt Nam có thể học hỏi để xây dựng mô hình tương tự, nhưng vẫn giữ vững bản sắc riêng của mình.
"Với những người như chúng tôi, những người có thể làm cầu nối toàn cầu, chúng tôi sẵn sàng dâng hiến sức lực để góp phần xây dựng một thị trường carbon bền vững cho Việt Nam", vị chuyên gia bày tỏ.
TS. Vũ Giao Long cho rằng để phát triển thị trường tín chỉ carbon thành công, Nhà nước cần khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp bằng các chính sách ưu đãi thuế, tín dụng xanh và quỹ đầu tư xanh. Ông cho rằng, nếu các doanh nghiệp quyết tâm và nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng thị trường carbon một cách độc lập và bền vững.
Nhà nước cần định hướng, nhưng chính sự tham gia chủ động của doanh nghiệp mới là chìa khóa để biến thị trường này thành động lực thực sự, tạo ra một môi trường kinh tế xanh đầy tiềm năng cho Việt Nam./.
- TS. Nguyễn Phương Nam: Việt Nam có tiềm năng lớn trong thị trường tín chỉ carbon
- TS. Nguyễn Tú Anh: Cần khung tiêu chuẩn phù hợp cho các doanh nghiệp tham gia thị trường tín chỉ carbon