Hướng đến không gian đổi mới sáng tạo

Tại Phiên họp cấp cao về kinh tế số, phát triển xanh mới đây diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Trên tinh thần đó, Việt Nam xác định không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là nhân lực số, công nghệ số và dữ liệu số. Với tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam đang hướng tới gia tăng tỷ lệ đóng góp của kinh tế số lên mức hơn 15% GDP trong năm 2023; vào năm 2025 là 20% GDP và năm 2030 là 30% GDP như mục tiêu đã đề ra.

Tạo nền móng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số
Việt Nam xác định không gian mới là kinh tế số. Ảnh minh họa

Hiện nay, công nghệ số đang giúp doanh nghiệp tối ưu hoá quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; vượt qua những giới hạn cả về khoảng cách thời gian và khoảng cách địa lý để tìm kiếm, mở rộng thị trường; đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Phát triển kinh tế số là hành trình dài và hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết: "Chỉ có ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ họ tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh mới; là chìa khoá để cộng đồng kinh doanh nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ kinh tế số. Chỉ khi năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp được cải thiện và nâng cao thì mới tạo nền tảng cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế số độc lập và tự chủ".

Nhiều doanh nghiệp nỗ lực chuyển mình

Trong một thời gian ngắn, rất nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ số trong quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, phê duyệt nội bộ... Trong lĩnh vực quản trị nội bộ, điện toán đám mây là công cụ kỹ thuật được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng với 60,6% tăng 19,5% so với thời điểm trước đại dịch.

Kết quả báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy có 98% doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số, trong đó lớn nhất là khả năng giúp giảm chi phí (chiếm hơn 71%), giúp doanh nghiệp hạn chế giấy tờ (chiếm 61,4%), nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (chiếm 45,3%).

Nhận thức được tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp, Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Hồng Hà đã tích cực số hóa dữ liệu và tiếp cận dần với chuyển đổi số.

Song song với đổi mới công nghệ sản xuất, công ty này đã áp dụng nhiều phần mềm phục vụ cho công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, đặt hàng với nhà cung cấp viết riêng phần mềm kế toán và bán hàng liên thông phù hợp với hoạt động SXKD của Công ty.

Không nằm ngoài xu thế đổi mới, Công ty CP Gốm sứ CTH (Phú Thọ) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch ốp lát cao cấp, vật liệu xây dựng cũng đã có những bước chuyển mình đầy mạnh mẽ. Nhận thức rõ việc chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu đối với sự phát triển bền vững, Công ty đang triển khai thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản trị Doanh nghiệp với việc xây dựng hệ thống ERP (Hoạch định nguồn lực của Doanh nghiệp).

Từ quy trình quản lý chất lượng sản phẩm cho đến giải quyết các chế độ cho người lao động được công ty số hóa để phân tích làm cơ sở đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời. Đặc biệt, dữ liệu được kiểm soát từ nguồn, các bước nghiệp vụ được thực hiện gần như tự động, do đó tiết kiệm rất nhiều về thời gian, chi phí. Sản phẩm của công ty đang sang thị trường một số quốc gia, bởi vậy thực hiện chuyển đổi số đã tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc đặt hàng, vận chuyển, phản hồi thông tin...

Tạo nền móng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số
Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực đổi mới tư duy, bắt nhịp chuyển đổi số nâng cao chất lượng kinh doanh

Đại diện của công ty cho biết, từ quy trình quản lý chất lượng sản phẩm cho đến giải quyết các chế độ cho người lao động được công ty số hóa để phân tích làm cơ sở đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời. Chuyển đổi số cũng tạo ra nhiều giá trị cho khách hàng khi giúp họ tiết kiệm thời gian cho việc đặt hàng, vận chuyển, phản hồi thông tin, truyền thông chính sách, chương trình bán hàng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe đối với khách hàng quốc tế vì họ rất quan tâm sự chuyên nghiệp, minh bạch của hệ thống quản trị và chế độ chính sách đối với người lao động cũng như định hướng phát triển của công ty.

Hiện nay, các doanh nghiệp đã từng bước số hóa các dữ liệu của doanh nghiệp, thực hiện thuế điện tử, hải quan điện tử, ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý sản xuất, quản trị tổng thể doanh nghiệp; kết nối thiết bị theo công nghệ IoT để quản lý tự động hóa dây chuyền sản xuất, thay đổi toàn diện tư duy, cách thức làm việc, mô hình hoạt động từ truyền thống sang hiện đại đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong thời đại số.

Còn nhiều thách thức cần khắc phục

Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, thời gian gần đây, xu hướng chuyển đổi phương thức sản xuất, từ thủ công - bán tự động sang phương thức sản xuất thông minh đã được các doanh nghiệp, chủ đầu tư hết sức quan tâm. Quá trình này cũng được ghi nhận là việc doanh nghiệp hướng tới thông minh hóa trong quy trình sản xuất kinh doanh và quản lý, quản trị bộ máy doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá rằng, tính tới thời điểm này, đa số doanh nghiệp chưa thực sự bắt tay vào chuyển đổi số. Trong khi có một số doanh nghiệp đạt được hiệu quả khi ứng dụng công nghệ số thì thấy hài lòng, nhưng nhiều doanh nghiệp không thấy hiệu quả thì ngừng lại. Báo cáo thường niên về chuyển đổi số của Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết cho thấy, 50% doanh nghiệp trong nước đã ngừng áp dụng chuyển đổi số. Không ít doanh nghiệp nhầm lẫn giữa “tự động hóa” với “thông minh hóa”.

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế ghi nhận: Cả nước hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó, có 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ với trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu; khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới.

Mặc dù đã có những nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số, tuy nhiên do các doanh nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế về năng lực sản xuất, tài chính, khoa học công nghệ nên việc thực hiện chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn. Để quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp đạt được những kết quả khả quan trong thời gian tới thì cần có sự chung tay của Nhà nước và bản thân các doanh nghiệp.

Về phía Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện, rà soát và tiếp tục sửa đổi các hành lang pháp lý, các chương trình hành động cụ thể để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số. Tăng cường sự phối hợp đồng nhất giữa các bộ, cơ quan ban ngành Nhà nước trong việc thực hiện các chiến lược quốc gia về Kinh tế số. Quan trọng hơn cả là sự đồng hành của cơ quan chức năng với doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, đặt biệt trong liên kết chuỗi giá trị.

Về phía doanh nghiệp cần xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu của nền kinh tế số trong thời đại bùng nổ công nghệ, nó mang lại lợi ích to lớn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo phải có nhận thức kịp thời và sớm xác định hoạt động chuyển đổi số là mục tiêu cần thực hiện và thực hiện thành công trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh biến động lớn về thị trường, khí hậu và khả năng thích ứng của mỗi doanh nghiệp.

Ngoài ra, để thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp cần có nguồn nhân lực chất lượng cao có thể làm chủ được những công nghệ mới phục vụ cho quá trình triển khai chuyển đổi số. Vì vậy, doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực của mình, trước hết là giải pháp để nâng cao nguồn nhân lực hiện có, nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên chủ chốt thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ.

Quan trọng nhất, chuyển đổi số là một quá trình đòi hỏi nguồn đầu tư lớn không chỉ cho cơ sở hạ tầng và giải pháp công nghệ mà còn đầu tư để thay đổi nhận thức, chiến lược, nhân sự, quy trình sản xuất kinh doanh...Với việc phải đầu tư lớn về tài chính trong khi chưa chắc chắn về hiệu quả,vì vậy, doanh nghiệp cần có chiến lược, giải pháp cụ thể trong việc đầu tư tài chính cho quá trình chuyển đổi số.