Tập đoàn Hưng Thịnh đề xuất nới room cho các ngân hàng tham gia tái cơ cấu thị trường BĐS
Tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 21,86% sau 9 tháng |
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, thời gian qua, Tập đoàn đã tái cơ cấu mạnh mẽ và quyết tâm khôi phục sản xuất kinh doanh.
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) sau khi tìm hiểu kỹ những dự án của Tập đoàn đã quyết định cấp hạn mức cho vay 5.000 tỷ đồng.
"Gói tín dụng của LPBank giúp tháo gỡ nút thắt về vốn cho các doanh nghiệp trong Tập đoàn Hưng Thịnh và hàng trăm nhà thầu tại các dự án đang dang dở. Đây cũng là nỗ lực của LPBank trong việc tuân thủ và thực hiện đúng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc tiếp tục thúc đẩy cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản", ông Nguyễn Văn Cường nói.
Ông Cường cho biết, Tập đoàn đã lên kế hoạch đưa dòng tiền này vào trực tiếp các dự án, triển khai xây dựng và sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng chục ngàn công ăn việc làm, tạo ra các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thực của người ở thực với giá cả phù hợp, vừa túi tiền. Nhiều ngành nghề phụ trợ cũng đang chờ dòng tiền này để tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Đến nay, hai bên đã tích cực triển khai, Tập đoàn Hưng Thịnh đã được phê duyệt chi tiết khoảng 2.000 tỷ đồng, tuy nhiên phía LPBank bị hết room cho vay bất động sản nên sẽ gặp khó trong việc triển khai tiếp theo.
"Do vậy đề xuất thứ nhất của chúng tôi là, Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách nới room tín dụng cho những ngân hàng tham gia tái cơ cấu thị trường bất động sản, thực hiện tốt chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước", đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh kiến nghị.
Tập đoàn Hưng Thịnh đề xuất nới room cho các ngân hàng tham gia tái cơ cấu thị trường bất động sản. (Ảnh minh hoạ: HT) |
Đề xuất thứ hai là, trong điều kiện pháp lý các dự án bất động sản đang triển khai kéo dài như thời gian qua, đề nghị các ngân hàng tối giản hóa các điều kiện cho vay các dự án bất động sản; đồng thời kéo dài thời gian cho vay hơn so với bình thường để doanh nghiệp có thêm thời gian xoay sở trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Theo ông Cường, các nhà thầu, các nhà cung cấp nguyên vật liệu của các dự án hầu như chỉ được ngân hàng cấp tín dụng ngắn hạn dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp cùng khó khăn khi chủ đầu tư gặp khó khăn và gây áp lực thanh toán lên chủ đầu tư.
Bởi vậy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh mong muốn Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng có thêm cơ chế kéo dài thêm thời gian vay vốn đối với các nhà thầu thi công, các nhà cung cấp nguyên vật liệu cho dự án bất động sản lên khoảng 18 - 24 tháng thay vì chỉ 6 - 12 tháng như hiện nay. Các ngân hàng sẽ cùng giám sát chặt chẽ dòng tiền để thu hồi nợ trước hạn khi doanh nghiệp có dòng tiền về sớm, đảm bảo an toàn dòng vốn cho vay.
"Chúng tôi tin rằng khi dòng vốn đi trực tiếp vào sản xuất kinh doanh sẽ góp phần khôi phục lại và thúc đẩy hoạt động của thị trường bất động sản, giải quyết công ăn việc làm và tạo ra sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định", ông Nguyễn Văn Cường kết luận./.
Tín dụng cho lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng tới 30/9/2023 đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với đầu năm. Trong đó, tín dụng tập trung vào mục đích tiêu dùng sử dụng chiếm 64%, dư nợ với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 36%. Theo tỷ trọng này, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản đạt khoảng 986.400 tỷ đồng. So với năm 2022, cả tỷ trọng và tăng trưởng của phân khúc này đều tăng mạnh. Năm trước, tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản - khoản cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án - chiếm 31% tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, với quy mô đến cuối năm 2022 khoảng 800.000 tỷ đồng. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản tăng khoảng 22%. Ngân hàng Nhà nước đánh giá, tín dụng kinh doanh bất động sản trong 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. "Điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành ngân hàng và các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn đã dần phát huy hiệu quả", Ngân hàng Nhà nước cho biết. |