Tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 21,86% sau 9 tháng
Hơn 41.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong 2 tháng cuối năm |
Hội nghị tín dụng đối với bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội do Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đồng chủ trì.
Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp; các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; các ngân hàng thương mại; các hiệp hội bất động sản (BĐS) và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS.
Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. (Ảnh: SBV) |
Hội nghị nhằm triển khai Công điện số 993/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, rà soát đánh giá cụ thể tình hình thị trường BĐS và tín dụng BĐS, trao đổi thống nhất các biện pháp tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dự án BĐS và khó khăn, vướng mắc của các NHTM trong hoạt động tín dụng BĐS.
Theo thông tin từ hội nghị, từ đầu năm 2023, ngành ngân hàng đã thực hiện các giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng. Có thể kể đến như: Đảm bảo thanh khoản và mở rộng hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm; giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành của NHNN; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02/2023/TT-NHNN; tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu (Thông tư số 03/2023/TT-NHNN);
Đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng tiêu dùng, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, các hội nghị tín dụng chuyên đề (lĩnh vực BĐS, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông sản xuất khẩu chủ lực…), các hội nghị tín dụng vùng nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng...
Kết quả là đến ngày 31/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022.
Đối với lĩnh vực BĐS, NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời, kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững.
Đến ngày 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Trong đó tín dụng BĐS tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh BĐS lại có sự tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước.
Tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 21,86% sau 9 tháng. (Ảnh minh hoạ: HT) |
Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh BĐS lại có sự tăng trưởng rất cao (tăng 21,86%), cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước, điều này có thể cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS đang dần phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai cho vay theo các chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhà ở. Cụ thể, với việc cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02, tính đến thời điểm kết thúc giải ngân tái cấp vốn, doanh số giải ngân của chương trình là 29.679 tỷ đồng cho hơn 53.000 cá nhân, hộ gia đình. Đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay của chương trình là 6.276 tỷ đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội cũng triển khai 5 chương trình cho vay liên quan tới BĐS với tổng dư nợ 27.005 tỷ đồng, chiếm 8,71% trên tổng dư nợ các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với trên 240.000 khách hàng đang vay vốn.
Về chương trình 120.000 tỷ đồng thì đến nay, trên cơ sở danh mục dự án đủ điều kiện tham gia chương trình của 22 UBND tỉnh, thành phố, BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ cho 3 dự án với số tiền giải ngân đến nay là 105 tỷ đồng.
Theo đánh giá từ NHNN và Bộ Xây dựng, hiện nay, thị trường BĐS vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó có nhiều vướng mắc đã kéo dài như vướng mắc về hệ thống thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng; sự mất cân đối cung cầu tại các phân khúc, dư thừa nhà ở cao cấp, biệt thự trong khi nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế;
Nhu cầu của thị trường tại một số phân khúc đang có sự sụt giảm mạnh; năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà; các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế; mặt bằng giá nhà ở cao so với khả năng tài chính và mức thu nhập của nhiều người dân.../.