ISSN-2815-5823
Khánh Quỳnh
Thứ tư, 11h46 31/07/2024

Tập trung tháo gỡ "nút thắt" về cơ chế quản lý mặt hàng xăng dầu

(KDPT) - Trong buổi tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả" diễn ra vào ngày 30/7 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các chuyên gia nhấn mạnh rằng để thị trường xăng dầu phát triển bền vững, cần làm rõ vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp trong nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.
Các đại biểu tham gia cuộc tọa đàm
Các đại biểu tham gia cuộc tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả". (Nguồn: VGP)

Thị trường cạnh tranh là yếu tố bao trùm

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính nêu rõ rằng giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay biến động chủ yếu do giá xăng dầu thế giới. 

Xét về các yếu tố cấu thành giá, ông Bình cho biết giá thành xăng dầu hiện nay chiếm khoảng 65-77% là giá xăng dầu quốc tế, 12-29% là chi phí và thuế, 7,5-11% là chi phí kinh doanh định mức (được xác định trên cơ sở các báo cáo kiểm toán của những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và báo cáo thống kê chi phí thực tế tại các doanh nghiệp) cùng một số yếu tố khác như lợi nhuận và quỹ. Điều này khẳng định rằng giá xăng dầu thế giới là yếu tố lớn nhất tác động đến giá xăng dầu trong nước.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá Phạm Văn Bình đánh giá, trong giai đoạn vừa qua, dù vẫn còn một số điểm trong công tác quản lý cần được nghiên cứu để hoàn thiện, nhưng nhìn chung việc điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là điều hành giá đã được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của nghị định và các văn bản pháp luật hiện hành, đồng thời bám sát biến động của giá thế giới.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng nhận xét, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc điều hành và bình ổn giá xăng dầu bằng 3 công cụ chính. Thứ nhất là quản lý thông qua giá cơ sở, yêu cầu các nhà cung cấp bán theo giá Nhà nước ấn định với chu kỳ điều chỉnh 7 ngày. Thứ hai là điều chỉnh thuế, chẳng hạn khi giá thế giới tăng cao thì một số loại thuế được giảm. Thứ ba là việc trích lập quỹ bình ổn giá, giúp duy trì sự ổn định thị trường.

Chiến lược điều hành hiện tại đã đạt được những kết quả khả quan, giúp làm giảm các biến động giá cả từ thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, một nhược điểm nổi bật là giá nội địa không thể điều chỉnh linh hoạt theo biến động giá thế giới. Sự đồng đều trong giá cả áp dụng khiến các doanh nghiệp không phải cạnh tranh về giá, điều này có thể làm ảnh hưởng đến lợi nhuận. Các công cụ như thuế và Quỹ bình ổn chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách hoặc nguồn lực xã hội để duy trì sự ổn định giá, chứ chưa thực sự khai thác các công cụ của thị trường.

Từ những phân tích trên, GS.TS Hoàng Văn Cường khuyến nghị rằng, cần phải điều chỉnh chính sách quản lý trong thời gian tới, tập trung vào một số vấn đề quan trọng.

Đầu tiên, cần thay đổi cơ chế quản lý từ phương pháp hành chính sang việc sử dụng công cụ thị trường để điều tiết. Do nguồn xăng dầu trong nước chiếm khoảng 70% thị phần, việc chuyển sang công cụ thị trường là khả thi và không quá phụ thuộc vào nguồn cung quốc tế. "Để thị trường cạnh tranh là yếu tố bao trùm", Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, cần phải điều chỉnh chính sách quản lý xăng dầu trong thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, cần phải điều chỉnh chính sách quản lý xăng dầu trong thời gian tới.

Khi dựa vào công cụ thị trường như vậy, doanh nghiệp cũng phải được tự xác định giá để có tính cạnh tranh. Nhà nước không can thiệp nhưng Nhà nước có công cụ để điều tiết. Công cụ chủ yếu của Nhà nước ở đây sẽ là chính sách thuế như là thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Muốn có được công cụ thị trường để cạnh tranh thì chúng ta phải có thị trường cạnh tranh mà muốn có thị trường cạnh tranh thì việc mua bán để thị trường quyết định, trăm người bán, vạn người mua. Ông Hoàng Văn Cường cũng lưu ý rằng, không thể hoàn toàn thả nổi, mà cần kết hợp các công cụ quản lý nhà nước với các công cụ tài chính như công cụ phái sinh để duy trì sự ổn định giá cả trên thị trường.

Xác định cơ chế thuộc về thị trường để cho các doanh nghiệp quyết định

Từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - ông Bùi Ngọc Bảo cũng đồng tình với quan điểm đã đến lúc cần phải thay đổi cơ chế quản lý đối với mặt hàng nhạy cảm và quan trọng như xăng dầu. Ông Bảo cho rằng, Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức từ các cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trong những năm qua và nhận ra rằng có nhiều vấn đề cấp bách cần được cải cách.

Ông Bùi Ngọc Bảo phân tích xăng dầu là một mặt hàng liên kết chặt chẽ với thị trường quốc tế, với giá thế giới chiếm khoảng 70% trong cơ cấu giá nội địa. Giá xăng dầu không chỉ phụ thuộc vào cung cầu thuần túy mà còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố như chiến tranh, thiên tai và đầu cơ từ các tổ chức tài chính... Vì vậy, việc thoát ly hoàn toàn khỏi diễn biến thị trường thế giới là không khả thi.

Cũng theo ông Bảo, “nút thắt” trong tất cả các nghị định, văn bản quản lý thời gian qua cơ bản nhất vẫn là các cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá. “Chúng ta quy định kỹ quá, cơ quan quản lý đang làm thay doanh nghiệp”, ông Bảo nhận định.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng những gì thuộc về thị trường nên để doanh nghiệp quyết định (Nguồn: VGP)
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng những gì thuộc về thị trường nên để doanh nghiệp quyết định (Nguồn: VGP)

Để tập trung tháo gỡ "nút thắt" này, ông Bùi Ngọc Bảo đề xuất cần xác định rõ ràng các vấn đề mà Nhà nước cần quản lý và để cho doanh nghiệp tự quyết định những vấn đề thuộc về thị trường.

Về phía quản lý nhà nước, ông Bùi Ngọc Bảo nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo an ninh năng lượng và nguồn cung cho nền kinh tế. Đồng thời, cần duy trì sự ổn định giá chung và sử dụng công cụ tài khóa như thuế để xử lý các cú sốc từ thị trường toàn cầu, trong khi để thị trường tự vận hành và cạnh tranh. Một khi thị trường vận hành có cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ hưởng lợi về giá cả.

Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cập nhật quy định phù hợp với xu hướng toàn cầu, cho phép sử dụng các công cụ phái sinh không chỉ như một hình thức đầu tư tài chính mà còn như một phương pháp bảo hiểm giá xăng dầu. Trên thế giới hiện nay, các doanh nghiệp xăng dầu thường xuyên áp dụng nghiệp vụ phái sinh. Tuy nhiên ở Việt Nam việc này vẫn chưa được triển khai đồng bộ và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường khuyến nghị cần xây dựng các cơ sở pháp lý và các điều kiện khuôn khổ cho phép doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh nhằm bình ổn giá xăng dầu. "Có thị trường cạnh tranh bình đẳng để làm sao cho mọi người có thể tham gia giao dịch tốt”, đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine