Tập trung thực hiện sáng kiến Hải quan xanh, tăng cường kết nối nội khối ASEAN
Nỗ lực triển khai hiệu quả các sáng kiến, cam kết chung của ASEAN
Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 có sự tham gia của Lãnh đạo 10 cơ quan Hải quan nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và các đối tác của ASEAN.
Phát biểu tại phiên Khai mạc, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn khẳng định: “Muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Giờ là lúc Hải quan ASEAN cùng nỗ lực vì chặng đường mới với các mục tiêu xa hơn trong hội nhập và kết nối, góp phần tạo dựng một nền kinh tế tương lai toàn diện, bền vững và chuyển đổi số cho tương lai như đã nêu tại Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 11”.
Trên cương vị Chủ tịch Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33, ông Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh: “Hải quan Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy, giữ vai trò kết nối các nước thành viên để tiếp tục triển khai và hoàn thành các sáng kiến hợp tác quan trọng trong ASEAN, vì mục tiêu xây dựng một cộng đồng gắn kết, thể hiện vai trò, vị thế quan trọng của ASEAN đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực”.
Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN cùng nhau thảo luận các nội dung mang tính kế thừa, tiếp nối thành quả của Hội nghị lần thứ 32 tổ chức tại Thái Lan; đồng thời quyết định phương hướng hợp tác hải quan trong thời gian tới, đặc biệt là thông qua Kế hoạch Chiến lược Phát triển Hải quan (SPCD) giai đoạn 2026-2030 trong đó có các yếu tố mới như số hóa, tự động hóa hải quan, nền kinh tế tuần hoàn, trung hòa carbon, tính bền vững... trong chu kỳ mới của các SPCD.
Đặc biệt, Hội nghị cũng thống nhất về phương hướng tiếp tục triển khai Danh mục biểu thuế chung ASEAN, Cơ chế Một cửa ASEAN, Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN, Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Doanh nghiệp ưu tiên trong ASEAN và các chiến dịch, sáng kiến hợp tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại chung của ASEAN.
Cùng với đó là các chương trình hành động, kế hoạch, chiến lược phát triển Hải quan nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN về luân chuyển hàng hóa tự do trong nội khối ASEAN, thúc đẩy thương mại giữa ASEAN với các đối tác.
Hội nghị cũng cập nhật những tiến bộ gần đây trong hội nhập Hải quan ASEAN, bao gồm việc ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Doanh nghiệp ưu tiên phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn của Khung tiêu chuẩn SAFE của Tổ chức Hải quan Thế giới. Đồng thời khuyến khích tất cả các nước thành viên tăng cường nhận thức, sự tham gia của công chúng để thu hút nhiều hơn nữa doanh nghiệp sử dụng Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN và Chương trình Doanh nghiệp quá cảnh ưu tiên…
Tăng cường kết nối nội khối
Hội nghị ghi nhận việc hoàn thành kết quả Khảo sát Nghị quyết Luxor về Thương mại điện tử xuyên biên giới; đánh giá mức độ thực hiện các nguyên tắc được nêu trong Nghị quyết Luxor; xác định khoảng cách giữa các nước thành viên ASEAN trong lĩnh vực thương mại điện tử và xây dựng các khuyến nghị để thu hẹp khoảng cách. Bên cạnh đó, khuyến khích các nước thành viên ASEAN tiếp tục các hoạt động kiểm soát chung để đấu tranh với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trong khu vực.
Hội nghị đã thông qua “Hướng dẫn Quản lý Hiệu quả làm việc của Hải quan ASEAN” và “Hướng dẫn về Thông lệ tốt nhất trong Thực hiện Quản lý Tri thức”. Đây là nguồn tài liệu tham khảo cho Hải quan ASEAN áp dụng các nguyên tắc quản lý, thông lệ tốt nhất về làm việc hiệu quả, áp dụng các bài học nhằm cải thiện hiệu quả công tác của công chức hải quan ASEAN. Từ đó tìm kiếm giải pháp, tối ưu hóa nguồn lực trong quản lý tri thức. Hội nghị cũng công nhận những nỗ lực hỗ trợ đáng kể cho việc thực hiện Nghiên cứu về Cơ chế một cửa ASEAN thế hệ mới (ASW); hướng đến khuyến nghị về các chính sách, kỹ thuật, pháp lý cho phép ASW có khả năng tương tác với các hệ thống, nền tảng khác của khu vực tư nhân và có khả năng trao đổi dữ liệu Hải quan điện tử với các đối tác Đối thoại Hải quan.
Hội nghị cũng bàn thảo các nội dung hợp tác, cơ chế tham vấn với các đối tác đối thoại với các cơ quan Hải quan trong khu vực và khu vực tư nhân.
Theo đó, Hải quan ASEAN và các đối tác đối thoại sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ về những thông lệ tốt nhất cho công tác quản lý Hải quan và tạo thuận lợi thương mại. Đồng thời, tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực Hải quan, đặc biệt là các vấn đề mới nổi liên quan đến tính bền vững, Hải quan xanh, thương mại điện tử xuyên biên giới, Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Doanh nghiệp ưu tiên, đấu tranh chống thương mại bất hợp pháp, kiểm soát rác thải nhựa và sự luân chuyển các sản phẩm của nền kinh tế tuần hoàn...
Các phiên tham vấn với khu vực tư nhân cũng kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Hải quan ASEAN với khu vực tư nhân, tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp kinh doanh trong khu vực; tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại hợp pháp, tăng cường sự ổn định, bền vững của chuỗi cung ứng thương mại quốc tế và góp phần giải quyết tình trạng buôn bán bất hợp pháp trong khu vực.
Đặc biệt là việc ghi nhận các tiến triển trong đàm phán nâng cấp một số Hiệp định Thương mại tự do, bao gồm Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN và Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc. Qua đó, góp phần tạo nên giá trị gia tăng cho các sáng kiến Hải quan hiện nay trên cơ sở Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.
Hải quan Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, cùng Hải quan ASEAN đạt được các thành tựu về xây dựng Danh mục biểu thuế quan hài hòa ASEAN, Cơ chế một cửa ASEAN, Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN, Thỏa thuận công nhận lẫn nhau Doanh nghiệp ưu tiên ASEAN và triển khai các chiến dịch, sáng kiến hợp tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó nổi bật là Chiến dịch “Con rồng Mê Kông”. |
- Hải quan Việt Nam đẩy mạnh hợp tác, trao đổi thông tin nghiệp vụ
- Phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định hỗ trợ Hải quan Việt Nam – Hoa Kỳ