Techcombank hé lộ kế hoạch trả cổ tức sau 10 năm không chia, "không ngại" cho vay BĐS
Loạt điểm sáng của Techcombank trong năm 2023 |
Trả cổ tức bằng tiền mặt trong nhiều năm
Tại Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư và giới phân tích vừa diễn ra, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB), ông Jens Lottner cho biết: "Trong 10 năm qua, chúng tôi nhất quán với chính sách giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng kinh doanh. Nhưng thời điểm hiện tại, chúng tôi đang cân nhắc lại".
Techcombank dự kiến chia cổ tức với mức lợi tức 5% mỗi năm, ngang gửi tiết kiệm ngân hàng. |
Khẳng định Techcombank vẫn theo đuổi định hướng tái đầu tư đảm bảo động lực tăng trưởng, song ông Jens Lottner nói, việc giữ lại quá nhiều vốn một cách không cần thiết lại không có lợi.
"Chúng tôi cho rằng với mức đủ vốn hiện tại và khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng 20% hằng năm, việc trả cổ tức hằng năm trong thời gian tới là khả thi. Kế hoạch này chúng tôi sẽ xin ý kiến cổ đông cụ thể trong Đại hội cổ đông sắp tới", CEO Techcombank thông tin.
Ông Jens Lottner khẳng định, Ban lãnh đạo Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức bằng tiền mặt một cách bền vững và dài hạn chứ không chỉ là một vài năm. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng quyết định cuối cùng sẽ thuộc về Hội đồng Quản trị và Đại hội đồng cổ đông.
Chia sẻ thêm về kế hoạch này, ông Phùng Quang Hưng - Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp và Định chế Tài chính cho hay, Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt ít nhất 20% lợi nhuận sau thuế hằng năm. Ước tính, tỷ lệ trả cổ tức tương đương 15% so với mệnh giá hiện nay.
"Điều này có nghĩa nhà đầu tư mua cổ phiếu TCB ở thị giá hiện tại có thể được hưởng lợi tức khoảng 5% một năm, tương đương với mức lãi suất gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Điều này đảm bảo lợi ích và dòng tiền thường xuyên cho cổ đông, đặc biệt là cổ đông dài hạn", ông Hưng nói.
Trước đó, trong thông cáo báo chí gửi đi, Ban lãnh đạo Techcombank nhấn mạnh, trên cơ sở tăng trưởng kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận bền vững, ngân hàng tự tin đề xuất chính sách cổ tức toàn diện để trình Đại hội đồng Cổ đông vào tháng 4 sắp tới. Cụ thể, Techcombank dự kiến đề xuất mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/ tổng lợi nhuận - tương đương 4-5% vốn chủ của ngân hàng tại thời điểm đầu năm, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024.
Tiếp tục đẩy mạnh cho vay bất động sản
Cũng tại Hội nghị, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi về rủi ro với mảng cho vay bất động sản của Techcombank trong bối cảnh thị trường khó khăn.
Về vấn đề này ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ cho biết, tính đến hết năm 2023, mảng cho vay bất động sản của Techcombank chiếm khoảng 40% trên tổng danh mục, bao gồm cho vay các nhà phát triển bất động sản, cho vay doanh nghiệp xây dựng, sản xuất cung cấp vật liệu xây dựng, cho vay mua nhà.
"Techcombank có 1 mô hình quản trị rủi ro khác biệt gọi là mô hình chuỗi giá trị. Mô hình này sẽ giúp ngân hàng quản lý đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp, từ các đơn vị phát triển bất động sản tới nhóm phân phối sản phẩm bất động sản và nhóm khách hàng tiêu dùng cuối cùng", ông Tuấn nói và nhấn mạnh cách làm đồng bộ này tới nay đã chứng minh được hiệu quả quản lý từ đầu đến cuối dòng tiền và kiểm soát rủi ro.
Nguồn: Techcombank |
Đối với cho vay mua nhà cá nhân, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, mảng này hiện chiếm 70% trong danh mục cho vay khách hàng cá nhân. Theo ông, đây là một trong những định hướng phát triển tiếp tục được Techcombank đẩy mạnh trong thời gian tới.
Với định hướng của Chính phủ về đô thị hoá, nhu cầu mua nhà ở trên thị trường sẽ rất lớn. Người dân đều muốn sở hữu nhà và mong muốn có sự hỗ trợ của ngân hàng. Do đó, Techcombank vẫn hướng tới việc cho vay mua nhà để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, Ban lãnh đạo Techcombank cho hay.
Năm 2023, phân khúc cho vay mua nhà sơ cấp trực tiếp từ các nhà phát triển bất động sản của Techcombank bị ảnh hưởng nhưng ngược lại, phân khúc cho vay mua nhà thứ cấp (mua đi bán lại) lại tăng trưởng mạnh ở mức 40%.
Bà Lê Thanh Hằng - Cố vấn quan hệ nhà đầu tư Techcombank cho rằng, đối với cho vay bất động sản, ở phân khúc cho vay khách hàng cá nhân không tồn tại rủi ro liên quan đến ngành bất động sản.
Cụ thể, bà Hằng cho rằng, rủi ro mà ngân hàng sẽ gặp phải đến từ những khách hàng đang sử dụng nguồn thu nhập để trả cho khoản vay tín dụng. Những vị khách hàng này sẽ làm việc trong tất cả các ngành nghề trong nền kinh tế.
“Cho vay mua nhà về cơ bản sẽ gắn với rủi ro chung của nền kinh tế. Chúng tôi đánh giá với danh mục hiện tại cũng như kế hoạch phát triển kinh doanh trong thời gian tới, nhà đầu tư có thể an tâm rằng Techcombank không có rủi ro với riêng ngành bất động sản”, bà Lê Thanh Hằng thông tin.
Ngoài ra, trong năm 2024, Techcombank cho biết cũng sẽ mở rộng cho vay bất động sản khu công nghiệp, gia tăng thị phần cho vay ở một số địa bàn định sẵn lên gấp đôi. Đối tượng dự kiến là các nhà đầu tư bất động sản khu công nghiệp, các nhà thầu thi công xây dựng cho các dự án công nghiệp./.