Thách thức chống thất thu thuế từ livestream, thương mại điện tử
Thách thức chống thất thu thuế từ livestream
Livestream không chỉ là một hình thức giải trí mà còn là một cách để kinh doanh. Những nghệ sĩ, người mẫu, hoặc thậm chí các cá nhân bình thường có thể bán hàng hoặc nhận quà từ người xem.
Có thể nói, livestream bán hàng nói riêng và thương mại điện tử (TMĐT) nói chung ngày càng có vị trí cao hơn trong nền kinh tế. Hiện nay giá trị ngành TMĐT của Việt Nam là 20,5 tỷ USD và ước tính sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025.
Theo số liệu quản lý thuế, năm 2022 số thu từ các cá nhân, tổ chức hoạt động TMĐT là 83.000 tỷ đồng, năm 2023 số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng còn 5 tháng đầu năm 2024 số thuế đã nộp trên 50.000 tỷ đồng.
Như vậy, nếu có chính sách quản lý phù hợp, hoạt động livestream bán hàng nói riêng cũng như TMĐT nói chung sẽ góp phần mở rộng đối tượng thu thuế và sẽ là một nguồn thu lớn cho ngân sách.
Tuy nhiên, có thể thấy, thách thức đầu tiên đối với việc thu thuế là phải phân biệt rõ ràng giữa thu nhập thực tế và thu nhập được khai thác từ hoạt động livestream, bao gồm việc xử lý những món quà, tiền mặt, hay các loại tiền tệ ảo như đậu, kim cương trên các nền tảng livestream.
Việc xác định nguồn gốc thu nhập từ livestream là một thử thách pháp lý đặc biệt. Các livestreamer thường có thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau: Từ bán hàng, từ quảng cáo sản phẩm, hoặc từ sự tài trợ của các công ty. Mỗi nguồn thu nhập này có thể có mức độ chịu thuế và các quy định pháp lý khác nhau. Do đó, việc thu thuế phải dựa trên việc xác định rõ ràng và minh bạch nguồn gốc thu nhập.
Các chuyên gia cho rằng livestreamer, giống như bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào khác có thu nhập, đều phải quản lý hồ sơ thuế một cách chặt chẽ. Điều này bao gồm việc lập bảng kê thu nhập, hóa đơn bán hàng, và các tài liệu chứng từ liên quan. Tuy nhiên, trong trường hợp livestream, vấn đề phát sinh khi các thu nhập này thường xuyên không có sự ghi nhận rõ ràng, dẫn đến việc khó khăn trong việc đối phó với cơ quan thuế.
Ngoài các livestreamer cá nhân, các nền tảng livestream cũng phải đối mặt với những thách thức pháp lý đặc biệt. Việc xác định trách nhiệm thuế, báo cáo thuế và hợp tác với các cơ quan thuế là những vấn đề cấp bách mà các nền tảng này phải giải quyết để đảm bảo hoạt động hợp pháp và minh bạch.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật Sblaw cho rằng hiện nay, công tác quản lý thuế của hoạt động TMĐT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến số thuế thu được còn hạn chế. Trong đó, những cá nhân livestream bán hàng online qua các trang mạng xã hội được xem là đối tượng khó quản lý thuế nhất.
Nguyên nhân là do các đối tượng này thường không đăng ký kinh doanh, không có địa chỉ kinh doanh, cư trú rõ ràng, tên đăng ký trên các trang mạng xã hội khác với tên ngoài đời thực…
Ngoài ra, theo ông Hà, giá bán, số lượng sản phẩm thường được bên mua và bên bán liên hệ online với nhau, cơ quan thuế không thể xác định chính xác doanh thu; phương thức thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, trả tiền khi giao hàng, nhiều trường hợp không có hóa đơn nên không kiểm soát được doanh thu bán hàng để quản lý thu thuế.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, việc thu thập thông tin cũng rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp cố tình trì hoãn hoặc không phối hợp trong việc cung cấp các thông tin liên quan đến các khách hàng (viện dẫn nhiều lý do như bảo mật thông tin khách hàng, không thuộc trường hợp phải cung cấp thông tin...), hoặc cung cấp thông tin nhưng không đủ các nội dung cần thiết để thực hiện việc xác minh, đối chiếu về doanh thu cũng như địa chỉ của người nộp thuế…
Vị luật sư cũng cho rằng, công tác phối hợp giữa ngành thuế với ngân hàng vẫn còn hạn chế. Các ngân hàng chưa cung cấp thông tin chi tiết, cụ thể để xác định được từng nghiệp vụ phát sinh khi giao dịch, từ đó xác định doanh thu kinh doanh TMĐT..., mà chủ yếu cung cấp sao kê giao dịch trên tài khoản. Vì vậy, không phân biệt được giao dịch nào là giao dịch TMĐT, giao dịch thông thường từ tài khoản của cá nhân.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Trên thế giới số ngày nay, hoạt động livestream không chỉ là một hình thức giải trí mà còn là một ngành công nghiệp có giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, việc thu thuế từ hoạt động này đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, đặc biệt là trong việc xác định, khai thác và báo cáo thu nhập.
Để giải quyết các vấn đề này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các livestreamer, các nền tảng, và cơ quan thuế để đảm bảo rằng mọi hoạt động được thực hiện theo đúng quy định pháp luật và mang lại lợi ích chung cho cộng đồng.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, nhằm khuyến khích phát triển đồng thời chống thất thu thuế thương mại điện tử trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát hoàn thiện pháp luật để bổ sung và sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến TMĐT.
Theo đó, cần đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn hoạt động trong đó cần bổ sung quy định về hoạt động livestream trên các nền tảng và sửa đổi Nghị định 117/2018/NĐ-CP về giữ bí mật và cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Ngoài ra, cần kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thương mại điện tử, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng. Mục tiêu là để giám sát, đối chiếu nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra kiểm tra đối với người nộp thuế; áp dụng định danh và xác thực điện tử; đồng bộ liên thông dữ liệu thông tin hàng hóa để có thể nhanh chóng xác minh và truy xuất thông tin về người nộp thuế.
“Cơ quan thuế cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nghĩa vụ thuế cho người kinh doanh về nghĩa vụ thuế với nhà nước khi kinh doanh; đôn đốc kê khai, chọn thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế để răn đe và phục vụ công tác tuyên truyền nghĩa vụ thuế”, ông Hà nói./.
- Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường thanh tra hoạt động livestream bán hàng
- Bí quyết mua nhà gần 2 tỷ đồng của nhân viên văn phòng 40 tuổi, lương 20 triệu đồng: Mang cơm đi làm, không xem livestream!
- Ngành Thuế sẽ tăng cường giám sát hơn 31.500 người livestream bán hàng