ISSN-2815-5823

Thách thức và cơ hội của doanh nghiệp Việt trước tiêu chuẩn "xanh hóa" của EU

(KDPT) - Quá trình chuyển đổi xanh của EU tạo ra lộ trình từng bước, doanh nghiệp Việt cần nắm rõ những quy định mới để thích ứng. Chính phủ cũng cần ban hành, xây dựng những tiêu chí và hướng dẫn rõ ràng để lượng hóa tiêu chuẩn xanh và có chính sách ưu đãi sản xuất xanh.
Doanh nghiệp Việt cần tăng tốc thích ứng trước các tiêu chuẩn "xanh hóa" của EU

Theo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), từ 1/10 vừa qua, Liên minh Châu Âu (EU) đã bắt đầu thí điểm tính phí carbon với 6 mặt hàng nhập khẩu vào thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong sản xuất ở nước sở tại, mở đầu cho lộ trình sản xuất xanh cho những năm tới.

Chi phí sản xuất sẽ tăng cao, quy trình kiểm soát sẽ ngặt nghèo hơn đang đặt ra những thách thức lớn và trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần làm gì để thích ứng với quy định mới của một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta?

Đánh giá về quy định mới, thí điểm áp dụng tính phí carbon của EU với một số mặt hàng nhập khẩu của khu vực này, PGS.TS Đinh Đức Trường, Trưởng khoa Môi trường Biến đổi khí hậu và Đô thị, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng có thể nói CBAM là một cơ chế thương mại môi trường được EU sử dụng để đạt được mục tiêu tham vọng là trung hòa carbon vào năm 2050. Về bản chất, CBAM là rào cản về mặt môi trường. Thực ra, rào cản môi trường không phải là câu chuyện mới trong kinh tế nhưng điểm mới lần đầu tiên ở đây chính là họ đánh thuế trên cường độ carbon phát thải của các hàng hóa nhập khẩu vào EU. Về nguyên tắc, việc này đi ngược lại nguyên tắc tự do hóa thương mại trên thế giới. Tuy nhiên, nó sẽ trở thành một xu thế mà các nền kinh tế lớn áp dụng để bảo hộ cho các hàng hóa trong khối của họ.

Trong số 6 mặt hàng sẽ được tính phí thí điểm từ 1/10 sẽ có sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón, điện và khí hydro. Đây cũng là những mặt hàng Việt Nam có xuất khẩu sang EU. Có thể thấy tác động của CBAM là rất lớn và đáng kế đối với xuất khẩu cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Lý do là vì EU là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam sau Mỹ và Trung Quốc.

Hiện nay, EU chiếm khoảng 21-25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hàng hóa sản xuất nào mà càng gây ô nhiễm môi trường thì thuế càng cao, đặc biệt các mặt hàng như sắt thép, nhôm, phân bón và xi măng. Đây là những mặt hàng có mức phát thải cao trong quá trình sản xuất, đồng thời cũng là các mặt hàng chủ lực của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU.

Trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới có đánh giá phí carbon lên 3 quốc gia Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ, mới chỉ tính trên 3 mặt hàng thép, xi măng và nhôm, mỗi năm có thể tăng chi phí lên 36 tỷ USD.

Ngành sắt thép trước mối lo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). (Ảnh minh họa)

Việc tăng thuế đương nhiên sẽ làm tăng chi phí, tăng giá thành, làm giảm sức cạnh tranh của các hàng hóa của Việt Nam. Đây là câu chuyện không chỉ của Việt Nam mà của rất nhiều nước khác phải đối mặt khi xuất khẩu vào EU và buộc chúng ta cần điều chỉnh để thích nghi với bối cảnh này nếu muốn giữ lại thị trường rất quan trọng này.

Con số 36 tỷ USD là con số rất lớn, tuy nhiên có thể nhìn con số này ở góc độ toàn diện hơn, khi bỏ ra chi phí như vậy để thực hiện CBAM thì những lợi ích thu về rất nhiều. Lợi ích trực tiếp nhìn thấy ngay là hàng hóa được xuất khẩu sang, bán được nhiều hàng hơn, mở rộng được thị phần ở EU. Ngoài ra, mang lại những lợi ích gián tiếp như chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam theo hướng hiện đại và bền vững hơn, tạo ra các việc làm xanh, ngành nghề xanh thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và khuyến khích quá trình sản xuất, tiêu dùng bền vững hơn.

Bên cạnh cơ chế tính phí carbon thì quy định chống phá rừng của EU cũng sẽ được áp dụng từ tháng 12/2024. Các mặt hàng bị ảnh hưởng sẽ rất nhiều từ ca cao, cà phê, cao su, đậu nành, gỗ… Chúng ta đang đối diện với thách thức chồng thách thức.

Rất nhiều thách thức cùng xảy ra cùng lúc và các thách thức này đều liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật và các tiêu chuẩn môi trường của hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào EU. Đây là thị trường béo bở đối với Việt Nam. Chúng ta có thể có sự lựa chọn dễ dàng hơn đó là rời bỏ thị trường này để chuyển sang các thị trường bớt khó tính và ít tiêu chuẩn hơn. Tuy nhiên, về dài hạn, điều đó không làm tăng cường được năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam và hình ảnh hàng hóa của Việt Nam.

Câu hỏi rất lớn đặt ra lúc này là doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải làm gì, chuẩn bị thế nào, chuyển động thế nào? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Đinh Đức Trường cho biết "Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp của Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng ta rất hạn chế về thông tin, kỹ thuật và nguồn vốn. Vì vậy, trong thời gian trước mắt, điều đầu tiên, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp cận để hiểu được CBAM là gì, chúng ta gặp phải những tiêu chuẩn nào và cần phải làm gì. Chúng ta cần giải quyết bài toán này một cách tổng thể. Gần đây, người ta hay sử dụng một thuật ngữ hệ sinh thái khi muốn giải quyết vấn đề này cần có sự cam kết của Chính phủ nhưng cần sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng cũng như các yếu tố quốc tế. Chính vì vậy, chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái dựa trên cách tiếp cận, tầm nhìn đối với vấn đề này về mặt dài hạn".

Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp của Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng ta rất hạn chế về thông tin, kỹ thuật và nguồn vốn. Vì vậy, trong thời gian trước mắt, điều đầu tiên, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp cận để hiểu được CBAM là gì, chúng ta gặp phải những tiêu chuẩn nào và cần phải làm gì. Chúng ta cần giải quyết bài toán này một cách tổng thể.

PGS.TS Đinh Đức Trường, Điều phối viên cao cấp của Mạng lưới CCG Việt Nam

Bên cạnh đó, PGS.TS Đinh Đức Trường cho rằng "về mặt ngắn hạn, đầu tiên Nhà nước cần phải cung cấp cho các doanh nghiệp các thông tin liên quan đến CBAM và hướng dẫn họ cách thức thực hiện CBAM. Về mặt dài hạn, Chính phủ Việt Nam cũng nên có một chính sách xây dựng các tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam để hướng dần đến các tiêu chuẩn của thế giới, cụ thể của EU. Bởi hiện nay, cái khó khăn nhất của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế chính là hội nhập các tiêu chuẩn của họ. Có hai công cụ mà Việt Nam cũng nên áp dụng và cũng nằm trong lộ trình của Chính phủ Việt Nam hướng tới phát thải ròng đến năm 2050. Thứ nhất là xây dựng và phát triển thị trường carbon của Việt Nam. Thị trường carbon này sẽ hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp của Việt Nam trong hội nhập và đáp ứng được các tiêu chuẩn của CBAM. Đồng thời, chúng ta cũng nên xem xét sớm đưa thuế carbon vào trong thực tiễn để áp dụng áp vào các mặt hàng mà quá trình sản xuất và tiêu thụ gây ra các tác động đến môi trường, tạo ra các phát thải carbon.

PGS.TS Đinh Đức Trường, Trưởng khoa Môi trường Biến đổi khí hậu và Đô thị, Đại học Kinh tế Quốc dân, Điều phối viên cao cấp của Mạng lưới CCG Việt Nam.

CBAM là thách thức nhưng cũng là cơ hội. CBAM một mặt tạo ra cho doanh nghiệp áp lực cũng như chi phí về mặt ngắn hạn. Tuy nhiên, nó cũng trở thành động lực để cho các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất của mình sang mô hình xanh hơn, thân thiện hơn với môi trường và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, giúp nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững hơn trong trung hạn và dài hạn khi những nhân tố tăng trưởng của chúng ta đã đến ngưỡng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu chuyển sang các động lực tăng trưởng khác như "xanh", "số", Việt Nam không thể nằm ngoài cuộc.

Quá trình chuyển đổi xanh của EU tạo ra lộ trình từng bước, chúng ta có thể dần thích ứng nhưng quỹ thời gian không còn nhiều. Có những quy định áp dụng ngay từ đầu năm 2024. 2025. Vì vậy, các doanh nghiệp không nên chờ đợi đến khi EU áp dụng mới gấp rút ứng phó. Mà ngay từ bây giờ phải chủ động chuyển đổi sang sản xuất xanh. Những đòi hỏi tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng, của thị trường sẽ là dài hạn và không thể đảo ngược. Các doanh nghiệp Việt cần nắm rõ những quy định mới để xoay xở, thích ứng. Chính phủ cũng cần ban hành, xây dựng những tiêu chí và hướng dẫn rõ ràng để lượng hóa tiêu chuẩn xanh cũng như có những chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp có động lực chuyển đổi sang sản xuất xanh./.

HƯƠNG LAN

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/09/2024