Doanh nhân Lê Quốc Hùng ( áo vàng ngoài cùng bên tay trái) – Giám đốc công ty TNHH kỹ thương Lê và Vũ là một người như thế! Từ một kỹ sư của Viện Nghiên cứu Quốc Gia, bằng lòng đam mê với công nghệ, anh đã quyết tâm đưa sản phẩm tiên tiến trên thế giới đến với Việt Nam, góp phần nhỏ bé nâng cao tuổi thọ và hiệu quả sử dụng của các thiết bị công nghiệp trong các ngành sản xuất, đặc biệt khi tiếp xúc trong môi trường ăn mòn, mài mòn, hoặc bị hóa chất tấn công nghiêm trọng.

Từ chuyện “sĩ” với bạn gái …đến đam mê công nghệ cao

Thừa hưởng nền giáo dục toàn diện của một học trò Thủ đô, Lê Quốc Hùng không chỉ học giỏi, đá bóng giỏi, mà còn là một tay văn nghệ có tài. Do đó, không khó để chàng lớp trưởng đỗ vào ngành “hot” nhất nhì thời đó: Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Say mê Toán, Lý để phục vụ việc học tốt, anh cũng rất chịu khó học thêm ngoại ngữ nhằm trang bị kiến thức cho ngành học. Thế nhưng, so với bạn gái đang theo học ngoại giao lúc bấy giờ, rõ ràng “trình”’ tiếng Anh của anh vẫn kém hơn nhiều bậc. Vốn cầu tiến, lại không muốn thua kém bạn gái dù bất kỳ lý do gì, anh quyết tâm chinh phục ngoại ngữ với khẩu hiệu nằm lòng “đã học là phải giỏi”. Thời đó, việc học thêm ngoại ngữ vốn không dễ như bây giờ. Việc tìm bạn học cùng, tìm thầy để học được anh tính toán một cách tỉ mỉ. Ròng rã hàng năm trời, vừa học vừa thực hành, cuối cùng anh có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh với bạn gái khiến Nàng (sau này là vợ anh) không khỏi ngỡ ngàng. Vui hơn nữa, anh lại là người thầy giúp rất nhiều con em trí thức nổi tiếng ở Hà Nội lúc bấy giờ học tiếng trước khi đi du học.

Giỏi tiếng Anh vì không muốn thua kém bạn gái, nhưng từ cái “sỹ” đầy nam tính ấy, anh cũng không ngờ đời mình rẽ sang một hướng khác. Những tưởng, được làm việc tại Viện công nghệ Quốc gia theo đúng ngành nghề đã học, anh sẽ vững tin mà xây dựng sự nghiệp. Hơn nữa, kết quả tham gia nghiên cứu đề tài ban đầu của anh đã có kết quả khả quan, điều mà không phải cán bộ trẻ nào cũng làm được. Bài viết sử dụng thiết bị đo trong nghiên cứu phóng xạ ứng dụng trong các ngành kinh tế, công nghệ, y tế cùng các thầy của anh đã được đăng trên tạp chí Vật lý quốc tế (Physics International), minh chứng cho một tương lai đầy triển vọng. Nhưng có lẽ vốn là người nhanh nhạy, lại thêm tính chịu khó mày mò, anh thấy công việc nghiên cứu có phần tẻ nhạt, nên tự nhận thêm công việc sửa chữa đồ điện tử cho các cơ quan, doanh nghiệp, nhà dân cho đỡ nhàm chán…Nhờ khéo tay và chu đáo, cùng với mong muốn đem chất xám của mình phục vụ cho cộng đồng vào những năm đầu thập kỷ 90, anh mạnh dạn mở mô hình kinh doanh đầu tiên của mình là Trung tâm Phát triển Công nghệ.

Ông Lê Quốc Hùng kiểm tra máy móc tại nhà xưởng

Học kỹ thuật một cách bài bản, lại thông thạo ngoại ngữ, nên anh được nhiều đoàn mời làm phiên dịch. Và đó cũng là cơ duyên đưa anh đến ngành công nghệ cao. Năm 1993, như một sự tất yếu, anh rời Viện, nhận lời làm việc cho văn phòng đại diện của Mỹ tại Hà Nội. Vốn ưa khám phá, lĩnh vực chính của công ty là tư vấn, cung cấp, sửa chữa các thiết bị đo lường, kiểm nghiệm điện tử viễn thông hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam, lại được anh say mê tìm hiểu. Cọ xát với các chuyên gia kỹ thuật, quản lý…đầu ngành đã giúp anh lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích, đặc biệt là về quản trị và cách thức tiếp thị của người nước ngoài. Dấu ấn thời kỳ này chính là anh đã góp một phần không nhỏ trong việc đưa hệ thống thiết bị tiên tiến này sử dụng trong công trình đường trục Viễn thông Bắc – Nam của ngành Viễn thông Việt Nam.

Chọn hướng kinh doanh khác biệt

Anh luôn trăn trở, để có thể đưa tiến bộ kỹ thuật đến trực tiếp cho người Việt, mình phải làm chủ, không thể làm thuê mãi được. Tích lũy kinh nghiệm quản lý và vốn tiếng Anh chín muồi đã giúp anh mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Hỗ trợ Kỹ thương Lê & Vũ với mong muốn kéo được vốn của quốc tế, đưa công nghệ mới hỗ trợ cho sự phát triển của kinh tế, thương mại Việt Nam.

Ngay từ đầu thành lập công ty, anh đã chọn cho mình con đường khác biệt: không chỉ làm đại diện thương mại đơn thuần, anh mạnh dạn chọn làm độc quyền sản phẩm của Chesterton, một công ty chuyên cung cấp công nghệ chống mài mòn, ăn mòn kỹ thuật hàng đầu thế giới của Mỹ có hơn 120 năm lịch sử. Dù là sản phẩm chất lượng nhưng khi ứng dụng tại thị trường Việt Nam, từ môi trường, khí hậu đến đặc điểm công nghệ cũng có nhiều điểm khác biệt. Vốn xuất thân từ dân kỹ thuật, lúc này anh được dịp phát huy tính tìm tòi, sáng tạo của mình. Đối với các sản phẩm vừa bị ăn mòn, mài mòn thì composite gốm phát huy tính ứng dụng cao. Nhưng để sử dụng sản phẩm, không chỉ đơn thuần là bôi trát lên bề mặt một cách thông thường mà người làm kỹ thuật phải hiểu các tính năng cơ, lý hóa để phủ bề mặt và phục hồi kích thước theo thiết kế để có phương án thi công hợp lý trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, của các thiết bị cũng như điều kiện thi công trong các hầm lò than nằm sâu trong lòng đất, với những cánh quạt cao hàng hai mét hay những thiết bị dưới gầm những con tàu nằm sâu dưới biển… Độ chính xác, tỉ mỉ được tính đến bằng đơn vị zem với con số không tưởng (1 zem tương ứng với 1/10 mm). Hơn 10 năm làm đại lý độc quyền tại Việt Nam của Mỹ là minh chứng cho sự tin cậy mà anh đã có được từ việc kinh doanh coi trọng chữ Tín. Đó cũng là khoảng thời gian anh lăn lộn với nghề, hiểu cái “ngóc ngách” của từng ngành, để áp dụng thành công tại các Công ty khai thác mỏ, than Quảng Ninh, Tổng Công ty hóa chất, Công ty nhiệt điện Cẩm Phả, nhiệt điện Uông Bí, xi măng Hải Phòng, xi măng Nghi Sơn…..

Năm 2008, anh đã mạnh dạn tìm tòi, đưa công nghệ này vào ứng dụng trong xây dựng phòng vô trùng tại Bệnh viện Bưu Điện. Sáng kiến của anh đã đem lại kết quả bất ngờ, xử lý việc chống thấm, chống xước trong phòng vô trùng rất hiệu quả, lại không hề ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thành công ấy góp phần tạo nên bước đột phá trong công nghệ làm sạch tại Việt Nam; đồng thời anh trở thành người đầu tiên trong hệ thống Chesterton đã ứng dụng công nghệ này vào phòng vô trùng tại bệnh viện, là mô hình để Chesterton nghiên cứu và nhân rộng trên toàn cầu.

Thành công cần lắm đam mê!

Anh có tính đặc trưng của người làm kỹ thuật: nói ít, làm nhiều. Tự nhận không phải là người hoạt ngôn, nhưng nói đến chuyên môn thì anh có thể say sưa từ sáng đến tối. Và thực sự, phải đam mê nghề thì anh mới có thể trụ vững đến ngày hôm nay. Chuyện kể về đơn hàng mới nhất ở xi măng liên doanh với Nhật Bản tại một tỉnh miền Trung là một ví dụ. Nhà máy sản xuất chuẩn bị đóng máy thì cái van điều chỉnh trọng lượng xi măng bị hỏng, thiếu chính xác. Nếu mua mới, phải mất đến cả tháng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ sản xuất. Trong khi đó, với tính năng của Chesterton có thể khắc phục gần như mới trong vòng vài ngày, tất nhiên phải cộng thêm trí óc và bàn tay khéo léo của những người thợ kỹ thuật. Khổ nỗi, các nhân viên kỹ thuật bên anh đã thuyết trình hết lượt mà lãnh đạo công ty đó vẫn không tin tưởng. Nào là có làm được thật không, thậm chí nỡ mang ra Hà Nội hỏng hóc mất mát thì sao? Toàn những câu hỏi khó giải thích. Cuối cùng thân chinh anh phải vào thuyết phục. Bằng kinh nghiệm và sự chân tình, phía đối tác chuyển từ thái độ băn khoăn lúc trước lại vội vã giục anh nhanh chóng bắt tay vào việc, cho kịp tiến độ sản xuất của họ. Có lẽ anh đã truyền được lửa đam mê vào trong từng câu nói, từng hành động của mình khiến đối tác cảm thấy tin tưởng. Có được đơn hàng, anh tập trung cán bộ kỹ thuật họp bàn phương án thực hiện hiệu quả. Giống như các bác sỹ trong Hội đồng y khoa, công việc của đội ngũ kỹ thuật rất cần sự chính xác, tinh thần đồng đội, và tính trách nhiệm cao. Nhất là thực tế từ nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm composit gốm ở Việt Nam hoàn toàn khác với Mỹ. Việc dùng phay kim loại kết hợp với vật liệu composite gốm phủ đi, phủ lại để đạt kết quả như ý được coi là một bước đột phá. Trong suốt 10 ngày đêm, hết sơn phủ, hong sấy lại phơi khô, đội kỹ thuật mày mò, tận tâm, dốc sức sáng tạo, với sự nhẫn nại, phối hợp cao trong từng hành động nhỏ, khi mỗi lần sơn phủ được tính chính xác đến 1/10 mm. Cuối cùng, sản phẩm đã hoàn thành kịp thời gian trong niềm vui lan tỏa trên từng khuôn mặt.

Ông Lê Quốc Hùng nghiên cứu các sản phẩm composit gốm tại nơi làm việc

Cái khó của người làm kỹ thuật không chỉ là vấn đề chuyên môn: đứng trước một vấn đề cụ thể, mỗi ngành khác nhau, thậm chí có những máy móc lần đầu tiên tiếp xúc nên ngoài kinh nghiệm, quyết định cũng mang tính mạo hiểm. Đã thế, vấn đề chi phí cho sự sáng tạo dường như không mang tính phát triển. Khi mà rào cản của kỹ thuật đã là một thách thức không nhỏ cộng thêm vấn đề tài chính với những lỗ lãi thiệt hơn, với những khắt khe khiến người đam mê kỹ thuật như anh không ít lần trăn trở. Nhưng bằng tình yêu nghề, cũng như mỗi lần chinh phục thử thách, từ ý tưởng trở thành hiện thực đã khiến anh say men chiến thắng, bỏ qua nỗi lo “cơm áo gạo tiền” thường nhật. Hơn thế, thành công được kết tinh từ sự sáng tạo nên giá trị tinh thần có ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp anh thêm gắn bó với nghề đã chọn. Câu chuyện về những viên gạch gốm được phủ composit của Toyota Việt Nam là một ví dụ điển hình. Đứng trước yêu cầu của phía Toyota Việt Nam muốn sửa chữa, nâng cấp khu sản xuất phần nền móng nhà xưởng, nơi thường xuyên tiếp xúc với axit với tỷ lệ ăn mòn cao, với thời gian thi công yêu cầu trong 3 ngày đã khiến anh trăn trở. Bởi lẽ, với hàng trăm m2 phải đập đi, láng xi măng, rồi mới phủ composit chống ăn mòn, nhanh nhất cũng phải cần đến hơn 10 ngày. Chưa kể, phải để thời gian chờ khô, đảm bảo độ kết dính tốt. Trước yêu cầu cao về mặt tiến độ, anh chợt nảy ra ý tưởng. Thay vì thi công theo cách truyền thống, trong lúc bàn thảo hợp đồng, anh đã thử làm thí nghiệm, phủ composit lên viên gạch đất nung và cho kết quả thành công ngoài mong đợi. Nhìn thấy đội ngũ kỹ thuật bên anh nâng niu từng viên gạch đã được bọc cẩn thận, phía đối tác không khỏi tò mò. Rồi họ thán phục cách thi công đầy sáng tạo, thay vì đập phá, bên anh chỉ cần láng xi măng nhẹ nhàng rồi dán từng viên gạch nung đã được phủ composit gốm lên trên, sau đó chỉ cần phải quết composit lên các lằn chỉ giữa các viên gạch một cách cẩn thận là đã có cả khu hàng trăm mét vuông nhà xưởng đảm bảo chống a xít đúng yêu cầu.

Mỗi công trình là một niềm vui! Niềm vui nhỏ cộng lại, tích tụ khiến anh càng thêm gắn bó với nghề mình đã chọn. Để rồi, đến nay sau 10 năm gắn bó, từ chỗ các công ty nước ngoài chủ động tìm đến anh để mua sản phẩm, anh đã từng bước tìm kiếm, đưa sản phẩm Chesterton đến gần hơn với các ngành công nghiệp Việt Nam với một mong muốn nhằm nâng cao hiệu suất, phục hồi hiệu quả các máy móc thiết bị bị hỏng hóc, mài mòn bởi thời gian, giảm chi phí thời gian phụ thuộc do phải nhập khẩu thiết bị mới.

Một gia đình truyền thống cách mạng

Những tưởng, anh cũng “nối nghiệp” gia đình trở thành công chức Nhà nước. Bởi lẽ, những năm đầu thập kỷ 80, cả 5 anh em đều đỗ Đại học, thậm chí anh trai anh còn là học sinh tiêu biểu tại Học viện Quân sự thuộc Liên bang Nga, thì việc đầu quân cho các cơ quan Nhà nước trong thời kỳ đổi mới được xem là một tất yếu. Nếu an phận, có lẽ giờ anh đã là “ông giáo sư” ở một viện nghiên cứu. Nhưng anh lại lựa chọn cho mình một hướng đi khác biệt: trở thành Doanh nhân, làm quen với việc “buôn bán”, mà lại là buôn bán với người nước ngoài. Anh chia sẻ: ngay từ bé, tính anh đã thích phám phá, đam mê cái gì thì quyết theo đuổi đến cùng. Tính cách đó, anh tự nhận được thừa hưởng từ người cha anh rất mực yêu thương kính trọng, dù hoàn cảnh công tác, anh hiếm khi được sống cùng ba mình. Tuy vậy, anh vẫn biết rõ, ba anh là người nghiêm khắc, lời căn dặn phải học giỏi, phải nghe lời mẹ của ba anh vẫn luôn văng vẳng bên tai anh hàng ngày. Khi anh mới lên 7, có lần ba anh được nghỉ ở nhà mấy ngày, vừa ngủ dậy anh thấy ba choàng tay ôm mình vào lòng rồi nức nở “Bác Hồ mất rồi con ơi”. Lần đầu tiên thấy ba khóc nghẹn ngào, với trái tim non nớt, anh thầm nghĩ “chắc ba phải thân, phải quý Bác Hồ như ông nội thì mới khóc như vậy”. Sau đó, anh lại thấy chị gái anh, thấy ba anh được xếp hàng vào viếng Bác, ra về với vẻ mặt đầy xúc động. Những ký ức đó ăn sâu vào tiềm thức, từ đó về sau, làm gì anh luôn lấy ông làm tấm gương học tập. Mãi sau này, khi lớn lên, anh mới hiểu, thì ra ba anh từng là Đại đoàn Bậc trưởng, người theo cách mạng được đích thân Bác Hồ tặng Huân chương Chiến thắng Hạng Nhất ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bẵng đi một thời gian, khi anh đã trưởng thành, mở công ty lập nghiệp, lúc ba anh mất, được tổ chức đưa tiễn, mai táng tại nghĩa trang Mai Dịch, anh lại càng thêm hiểu và trân quý ba mình: một người ba đức độ, yêu gia đình hết mực.

Tấm gương về ba, về người anh trai luôn dẫn dắt anh đi trên con đường lập nghiệp. Điều đó giúp anh vững tin trên thương trường, dù kinh doanh có nhiều khốc liệt nhưng anh luôn xác định muốn đứng vững và phát triển, dù làm gì cũng phải xuất phát từ Tâm, lấy chữ Tín làm trọng. Phảng phất nét hào hoa, nho nhã của người Hà Nội, anh khiêm tốn nhận mình chỉ là hạt cát trên sa mạc. Nhưng giống như một cỗ máy khổng lồ, chỉ cần thiếu đi một con ốc, cỗ máy đó có thể phải ngừng hoạt động! Một mùa Thu nữa lại về, những con đường Hà Nội ngập tràn hương hoa sữa nồng nàn. Trong sự triển, sự thay da đổi thịt hàng ngày của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, những người con Hà thành như Doanh nhân Lê Quốc Hùng đang cần mẫn gìn giữ, kế thừa, góp phần dựng xây thành phố ngày càng đẹp hơn, hiện đại hơn nhưng không mất đi nét đẹp vốn có của một Hà Nội văn minh, thanh lịch!

Xuân Nhi