ISSN-2815-5823

Hà Nội có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam: Gia đình 4 người chi 30 triệu/tháng vẫn thấy thiếu

(KDPT) - Với kinh nghiệm 20 năm sống ở Hà Nội, chị Hồng khẳng định: “Với 30 triệu đồng để chi cho cuộc sống hàng tháng ở Hà Nội, đừng mơ du lịch hay ăn ngon thường xuyên”.

Số liệu của Tổng Cục Thống kê cho biết, chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 của Hà Nội tiếp tục cao nhất cả nước, sau nhiều năm ở vị trí này.

Khảo sát nhiều hộ gia đình 4 người ở 3 thành phố lớn nhất nước cho thấy, mức chi tiêu vừa đủ trong 1 tháng tại Hà Nội lên đến 30 triệu đồng, trong khi đó, mức này ở TP.HCM là khoảng 25 triệu đồng, còn tại Đà Nẵng là khoảng 20 triệu đồng.

Chị Hồng (quê Phú Thọ), hiện đang sinh sống ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cùng chồng và 2 con học cấp 2 và cấp 3 chia sẻ, thời điểm chưa thể mua nhà và phải ở trọ, gia đình chị liên tục phải chuyển chỗ ở để phù hợp hơn với thu nhập vì chi phí quá tốn kém. Mặc dù thu nhập của hai vợ chồng chị không quá thấp, khoảng 40 triệu đồng/tháng nhưng nếu không căn cơ, tính toán thì không thể có dự trữ.

Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 tại Hà Nội tiếp tục cao nhất cả nước
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 tại Hà Nội tiếp tục cao nhất cả nước

Chị Hồng cho biết, thời gian đầu, gia đình chị thuê nhà trong nội thành để tiện đi lại. Theo đó, tính cả tiền thuê nhà khoảng 7 triệu đồng/tháng, gia định chị Hồng mất khoảng 35 triệu đồng. Sau đó, nhận thấy chi phí sinh hoạt và tiền thuê nhà ở nội thành cao hơn khu vực ven đô, gia đình chị đã quyết định chuyển về vùng ngoại thành để tiết kiệm tài chính, từ đó, mỗi tháng giảm được khoảng 5-7 triệu đồng.

“Nhờ sự hỗ trợ của gia đình và vay thêm ngân hàng, chúng tôi đã mua được nhà nên không tốn tiền thuê nhà nữa. Thế nhưng tiền trả lãi ngân hàng và do vật giá leo thang, con cái càng lớn càng tốn kém chi phí học hành cũng như nhu cầu cá nhân nên mỗi tháng, dù tìm mọi cách thắt chặt chi tiêu và tiết kiệm tối đa, chúng tôi vẫn tiêu tốn hết khoảng 32 triệu đồng”, chị Hồng tâm sự.

Chị Hồng cho biết, đây chỉ là mức chi cho những nhu cầu rất cơ bản. Mỗi ngày, chị chi khoảng 250.000-300.000 đồng cho ăn uống, như vậy mỗi tháng tốn khoảng 9 triệu đồng. Tiền điện nước khoảng 1,5 triệu đồng. Thêm khoảng 2 triệu đồng tiền xăng xe, điện thoại, Internet của cả 2 vợ chồng và 2 con.

Ngoài ra, chi phí cho 2 con đi học trường công, học thêm các bộ môn năng khiếu và ngoại ngữ tốn khoảng 10 triệu đồng. Hai vợ chồng chị còn phải dành thêm khoảng 7 triệu đồng để trả tiền vay ngân hàng và 2,5 triệu đồng cho những chi phí phát sinh hoặc nhu cầu khác như may mặc, ngoại giao,...

Với kinh nghiệm 20 năm sống ở Hà Nội, chị Hồng khẳng định: “Với 30 triệu đồng để chi cho cuộc sống hàng tháng ở Hà Nội, đừng mơ du lịch hay ăn ngon thường xuyên”.

Ở Hà Nội chi nhiều tiền nhất vào đâu?

Cũng theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, mức chi tiêu cho đời sống chiếm gần 94% trong tổng chi tiêu bình quân của hộ gia đình. Trong đó, chi tiêu dành cho ăn uống chiếm 46,5%, chi tiêu không dành cho ăn uống chiếm 47,4% và các chi tiêu khác chiếm 6,1%.

Đối với các gia đình ở Hà Nội, xu hướng này cũng không quá khác biệt. Thực tế, thứ tự ưu tiên trong danh sách các khoản chi tiêu bao gồm: đứng đầu là nhu cầu thiết yếu (bao gồm ăn uống, sinh hoạt, đời sống, đi lại,...), ở vị trí tiếp theo là tiền thuê nhà (với những gia đình phải ở trọ), tiếp đến là chi phí học tập và phát triển quan hệ xã hội. Ngoài ra còn có các chi phí phát sinh khác như giải trí, du lịch,... Trong số này, chi phí sinh hoạt thiết yếu và thuê nhà thường chiếm khoảng 60% thu nhập.

Hà Nội có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam: Gia đình 4 người chi 30 triệu/tháng vẫn thấy thiếu - ảnh 2

Nhiều bà nội trợ cho biết, bữa ăn bây giờ quá đắt đỏ, cầm 300.000 đồng đi chợ phải tính toán sao cho vừa đủ 3 bữa ăn gồm 2 bữa chính và 1 bữa phụ mà vẫn đảm bảo các dưỡng chất cần thiết cho một ngày.

Chị Thu (làm công việc văn phòng) chia sẻ: “Trước kia, mệnh giá rẻ nhất là 500 đồng đã có thể mua được mớ rau thơm thì giờ tăng lên 2.000-3.000 đồng. Cầm tiền đi chợ mà như cầm cục đá trong tay, chỉ một lúc là tan. Tôi rất đau đầu mỗi khi đi chợ do áp lực phải tính toán thế nào để không bị lạm vào tiền tiêu hằng tháng, nếu không sẽ khó xoay xở, bù đắp".

Theo chị Thu, tiền đi chợ “ngốn” một khoản chi tiêu lên đến 9-12 triệu đồng/tháng. Chị Thu đang đau đầu nghĩ cách tiết kiệm cho khoản tiền này làm thế nào rút xuống còn 5-7 triệu đồng/tháng nhưng vẫn chưa tìm ra cách.

Ở Hà Nội, không chỉ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đắt nhất Việt Nam mà nhóm dịch vụ văn hóa, giải trí và du lịch cũng dẫn đầu.

Anh Ngọc (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, khi còn độc thân, anh thường có sở thích đi xem phim nhiều lần trong tuần và không đắn đo việc chi tiền,. Tuy nhiên, từ khi lập gia đình, có con nhỏ, vô vàn chi phí phát sinh thì anh Ngọc không tiếp tục sở thích này nữa do quá tốn kém.

“Hiện tại, riêng tiền vé xem phim thấp thì cũng khoảng 90.000-100.000 đồng/vé, còn cao hơn thì đến vài trăm nghìn đồng, chưa kể các khoản chi phí khác như tiền di chuyển, tiền nước, tiền bỏng ngô,... Tính ra số tiền này bằng cả ngày ăn của gia đình nên thỉnh thoảng lắm tôi mới cho phép mình xa xỉ một lần”, anh Ngọc cho hay.

Anh Ngọc chia sẻ thêm, giá quần áo ở Hà Nội cũng rất đắt, đắt hơn nhiều so với các nơi khác. Nếu như vài năm trước, với số tiền 200.000-300.000 đồng đã có thể mua một chiếc quần. Nhưng hiện tại, không có cái nào dưới 500.000 đồng/chiếc. Còn giày thì lên tiến tiền triệu. 

“Qua kinh nghiệm bản thân và tham khảo bạn bè, tôi thấy mức giá này cao hơn so với giá ở một số địa phương lân cận như Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… từ 100.000-200.000 đồng/sản phẩm”, anh Ngọc nói.

Ở Hà Nội, không chỉ nhóm dịch vụ ăn uống đắt nhất cả nước mà nhóm dịch vụ văn hóa, giải trí và du lịch cũng dẫn đầu. (Ảnh minh họa)
Ở Hà Nội, không chỉ nhóm dịch vụ ăn uống đắt nhất cả nước mà nhóm dịch vụ văn hóa, giải trí và du lịch cũng dẫn đầu. (Ảnh minh họa)

Sống tại TP.HCM, Đà Nẵng có “dễ thở” hơn?

Cũng theo chỉ số SCOLI năm 2023, TP.HCM là thành phố đắt đỏ thứ 2 cả nước (98,4% so với Hà Nội) và Đà Nẵng ở vị trí thứ 6 (93,5% so với Hà Nội). Nhưng trên thực tế, nhiều gia đình trẻ có 3 thành viên sống ở TP.HCM cho biết, dù đã tiết kiệm nhất có thể nhưng không tháng nào mức chi tiêu dưới 20 triệu đồng. Trong khi đó, những gia đình có 4 thành viên với mức thu nhập ổn định hơn thì mức chi hàng tháng cũng không dưới 25 triệu đồng/tháng.

Gia đình chị Thảo (Gò Vấp, TP.HCM) gồm 4 người hai vợ chồng và 2 con đang học cấp 2. Mỗi tháng, nhà chị thảo tốn 6,5 triệu đồng cho tiền thuê nhà. Các khoản phải trả định kỳ mỗi tháng khác là điện nước khoảng 2,5 triệu đồng; xăng xe, Internet, điện thoại mất 2 triệu đồng; chi phí bán trú cho 2 con ở trường là 3 triệu đồng do TP.HCM đã miễn học phí cho học sinh THCS, thêm 4 triệu đồng cho 2 con học thêm các môn khác. Gia đình chị Thảo cũng không dám ăn ngoài thoải mái mà đều đặn nấu cơm để tiết kiệm, nhưng tiền đi chợ mỗi ngày rẻ nhất cũng tốn 300.000 đồng. 

“Dù tôi tính toán rất kỹ để tiết kiệm tối đa, thì những khoản cơ bản nhất cũng đã ngốn khoảng 25 triệu đồng/tháng”, chị Thảo cho biết.

Được biết, thu nhập của 2 vợ chồng chị Thảo chỉ loanh quanh mức 30 triệu đồng, không đổi suốt 4 năm nay. Chỉ cần phát sinh việc con cái ốm đau hay đồ đạc trong nhà hỏng hóc cần thay thế sửa chữa cũng đủ khiến anh chị đau đầu. Do đó, tháng nào chị Thảo cũng cố gắng tiết kiệm 1 vài triệu để phòng trừ những tình huống này.

Theo chị Thảo, để có thể chi tiêu thoải mái cho những nhu cầu cơ bản hiện nay mà vẫn tích trữ được một khoản riêng để thỉnh thoảng đi du lịch hay “nâng tầm” cuộc sống thì mức chi không thể dưới 50 triệu đồng/tháng cho gia đình 4 thành viên.

Trong khi đó, tại Đà Nẵng - thành phố được coi là tương đối “dễ thở” hơn so với Hà Nội và TP.HCM, nhưng các khoản chi tiêu hàng ngày, hàng tháng vẫn khiến nhiều gia đình phải đau đầu tính toán thế nào cho hợp lý.

Anh Trọng (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, gia đình anh gồm 4 người, 2 vợ chồng và 2 con nhỏ học tiểu học, mỗi tháng phải chi tiêu khoảng 20 triệu đồng cho những nhu cầu cơ bản.

Với gia đình anh Trọng, khoản chi tiêu lớn nhất là tiền ăn uống, chiếm gần một nửa với khoảng 8-9 triệu đồng. Tiếp đến là tiền học của 2 con, cả bán trú và học thêm tốn khoảng 5 triệu đồng. Ngoài ra, tiền xăng xe cũng chiếm khoảng 2 triệu đồng, tiện điện nước, Internet 1,2 triệu đồng và tiền thuê nhà là 3 triệu đồng. Với những khoản phát sinh khác như quần áo, đám hiếu hỷ, ngoại giao, hưởng thụ dịch vụ giải trí, gia đình anh Trọng dành riêng 5 triệu đồng để chi tiêu.

Như vậy, hàng tháng vợ chồng anh Trọng phải cắt 25 triệu đồng từ thu nhập cho các khoản chi tiêu. Có những tháng không dùng hết những khoản chi “mềm” thì gia đình anh sẽ tích được một khoản nhỏ. Tuy nhiên, những tháng như vậy không nhiều. Dù vậy, anh Trọng vẫn khá hài lòng với cuộc sống ở Đà Nẵng vì biết rằng với mức chi như trên mà sống ở Hà Nội và TP.HCM sẽ rất khó xoay xở.

Theo anh Trọng, riêng chi phí cho du lịch ở Đà Nẵng rất hợp lý, rẻ hơn nhiều so với Hà Nội và TP.HCM. Nguyên nhân do đây là thành phố biển nên sở hữu nhiều điểm du lịch, người dân không phải dịch chuyển quá xa để đến nơi nghỉ dưỡng. Ngoài ra, với vị trí địa lý thuận lợi nên người dân Đà Nẵng đi du lịch miền Bắc hay miền Nam đều thuận tiện.

Chị Nguyễn Thúy (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho rằng, mức chi tiêu tối thiểu cho một hộ gia đình hết 20 triệu đồng/tháng thì có thể thấy nhiều nhưng nếu liệt kê ra thì mức đó chỉ vừa đủ chứ không thể thoải mái. 

“Giá cả hiện nay cái gì cũng tăng, từ xăng, điện cho đến gạo, mắm muối, rau, thịt cá. Tính chi ly sẽ thấy một ngày ăn của 2 vợ chồng với con nhỏ gồm 4 món cơ bản là cơm, canh, đĩa xào và món mặn (thịt hoặc cá) cũng phải từ 200.000-250.000 đồng mới đủ”, chị Thúy nói./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 12/05/2024