ISSN-2815-5823

Thêm động lực phục hồi cho nền kinh tế khi giảm thuế GTGT cho các hàng hóa, dịch vụ

(KDPT) - Tại tờ trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%). Đồng thời, giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi xuất hóa đơn với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%. Cụ thể, giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% đến hết ngày 31/12/2023. Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.

Theo tính toán của các chuyên gia, dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 5,8 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm, tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng. Để bù đắp các tác động đến thu ngân sách trong ngắn hạn, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đồng thời, triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, Chính phủ đã chính thức có tờ trình Quốc hội dự án nghị quyết giảm thuế GTGT trong năm 2023 từ 10% xuống 8% cho mọi loại hàng hóa, dịch vụ. Thông tin này ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng, bởi hứa hẹn nhiều tín hiệu vui cho người dân và cộng đồng DN.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, một trong những chính sách hỗ trợ thuế, phí hiệu quả nhất, nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng DN và người dân chính là việc giảm thuế GTGT. Theo các chuyên gia, đây thực chất là chính sách hỗ trợ trực diện và người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp do việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế 10% sẽ góp phần hạ giá bán, giảm trực tiếp chi phí của người dân chi tiêu cho hàng hóa, dịch vụ. Chưa kể, các DN sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 10% cũng sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Vì vậy, khi biết tin Chính phủ đang trình Quốc hội đề xuất giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% (bắt đầu từ tháng 6 cho đến hết 31/12/2023) cho mọi loại hàng hóa, chị Phạm Thị Thoa (Đống Đa-Hà Nội) rất phấn khởi. Vốn là công chức nhà nước, còn chồng làm lao động tự do, nên tổng thu nhập hàng tháng của gia đình chị Thoa chỉ khoảng 17 triệu đồng, đủ cho sinh hoạt của 2 vợ chồng và 2 đứa con. “Hàng tháng cứ đến ngày lĩnh lương, việc đầu tiên là tôi đi siêu thị mua sắm tất cả đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày, từ gạo, mắm, muối, nước giặt… đến đóng tiền điện, nước. Mỗi lần như vậy cũng mất khoảng 3-4 triệu đồng. Còn nhớ năm ngoái, nhờ chính sách giảm thuế GTGT, tính ra mỗi tháng, gia đình tôi cũng đã tiết kiệm được một khoản không nhỏ” - Chị Thoa chia sẻ.

Đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, việc giảm thuế GTGT 2% sẽ là mũi tên trúng nhiều đích, vừa giúp người tiêu dùng giảm gánh nặng chi tiêu, vừa giúp DN bán được hàng, kích thích tiêu dùng. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, tổng cầu đang giảm, trong khi đó tổng cung lại tăng đột biến. Chính vì vậy, khi giảm thuế GTGT, ngoài DN thì người tiêu dùng cũng được hưởng lợi khi được mua hàng hoá với một mức giá hợp lý hơn.

Về đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT trong năm 2023, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, chủ trương này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023. Theo tính toán, việc giảm 2% thuế GTGT sẽ giúp người tiêu dùng có thể tiết kiệm trực tiếp 2% chi tiêu bình quân.

Khi ứng phó với đại dịch Covid-19, kinh nghiệm của nhiều quốc gia cũng cho thấy, để hỗ trợ người dân và DN hiệu quả nhất, thì giải pháp giúp giải quyết trực tiếp vấn đề khó khăn về dòng tiền cho DN như gia hạn thời hạn nộp thuế; giảm thuế GTGT, thuế TNDN, giảm tiền thuê đất là rất quan trọng. Các nước không thực hiện miễn giảm các loại thuế như TTĐB, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường (trừ đối với mặt hàng xăng dầu), bởi các sắc thuế này chỉ thu vào một nhóm hàng hóa, dịch vụ nhất định và không mang tính phổ quát đến mọi DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Các nước cũng thường không thực hiện giải pháp giảm thuế TNCN mà hỗ trợ thông qua phát tiền mặt trực tiếp cho người dân.

Theo Bộ Tài chính cho biết, qua 1 năm thực hiện đề xuất với Chính phủ về chính sách giảm thuế GTGT, đã có tổng cộng khoảng 44 nghìn tỷ đồng tiền thuế GTGT được giảm, đã góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Do vậy năm 2023, giữa bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ tiếp tục đề xuất giảm thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ, nhằm tạo thêm lực đẩy cho hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế phục hồi và phát triển ổn định./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024