Chiều 7.4, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo “Toàn cảnh quý 1 và diễn biến quý 2 thị trường bất động sản Việt Nam 2023”.

Ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết: “Trong quý I/2023 thị trường tiếp tục trạng thái trầm lắng chưa có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, vẫn ghi nhận dấu hiệu tích cực về nguồn cung và giao dịch tại một số dự án chung cư có vị trí thuận lợi, được đầu tư bởi các Chủ đầu tư uy tín và có chất lượng bàn giao tốt”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản, môi giới bất động sản, khách hàng, nhà đầu tư cùng nhau “ấn nút chờ”.

Ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA)
Ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA)

Chia sẻ thêm về thị trường bất động sản trong quý 1/2023, bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng ban tư vấn thị trường và xúc tiến đầu tư cho hay: “Hai tháng cuối quý, thị trường đón nhận những tín hiệu tích cực từ việc ban hành nghị định 08/2023/NĐ-CP, nghị quyết 33/NQ-CP, thông tin về gói tín dụng 120 nghìn tỷ của các ngân hàng thương mại, 5 quyết định giảm lãi suất của ngân hàng nhà nước và thông tin sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN. Các giải pháp nhằm gỡ rối cho thị trường thể hiện được quyết tâm đồng hành từ phía Chính phủ đối với các doanh nghiệp bất động sản, tiếp thêm niềm tin cho các doanh nghiệp và các cá nhân tham gia thị trường”.

Tuy nhiên, các giải pháp mới đang phát huy ở giai đoạn “trấn an tinh thần”. Chưa đủ lực để trở thành đòn bẩy, tạo cú hích cho thị trường “bật dậy”. Vẫn chưa ban hành điều chỉnh luật mới, văn bản dưới luật như nghị định, thông tư, dẫn đến chưa thể tháo gỡ một cách triệt để các rào cản. Thị trường có tín hiệu tích cực nhưng chưa có kết quả cụ thể chưa thực sự thoát ra khỏi khó khăn, trầm lắng. Nhiều doanh nghiệp vẫn lao đao, đối mặt với khủng hoảng và phá sản.

Đánh giá về phân khúc bất động sản nhà ở, bà Miền cho biết nguồn cung chưa có sự cải thiện. Hầu hết các dự án vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện pháp lý, chưa được cấp giấy phép mở bán chính thức. Một số ít hiếm hoi chủ đầu tư có hàng nhưng chưa sẵn sàng mở bán vì tâm lý e ngại thị trường chưa tốt sẽ ảnh hưởng tới kết quả bán hàng. Nguồn cung trên thị trường chủ yếu đến từ các dự án đã mở bán trước đó, tiếp tục mở bán các giai đoạn tiếp theo.

Về cầu thì nhu cầu mua nhà giảm do thu nhập người dân bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nguồn cung trên thị trường chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá quá cao so với khả năng tài chính của người dân. Nhu cầu thuê nhà, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội gia tăng do giá nhà, lãi suất cao.

Có thể thấy, nửa đầu quý 1/2023 thị trường vẫn duy trì trạng thái trầm lắng từ năm 2022, tuy nhiên, không còn tâm trạng “hoang mang”, “thấp thỏm” như năm 2022. Qúy 1/2023, các doanh nghiệp bất động sản, môi giới dường như đã “bình thản” hơn, “xác định sẵn tinh thần” để đối mặt với tình hình thị trường không mấy khả quan.

Một số doanh nghiệp phải đối diện với tình trạng khó khăn từ năm 2022, thời điểm này đã “bình tâm” hơn và đang nỗ lực để vận dụng các cơ chế, chính sách mới từ Chính phủ cộng với việc tự thân vận động để có thể tồn tại qua thời kỳ khó khăn này.