Thị trường bất động sản Sài Gòn đang hồi phục rõ nét
Theo ghi nhận thực tế trong 2 tháng đầu năm 2024 thị trường bất động sản đã ghi nhận những hoạt động kinh doanh tích cực. Tại một số khu vực hoạt động những văn phòng công chứng đã mở cửa trở lại và có nhiều khách hàng đến thực hiện thủ tục mua bán, sang tên. Những giao dịch đã xuất hiện và lan rộng ở nhiều nơi trong đó có cả các khu vực và tỉnh lân cận với TP.HCM.
Vừa qua, UBND TP.HCM đã tổ chức phiên họp về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội trong vòng 2 tháng đầu năm 2024, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 3/2024. Theo số liệu báo cáo từ Sở Tài nguyên Môi trường, trong 2 tháng đầu năm số lượng hồ sơ nhà đất là 67.750 hồ sơ, tăng 18.801 hồ sơ so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là nguyên nhân chính giúp cho nguồn thu từ đất tăng lên. Cụ thể, 2 tháng đầu năm nay số lượng đạt 103.164 tỷ đồng (2 tháng đầu năm 2023 đạt 90.741 tỷ đồng). Đáng chú ý là nguồn thu thuế từ hoạt động mua bán nhà đất tăng mạnh đạt 955,3 tỷ đồng.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố hiện nay có 88 dự án nhà ở xã hội. Trong đó, có 33 dự án chiếm khoảng 20% là đất ở thương mại, số lượng còn lại là nhóm đất công, nhóm cổ phần hóa và một phần là những dự án cần tiếp tục tháo gỡ.
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết thêm Sở cũng đang phối hợp với các tổ chức, các cơ quan liên quan và các ngành để tổng hợp, đề xuất thành phố và Chính phủ nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong nguồn cung nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu ở thực cho đại bộ phận người dân. Nhờ đó mới giúp cho thị trường bất động sản tăng bật trở lại.
Đối với tình hình trên cả nước, theo Tổng Cục thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024 hoạt động kinh doanh bất động sản đã có tín hiệu tích cực thể hiện rõ nét về tình hình thu hút vốn đầu tư cũng như số doanh nghiệp bất động sản đã quay trở lại thị trường. Đặc biệt, sự quan tâm của người mua cũng tăng mạnh thể hiện qua số lượt tìm kiếm trên các sàn giao dịch.
Cụ thể, trong tháng 2 năm nay trên phạm vi cả nước đã có 8,6 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới, tổng số vốn đăng ký là 67,3 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, số lượng lao động đăng ký gần 50,9 nghìn lao động. Đây là con số cho thấy sự tích cực của thị trường so với năm 2023.
Tính trung bình trong 2 tháng đầu năm 2024 trên phạm vi cả nước có tổng cộng hơn 22,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng số vốn đăng ký là 218,7 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 154,3 nghìn lao động. So với thời điểm cùng kỳ năm trước đã lần lượt tăng 12,4% về số doanh nghiệp, tăng 32,8% về vốn đăng ký và tăng 29% về số lao động.
Về tình hình bất động sản trong 2 tháng đầu năm 2024 trên phạm vi cả nước có tổng tộng 553 doanh nghiệp bất động sản được thành lập mới, bằng 100,4% so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trên thị trường là 843 doanh nghiệp, bằng bằng 138,7% so với cùng kỳ 2023.
Về tổng thể tính trong 2 tháng đầu năm 2024 trên phạm vi cả nước có tổng cộng 41,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình 1 tháng đã có hơn 20,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Bên cạnh đó, khối ngoại cũng là một trong những nguồn lực giúp cho thị trường bất động sản hồi phục nhanh chóng khi rót 279,3 triệu USD vào bất động sản. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê với sự chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan quản lý, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước trong tháng 2/2024 đã được các Bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai và phân bổ hợp lý từ sau Tết Nguyên đán. Đồng thời, để giúp sức cho thị trường bất động sản hồi phục thì ngay từ những tháng đầu năm các dự án công đã được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là với những dự án chuyển tiếp.
Tính đến ngày 20/2, tổng số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn đã đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng khoảng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Số vốn đăng ký cấp mới là 3,6 tỷ USD bao gồm 405 dự án được cấp phép mới lần lượt tăng 103,8% về số vốn đăng ký và 55,2% về dự án được cấp phép mới so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp từ nước ngoài lớn nhất, hoạt động kinh doanh bất động sản cũng nhận được số vốn đầu tư lớn với 1,37 tỷ USD, chiếm 38% tổng số vốn đầu tư từ nước ngoài, các ngành còn lại đạt 139,3 triệu USD, chiếm tỷ lệ khoảng 3,9%.
Trong 2 tháng đầu năm, đã có 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp phép mới tại Việt Nam, trong đó, Singapore là quốc gia đầu tư lớn nhất với 1,94 tỷ USD, chiếm 53,8% tổng vốn đăng ký cấp mới, đứng ở vị trí thứ hai là Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), sau đó lần lượt là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Theo số liệu thống kê trong 2 tháng đầu năm vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt được là 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong 2 tháng đầu năm cao nhất trong 5 năm qua và hoạt động kinh doanh bất động sản cũng đạt khoảng 279,3 triệu USD, chiếm 10% trên tổng số vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong 2 tháng đầu năm./.
- Giá bán bất động sản thuộc phân khúc chung cư hạng sang có thể giảm
- Doanh nghiệp bất động sản “giữ nhiệt” thanh khoản trên sàn giao dịch sau Tết