TS. Nguyễn Phương Nam: Việt Nam có tiềm năng lớn trong thị trường tín chỉ carbon
Phát triển thị trường tín chỉ carbon là nhiệm vụ trọng tâm
Tại Hội thảo “Thị trường tín chỉ carbon: Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững”, TS. Nguyễn Phương Nam - Tổng giám đốc, Công ty Tư vấn & Dịch vụ Đổi mới khí hậu KLINOVA, Đánh giá viên quốc tế của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã có những chia sẻ về thị trường tín chỉ carbon hiện nay tại Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Phương Nam, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh toàn cầu. Tại Hội nghị các Bên lần thứ 26 (COP26) của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 2021, Việt Nam và gần 150 quốc gia đã đưa ra cam kết chính trị mạnh mẽ - đưa mức phát thải ròng về “0” hay “Net Zero” vào năm 2050.
Trong bối cảnh đó, triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và phát triển thị trường carbon là xu thế tất yếu của Việt Nam và thế giới trong ứng phó BĐKH. Do đó, chính sách và quy định pháp luật để mọi cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có thể triển khai các hoạt động giảm phát thải KNK trong hoạt động tiêu dùng và sản xuất cũng như phát triển thị trường carbon được coi như một công cụ tài chính nền tảng của hoạt động tài chính khí hậu.
TS. Nguyễn Phương Nam nhận định phát triển thị trường carbon được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta, không chỉ trong quá trình hội nhập quốc tế mà còn mong muốn tạo ra được lợi thế cạnh trạnh quốc gia trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế.
Theo Đề án thành lập thị trường carbon trong nước theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020, nhiệm vụ này đang được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính và cơ quan liên quan triển khai thí điểm và thành lập thị trường carbon theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2022 để đạt thực hiện mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào 2050.
Việt Nam theo lộ trình sẽ có sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức năm 2028 sau giai đoạn thí điểm từ năm 2025. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới, liên ngành cần sự hoàn thiện chính sách căn cơ hơn cho sự khuyến khích tạo thành tín chỉ carbon cũng như những hoạt động đầu tư liên quan đến chuyển đổi xanh của khối doanh nghiệp tư nhân. Trên cơ sở đó, các quy định tiếp theo về quản lý hoạt động trao đổi mua bán tín chỉ carbon để đảm bảo sự hình thành và phát triển bền vững của thị trường trao đổi tín chỉ carbon tại Việt Nam hướng tới liên thông với thị trường carbon quốc tế. TS. Nguyễn Phương Nam nhìn nhận.
Chính sách về thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam
Theo TS. Nguyễn Phương Nam, khái niệm “thị trường carbon” lần đầu tiên được đề cập trong Quyết định1775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2012, phê duyệt Đề án quản lý phá tthải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới.
Đề án rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho tổ chức và hoạt động của thị trường tín chỉ carbon tự nguyện; xây dựng chính sách nhằm tạo điều kiện cho các địa phương, cơ quan,tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào dự án kinh doanh tín chỉ carbon từ rừng theo hướng xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triển rừng. TS Nam nói.
Bên cạnh đó, đề án được kỳ vọng sẽ tập trung vào hỗ trợ duy trì và vận hành hoạt động tạo tín chỉ carbon của các dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM) tại Việt Nam đã đăng ký vào giai đoạn trước ngày 31/12/2012 và tạo ra tín chỉ carbon từ các dự án CDM đã đăng ký trong giai đoạn 2012-2020.
TS. Nguyễn Phương Nam đưa ra một số chính sách, chủ trương của Nhà nước trong việc phát triển tín chỉ carbon như Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương năm 2013 và Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH được ban hành năm 2016 đã chỉ ra phát triển thị trường carbon trong nước được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên.
Phát triển thị trường carbon là một trong những chiến lược hiệu quả nhất để Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đã quy định việc tổ chức và thực hiện thị trường carbon. Theo đó, thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế, phù hợp với quy định của pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, Đề án thành lập thị trường carbon trong nước theo quy định của Luật BVMT 2020 đang được các Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) và cơ quan liên quan xây dựng và hoàn thiện.
Bên cạnh đó, Bộ TNMT đang sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn, nhằm đưa thêm nộidung mới, cập nhật hơn để giải quyết các lỗ hổng pháp lý trong quản lý tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon trong nước trong giai đoạn thí điểm từ 2025 đến hết năm 2027. TS. Nguyễn Phương Nam cho hay.
Đặc biệt, theo TS. Nam, cho đến nay, Chính phủ Việt Nam mới triển khai duy nhất xong một Chương trình chuyển nhượng kết quả giảm phát thải trong năm 2024. Đó là Thoả thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) được ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, trong Công văn 1108/LN-KH&HTQT gửi Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố ngày26/7/2024 thông tin về tình hình triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng, Cục Lâm nghiệp có lưu ý rằng “đây là một lĩnh vực mới, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, chi tiết và cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện trong thời gian tới”.
Ba khuyến nghị về phát triển thị trường carbon cho Việt Nam giai đoạn thí điểm 2025-2027
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Phương Nam cũng đã đưa ra ba khuyến nghị về phát triển thị trường carbon cho Việt Nam giai đoạn thí điểm 2025-2027.
Một là, Việt Nam cần sớm có quy định pháp luật về cơ chế tài chính cho loại sản phẩm tài chính mới là tín chỉ carbon như một loại “hàng hoá” mà chủ sở hữu có thể tự quyết định việc trao đổi, mua bán không giới hạn theo thị trường tuân thủ trong nước hay thị trường carbon tự nguyện quốc tế. Kinh nghiệm về sự phát triển của hoạt động đăng ký dự án CDM tại Việt Nam so với các quốc gia khác giai đoạn 2007-2012 là việc Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng có quy định về cơ chế và nhận cấp thư xác nhận cho chủ dự án CDM để đăng ký với UNFCCC tại Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg10 và Thông tư số 58/2008/TT- BTNMT11 về dự án đầu tư theo cơ chế CDM và một số cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế CDM. Điều đó là cần thiết khi chính sách hình thành và vận hành thị trường carbon trong nước chưa được hoàn thiện và đầy đủ.
Hai là, Việt Nam cần có hướng dẫn cho các chủ thể tại Việt Nam khi họ muốn đăng ký và xác nhận muốn tham gia và đã thiết kế dự án tạo tín chỉ carbon với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. Việc này có thể giúp xác định các chủ thể có thể tham gia bất kỳ cơ chế trao đổi tín chỉ carbon nào trên thế giới trong tương lai, bao gồm thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải KNK trong nước đang được phát triển.
Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam có được kế hoạch đầu tư lâu dài và phát triển bền vững ít rủi ro hơn. Điều này là cần thiết bởi tín chỉ carbon được hình thành từ chính quá trình hoạt động và sản xuất thực tế của doanh nghiệp (tối thiểu là 12 tháng) và kết quả giảm nhẹ đó cần được bên thứ ba xác nhận (tối thiểu quy trình này cần từ 3 tháng đến nhiều hơn 12 tháng tuỳ thuộc vào loại tín chỉ carbon được đăng ký tạo thành).
Hiện nay đã có danh mục hơn 2.000 cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK theo quyết định13/2024/QĐ-TTg. Danh mục này được coi là các chủ thể tiềm năng tại Việt Nam mong muốn được tham gia hoạt động đăng ký tạo ra và mua bán tín chỉ carbon cùng với các tổ chức, doanh nghiệp có tiềm năng khác. Đây là “điều kiện cần” để có được các chủ thể tham gia thị trường carbon tại Việt Nam sau năm 2027 khi thị trường carbon chính thức vận hành.
Ba là, Việt Nam cần có thêm nhiều chính sách cho phép thí điểm một số chương trình, hoạt động tạo thành và mua bán tín chỉ carbon do các tổ chức hỗ trợ phát triển quốc tế đã thực hiện thành công như chương trình thí điểm của Ngân hàng thế giới với giai đoạn vừa qua với Chương trình chuyển nhượng kết quả giảm phát thải từ hoạt động bảo vệ rừng Bắc Trung Bộ cho giai đoạn 2018-2019. Trên cơ sở thực tiễn vận hành của các chương trình thí điểm đó, một số chính sách và quy định pháp lý liên quan mới có thể ban hành một cách phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể tham gia vào lĩnh vực tài chính khí hậu mới này được. Khi đó, thị trường carbon mới có “điều kiện đủ” để phát triển và vận hành.
Việc chưa hoàn thiện khung pháp lý cho cơ chế tạo ra tín chỉ carbon và vận hành thị trường carbon trong nước sẽ có thể dẫn đến lỡ chi phí cơ hội trong đầu tư, giảm khả năng cạnh tranh về nguồn vốn để chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh hơn, bền vững hơn của Việt Nam.
TS. Nguyễn Phương Nam cảnh báo về sự không kịp thời về mặt chính sách cũng có thể đem lại thiệt hại cho các doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam về mặt tài chính trong ngắn hạn.
Vị chuyên gia nhấn mạnh: "Đó là khó khăn và rủi ro cho doanh nghiệp tại Việt Nam khi chưa biết phải xử lý về mặt đăng ký đầu tư dự án giảm phát thải hay báo cáo tài chính đối với dòng tiền đầu tư và lợi nhuận có được khi mua bán loại tài sản mới này trong thời gian tới theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam"./.
- Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng cho tiến trình phát triển tín chỉ carbon
- Tập trung đào tạo nhân lực lĩnh vực chíp bán dẫn, hydrogen, tín chỉ carbon