ISSN-2815-5823
Diễm Quỳnh
Thứ tư, 06h00 31/07/2024

Thị trường chứng khoán có lo ngại hiệu ứng "tháng Ngâu"?

(KDPT) - Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và cơ quan quản lý đang nỗ lực nâng cao hạng cho thị trường chứng khoán, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được dự báo sẽ đạt mức cao. Vậy thị trường "tháng Ngâu" sẽ có gì đặc biệt?

Thị trường chứng khoán sắp bước vào tháng 7 âm lịch, hay còn gọi là 'tháng Ngâu', đây là thời điểm được cho là thường mang đến sự trầm lắng hơn trong thị trường. Trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) đã có nhiều nhận định hay và đáng suy ngẫm về thị trường chứng khoán sắp tới.

Thị trường có sự điều chỉnh tương đối 

Theo ông Trần Thăng Long, thị trường sau khi tích lũy ở mức 1.300 điểm, hiện bước vào giai đoạn "tháng Ngâu" với những phiên điều chỉnh. Nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả những người ngoài lĩnh vực chứng khoán, thường coi tháng Ngâu là thời điểm không thuận lợi cho các quyết định đầu tư lớn. Tuy nhiên, một thống kê từ khi thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy trong hơn 23 lần trải qua tháng Ngâu, có khoảng 14 lần thị trường chứng khoán tăng điểm trong giai đoạn này. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, tháng 7 âm lịch vẫn chứng kiến sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) tại Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8.
ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) tại Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8.

Xét diễn biến thị trường gần đây, sau một giai đoạn gần như đi ngang quanh mức 1.300 điểm, thị trường đã có sự điều chỉnh khá đáng kể. Điều này là hợp lý ở một mức độ nhất định, bởi lẽ từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 58.000 tỷ đồng, con số khá lớn trong một khoảng thời gian ngắn. Thêm vào đó, số dư margin trong thị trường đã tăng lên đáng kể. Theo thống kê và ước tính mới nhất, tổng số dư margin trên báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán hiện ở khoảng 218.000 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm, mức tăng đáng kể so với năm 2023.

“Tại BSC, số dư margin cũng đang cao nhất trong lịch sử mà chúng tôi từng trải qua. Điều này cho thấy dòng tiền trên thị trường phần nào đó khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng thì cũng được mua lại bởi các nhà đầu tư trong nước và được hỗ trợ một phần bởi số dư margin đang tăng lên. Do vậy, sự điều chỉnh của thị trường là một điều cần thiết trong một chu kỳ để hạ nhiệt sức ép về margin cũng như để hạ nhiệt sức ép khi nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trong thời gian vừa qua”, ông Long nhận định.

Kết quả kinh doanh phản ánh đúng chiều hướng phục hồi chung 

Ông Trần Thăng Long cho biết thêm, theo thống kê của BSC hiện có khoảng 370 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý II trên cả ba sàn chứng khoán. Kết quả kinh doanh cho thấy sự phân hóa rõ rệt, trong đó khối tài chính, bao gồm ngân hàng và công ty chứng khoán, đạt mức tăng trưởng lợi nhuận tốt so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, ngành ngân hàng đã có sự gia tăng mạnh mẽ về lợi nhuận, còn ngành chứng khoán cũng duy trì được mức tăng trưởng dương khá ấn tượng, khoảng 17,7%.

Nhìn tổng thể, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phản ánh xu hướng phục hồi chung của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam. Những ngành như ngân hàng, chứng khoán, công nghệ thông tin, viễn thông và bán lẻ đều ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Ngành xây dựng và hóa chất cũng có sự tăng trưởng mạnh so với năm 2023.

Thị trường chứng khoán có lo ngại hiệu ứng
Thị trường chứng khoán có lo ngại hiệu ứng "tháng Ngâu"? (Ảnh minh họa)

Ông Long cũng nhận định rằng triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp và nền kinh tế là khả quan. GDP của quý I và đặc biệt quý II/2024 đã tăng mạnh hơn dự kiến, đưa mức tăng trưởng GDP trung bình 6 tháng đầu năm lên khoảng 6,4% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy Việt Nam có khả năng cao sẽ đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2024.

Sự phục hồi của các doanh nghiệp hiện đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất, sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã giúp duy trì mức lãi suất ổn định trong vòng một năm rưỡi trở lại đây. Thứ hai, tỷ giá đồng USD sau giai đoạn tăng nóng vào tháng 3, tháng 4 và tháng 5 hiện đang duy trì ở mức ổn định, giảm bớt áp lực lên các đồng tiền trong khu vực, bao gồm Việt Nam. Thứ ba, dòng vốn FDI đã quay trở lại sau Covid, với nhiều dự án khởi động lại và tốc độ giải ngân FDI tăng trưởng. Thêm vào đó, xuất nhập khẩu đã phục hồi nhanh chóng, với nhập khẩu tăng hơn 17% và xuất khẩu tăng khoảng 14,5%.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại hai rủi ro lớn cho thị trường. Thứ nhất, Việt Nam cùng nhiều quốc gia xuất khẩu khác phụ thuộc nhiều vào sức khỏe kinh tế của các đối tác lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản. Trong đó, Hoa Kỳ đang trải qua quá trình chuyển đổi kinh tế, điều này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đặt hàng vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ, trong khi Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ kinh tế. Sự lệch pha này đặc biệt rõ ràng so với Hoa Kỳ và Châu Âu. Điều chỉnh lãi suất của FED thường ảnh hưởng nhiều đến thị trường và nếu FED không cắt giảm lãi suất như kỳ vọng, điều này sẽ tạo áp lực lên thị trường chứng khoán và doanh nghiệp Việt Nam.

Về triển vọng thị trường chứng khoán, ông Trần Thăng Long cho rằng trong ngắn hạn, thị trường có thể dao động do các thông tin bất ngờ từ trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, thị trường sẽ phụ thuộc vào dòng tiền của nhà đầu tư và diễn biến cơ bản của doanh nghiệp.

BSC đã thu thập số liệu từ khoảng 80 doanh nghiệp, chiếm hơn 70% vốn hóa thị trường, và nhận thấy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp khoảng 16,5% đến 17% trong năm 2024 với kỳ vọng cao hơn trong năm 2025. Điều này cho thấy nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tiếp tục quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam tiến gần hơn đến việc trở thành thị trường mới nổi./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine