ISSN-2815-5823

Thị trường điều chỉnh: Cơ hội vàng để tích lũy cổ phiếu đầu ngành ít bị ảnh hưởng bởi thuế đối ứng

(KDPT) - Những ngành như bất động sản dân cư, ngân hàng, điện, thép, xây dựng hạ tầng và dầu khí thượng nguồn sẽ ít bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách thuế đối ứng. Trong khi đó, định giá của một số cổ phiếu đầu ngành công nghệ và thực phẩm tiêu dùng hiện đã về mức hấp dẫn, tạo cơ hội để tích lũy.

Vào ngày 2/4 theo giờ Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã công bố áp thuế 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, có hiệu lực từ ngày 5/4/2025. Đến ngày 9/4, Mỹ tiếp tục áp thuế đối ứng đối với một số quốc gia, trong đó Việt Nam dự kiến sẽ chịu mức thuế lên tới 46%.

Các ngành bất động sản dân cư, ngân hàng, điện, thép, xây dựng hạ tầng và dầu khí thượng nguồn ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế đối ứng. (Ảnh minh họa)
Các ngành bất động sản dân cư, ngân hàng, điện, thép, xây dựng hạ tầng và dầu khí thượng nguồn ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế đối ứng. (Ảnh minh họa)

Thông tin này đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần giao dịch căng thẳng, với sự bán tháo ồ ạt, làm mất toàn bộ thành quả từ đầu năm chỉ trong 2 phiên (03-04/04), khiến VN-Index kết thúc tuần tại mức 1.210,67 điểm.

Tuy nhiên, trong báo cáo gần đây, MBS nhận định rằng thị trường điều chỉnh chính là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu đầu ngành, đặc biệt là những cổ phiếu ít chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng và hiện đang có mức định giá hấp dẫn.

Cụ thể, các nhóm ngành như bất động sản dân cư (VHM, KDH, DXG), ngân hàng (TCB, ACB, CTG, VPB, BID), điện (NT2, GEG), thép (HPG, HSG, NKG), xây dựng hạ tầng (VCG, HHV) và dầu khí thượng nguồn (PVS) được cho là ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế đối ứng.

Sự vững vàng của nền tảng kinh tế vĩ mô, cùng với chính sách hỗ trợ tăng trưởng tích cực và việc tháo gỡ các nút thắt pháp lý, môi trường lãi suất thấp, kết hợp với sự tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết từ nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, là những yếu tố quan trọng giúp đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của VN-Index trong năm 2025. Hơn nữa, cơ hội để Việt Nam gia nhập nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi của FTSE trong năm 2025 và MSCI vào năm 2026 cũng mở ra triển vọng tích cực cho thị trường.

Bên cạnh đó, đợt bán tháo vừa qua đã khiến một số cổ phiếu đầu ngành công nghệ (FPT) và thực phẩm tiêu dùng (VNM, SAB, MSN, DBC, BAF) rơi về vùng định giá hấp dẫn, tạo cơ hội tốt cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, MBS cũng lưu ý rằng trong ngắn hạn, thị trường có thể khó phục hồi nhanh chóng. Bên cạnh tác động từ thuế đối ứng, còn có một số yếu tố rủi ro tác động đến thị trường.

Ở góc độ toàn cầu, thị trường chứng khoán Mỹ đang bước vào giai đoạn điều chỉnh khi đà bán tháo cổ phiếu công nghệ vẫn tiếp tục. Chính sách thuế quan không mấy tích cực khiến thị trường chứng khoán Mỹ được dự báo sẽ duy trì xu hướng giảm trong khoảng 2 tháng tới. Thêm vào đó, tháng 4 và tháng 5 là giai đoạn "vùng trống thông tin", khi không có nhiều thông tin tích cực hỗ trợ, điều này sẽ khiến diễn biến thị trường quốc tế ảnh hưởng mạnh mẽ đến VN-Index.

Ở trong nước, tỷ giá tiếp tục là một yếu tố rủi ro lớn, gây áp lực lên thị trường trong nửa đầu năm. Sau thông tin về thuế đối ứng, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng lên gần 25.800 đồng (tăng 1,3% so với đầu năm), trong khi tỷ giá tự do cũng đã áp sát ngưỡng 26.000 đồng, mức cao nhất từ đầu năm đến nay.

Cùng với quan điểm cho rằng mức thuế đối ứng cuối cùng áp dụng cho Việt Nam sẽ khó xuống dưới mức kỳ vọng (15 - 20%), MBS đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết từ 18-19% xuống còn 16 - 16,5% trong giai đoạn 2025 - 2026. Đồng thời, nhóm phân tích cũng hạ mức định giá của thị trường từ 13 lần PE forward xuống 12,5 lần PE forward, phản ánh các rủi ro từ sự chuyển dịch dòng vốn nước ngoài.

Tổng hợp các yếu tố trên, MBS điều chỉnh mục tiêu VN-Index xuống mức 1.350 – 1.380 điểm cho năm 2025, thay vì mức 1.400 - 1.420 điểm như trước.

Về mặt kỹ thuật, vùng hỗ trợ 1.160 - 1.165 điểm là rất quan trọng, vì đây là mức hỗ trợ của xu hướng tăng trưởng từ năm 2020. Nếu thị trường không giữ được vùng hỗ trợ này, đây sẽ là tín hiệu bất lợi về mặt kỹ thuật.

Việc VN-Index rơi vào vùng hỗ trợ này, giảm 13,5% từ đỉnh, tương đương với mức điều chỉnh của nhiều thị trường lớn trên thế giới như Mỹ (S&P 500), dù chỉ số VN-Index điều chỉnh muộn hơn. Do đó, nếu thị trường không giữ vững được vùng hỗ trợ này, nhà đầu tư cần chuẩn bị cho kịch bản xấu, và khả năng thị trường rơi vào trạng thái giá xuống là có thể xảy ra.

Tuy nhiên, MBS vẫn khẳng định rằng với nền tảng nội tại vững chắc, thị trường điều chỉnh sẽ là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.

Báo cáo từ Công ty Chứng khoán SHS cho thấy, VN-Index đang đối mặt với áp lực điều chỉnh mạnh, có thể rơi về vùng giá quanh 1.200 điểm - mức đáy của năm 2024 và cũng là đỉnh cao của năm 2018. Với nguy cơ áp lực bán giải chấp còn kéo dài, thị trường dự báo sẽ tiếp tục phân hóa rõ rệt theo nhóm ngành và chất lượng doanh nghiệp.

“Trong ngắn hạn, thị trường đã chịu cú sốc thuế quan, vượt các dự tính, lẽ thông thường. Đây là áp lực lớn, bất ngờ đối với nền kinh tế, cũng như nhà đầu tư. Dẫn đến thị trường có phiên giao dịch, bán mạnh với mức giảm và thanh khoản đột biến nhất trong lịch sử. Điều này có thể tiếp tục dẫn đến áp lực bán giải chấp dư nợ ký quỹ trong những phiên đến. Nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý. Cần ưu tiên quản trị rủi ro trong bối cảnh mới hiện nay. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế”, chuyên gia SHS khuyến nghị nhà đầu tư./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 25/04/2025